Hướng dẫn việc xây dựng Sơ đồ tư duy trong báo cáo giải quyết vụ án hình sự

Thứ năm - 08/02/2024 00:06 5.321 0
Ngày 28/10/2022, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2) có văn bản số 4125/VKSTC-V2 hướng dẫn việc xây dựng Sơ đồ tư duy trong báo cáo giải quyết vụ án hình sự để các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nghiên cứu vận dụng như sau:
Hướng dẫn việc xây dựng Sơ đồ tư duy trong báo cáo giải quyết vụ án hình sự
1.  Một số vấn đề chung về sơ đồ tư duy
Sơ đồ tư duy bản chất là một phương pháp ghi chú khoa học, sử dụng từ ngữ ngắn gọn, sử dụng các biểu tượng, các khối hình học, màu sắc trực quan, hình ảnh sinh động để giúp cho người nghiên cứu có thể tiếp cận, hiểu rõ, ghi nhớ thông tin một cách hiệu quả. Sơ đồ tư duy còn giúp người nghiên cứu có được cái nhìn tổng thể, dễ dàng hiểu và tổng hợp được các mối liên hệ giữa các thông tin mà không phải mất quá nhiều thời gian vào việc ghi nhớ bằng các phương pháp thủ công, truyền thống (ghi chép, sử dụng bút nhớ...).
Xét về bản chất, xây dựng sơ đồ tư duy là quá trình sơ đồ hóa các thông tin, là hình thức thể hiện, truyền đạt thông tin giúp người nghiên cứu có thể tồng hợp, khái quát hóa, hệ thống hóa thông tin, giúp cho việc nắm bắt nhanh, hiểu biết sâu và có khả năng tư duy sáng tạo để đánh giá cũng như đề ra phương án giải quyết tối ưu.
Trong việc báo cáo vụ án hình sự, sơ đồ tư duy là một dạng bản đồ chứng cứ được Kiểm sát viên xây dựng để trình bày các chứng cứ và vấn đề quan trọng của vụ án hình sự, có sự sắp xếp theo mục đích báo cáo (đề xuất phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; đề xuất thay đổi biện pháp ngăn chặn; báo cáo về các vấn đề còn mâu thuẫn cần tiếp tục điều tra làm rõ...). Trong đó, các vấn đề trình bày trên sơ đồ tư duy được liên kết với nhau nhằm chứng minh hoặc làm sáng tỏ các nội dung của vụ án, giúp Lãnh đạo dễ dàng nắm bắt nội dung báo cáo, thể hiện rõ quan điểm đề xuất của Kiểm sát viên. Từ đó, Lãnh đạo có thể đưa ra quyết định giải quyết một cách nhanh chóng, chính xác.
Một số loại sơ đồ tư duy thường được sử dụng để báo cáo án:
  • Sơ đồ thời gian: Loại sơ đồ này trình bày tập hợp các chứng cứ theo trình tự về thời gian. Chứng cứ, hành vi nào được thực hiện trước thì sẽ trình bày trước, các tài liệu, chứng cứ và hành vi xuất hiện sau sẽ được thể hiện sau, từng bước thực hiện tội phạm cho tới khi hoàn thành tội phạm.
Loại sơ đồ này thường được sử dụng để mô tả, giải thích về diễn biến, quá trình phạm tội, thể hiện nội dung vụ án.
  • Sơ đồ bong bóng: Loại sơ đồ này được xây dựng theo hình thức một vòng tròn lớn tại trung tâm. Trong đó ghi nhận nội dung chính của vấn đề khi báo cáo như: hành vi lừa đảo, hành vi giết người.... và xung quanh vòng tròn lớn là các vòng tròn nhỏ ghi nhận tại mỗi vòng tròn nhỏ là một loại chứng cứ như: lời khai của bị hại, hung khí của vụ án, hình ảnh camera thu giữ tại hiện trường.... nhằm chứng minh cho nội dung được ghi nhận trong vòng tròn lớn. Giữa những vòng tròn nhỏ có thể có các đường nối thể hiện mối quan hệ giữa các vòng tròn nhỏ - chứng cứ chứng minh cho nội dung chính.
Loại sơ đồ này thường được sử dụng cho mục đích báo cáo chứng minh hoặc khẳng định hành vi phạm tội của bị can, đưa ra các chứng cứ nồi bật để buộc tội cũng như đưa ra các chứng cứ gờ tội để xem xét đánh giá.
  • Sơ đồ cây: Loại sơ đồ này có nội dung cơ bản và từ vấn đề chính phát triển các vấn đề nhánh với các nội dung khác nhau để bổ trợ làm rõ cho vấn đề chính hoặc là một bộ phận cấu thành nên nội dung chính. Trong việc trình bày vụ án hình sự, sơ đồ hình cây giúp hệ thống hoá và sắp xếp các thông tin, các vấn đề trong vụ án.
Sơ đồ hình cây thường được sử dụng để báo cáo mang tính chất hệ thống lại vụ án, liệt kê các chứng cứ để đánh giá đưa ra đường lối giải quyết vụ án.
 
Trong các loại sơ đồ tư duy trên thì loại sơ đồ hình cây được lựa chọn và sử dụng phổ biến nhất để báo cáo đề xuất và duyệt đường lối giải quyết các vụ án hình sự vì đặc điếm của sơ đồ hình cây phù hợp với nhiều mục đích báo cáo án ngoài ra việc thiết kế sơ đồ hình cây cũng dễ dàng hơn các loại sơ đồ khác.
Tóm lại, để cải thiện chất lượng báo cáo án hình sự và tăng cường hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ của ngành KSND, Kiểm sát viên có thể sử dụng các công cụ khác nhau để xây dựng nhiều loại sơ đồ tư duy phù hợp với mục đích và yêu cầu của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân nhằm đảm bảo việc báo cáo án phải rõ ràng, giúp Lãnh đạo Viện kiểm sát nhanh chóng đưa ra được các chỉ đạo chính xác, kịp thời để giải quyết vụ án đảm bảo yêu cầu phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, Sơ đồ tư duy không thay thế cho các Báo cáo đề xuất theo quy định của Ngành KSND mà Sơ đồ tư duy chỉ là công cụ hỗ trợ để nấng cao chất lượng và hiệu quả của việc nghiên cứu và báo cáo án.

2. Phương pháp xây dựng sơ đồ tư duy
Mục đích của việc xây dựng Sơ đồ tư duy nhằm tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, nâng cao chất lượng báo cáo án và duyệt đường lối giải quyết các vụ án hình sự đáp ứng yêu cầu đổi mới, đảm bảo tăng cường hoạt động công tố trong quá trình giải quyết án các vụ án hình sự nên việc xây dựng sơ đồ tư duy tiến hành theo các bước sau:
Khi xây dựng sơ đồ tư duy, Kiểm sát viên phải thực hiện việc nghiên cứu kỹ nội dung vụ án để xác định Cơ quan điều tra đã thu thập được những tài liệu, chứng cứ gì trong vụ án, kiểm tra và đánh giá tính pháp lý của các chứng cứ thu thập từ đó lựa chọn các chứng cứ, tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vụ án để trình bày vào sơ đồ tư duy thông qua các từ khoá.
Trước khi xây dựng sơ đồ tư duy, Kiểm sát viên phải xác định mục đích của việc xây dựng sơ đồ tư duy như: để báo cáo đề xuất phê chuẩn khởi tố bị can, phê chuẩn hoặc huỷ bỏ áp dụng biện pháp ngăn chặn... Sau đó, căn cứ vào mục đích và yêu cầu của Lãnh đạo Viện kiểm sát để lựa chọn loại sơ đồ tư duy (sơ đồ thời gian hoặc sơ đồ cây...) để xây dựng.
Sau khi lựa chọn các chứng cứ và loại sơ đồ tư duy, Kiểm sát viên nên trình bày các chứng cứ trên sơ đồ theo một trình tự, vị trí khoa học nhằm mục đích định hướng tư duy của người theo dõi theo mục đích nhất định phục vụ cho việc báo cáo án.
Về cơ bản Sơ đồ tư duy sẽ tập trung trình bày các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 85 BLTTHS và trên cơ sở phân tích 04 yếu tố cấu thành của từng loại tội phạm để phù hợp với mục đích xây dựng sơ đồ tư duy. Tuy nhiên không phải mọi yếu tố đều được trình bày trên sơ đồ tư duy mà tuỳ vào loại tội danh, mục đích và giai đoạn để xác định các vấn đề cần báo cáo Lãnh đạo viện, sau đó lựa chọn rồi trình bày trên sơ đồ tư duy. Yêu cầu quan trọng của một sơ đồ tư duy là phải chứa đựng nội dung cơ bản của vụ án, làm rõ được mục đích của sơ đồ và đề xuất của Kiểm sát viên.
Lưu ý: Chỉ lựa chọn các từ khoá đại diện cho các nội dung thông tin đưa vào các khung, hình trên sơ đồ tư duy, trong mỗi khung hoặc hình chỉ nên đưa không quá 07 ký tự để giúp người đọc dễ dàng ghi nhớ và theo dõi sơ đồ, hạn chế việc đưa quá nhiều nội dung vào một khung, hình. Trong trường hợp bắt buộc phải đưa nhiều nội dung thì Kiểm sát viên nên chia nhỏ nội dung thành nhiều ý nhỏ rồi đưa lên sơ đồ.

Nguồn tin: Công văn số 4125/VKSTC-V2 ngày 28/10/2022 hướng dẫn việc xây dựng Sơ đồ tư duy trong báo cáo giải quyết vụ án hình sự

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây