Tham dự phiên họp có Lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao là thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân.
Tại phiên họp, đồng chí Nhiếp Văn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục 2 VKSND tối cao, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo công bố Quyết định số 390/QĐ-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao về kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó, kiện toàn, mở rộng thành phần Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm 23 đồng chí Thủ trưởng của tất cả các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao.
Tiếp theo chương trình, đồng chí Hoàng Minh Tiến, Cục trưởng Cục 2, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân trình bày Báo cáo tổng hợp của Cục 2 về công tác chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân.
Theo Báo cáo, mục tiêu chung về chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân nhằm ứng dụng công nghệ số hiện đại, bảo mật để đem lại kết quả công việc tốt hơn, từ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ của từng công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân; hướng tới đưa toàn bộ hoạt động hành chính của Ngành lên môi trường số; từng bước ứng dụng công nghệ số trong công tác nghiệp vụ của Ngành.
Báo cáo cũng nêu rõ 22 mục tiêu cụ thể của Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó, các mục tiêu chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành bao gồm: 100% văn bản trao đổi, xử lý công việc hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân được thực hiện trên môi trường mạng, có chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật và của Ngành); 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành được định danh số; cập nhật đúng, đủ, chính xác, kịp thời và bảo đảm tính xác thực của các dữ liệu, tài liệu cung cấp kèm theo dữ liệu cá nhân của mình vào cơ sở dữ liệu hồ sơ nhân sự của Ngành; hình thành trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu của ngành Kiểm sát nhân dân; hình thành nền tảng Bàn làm việc số của ngành Kiểm sát nhân dân; ứng dụng trợ lý ảo trong hoạt động hành chính, nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; 100% các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự và hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân (từ năm 2023) được quản lý và thực hiện bằng ứng dụng công nghệ thông tin (trừ các yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan đến các vụ án thuộc Bí mật nhà nước theo quy định); 100% đơn khiếu nại, tố cáo, đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong lĩnh vực quản lý hành chính và trong lĩnh vực tư pháp của ngành Kiểm sát được theo dõi, quản lý trên môi trường mạng (trừ những vụ việc có tính chất “mật” được thực hiện theo quy định của pháp luật và của Ngành); 100% hồ sơ, quy trình và thủ tục xét duyệt thi đua khen thưởng được thực hiện trên môi trường mạng.
Các mục tiêu chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ gồm có: 70% các cơ sở thực hiện hỏi cung bị can được trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh; 20% tổng số án hình sự phát sinh được xử lý toàn trình trên nền tảng quản lý án hình sự; Hoàn thành kết nối kỹ thuật với Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư.
Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế về hạ tầng, nguồn lực công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân như: Chưa có Trung tâm giám sát điều hành mạng (NOC) để giám sát, quản lý và điều khiển hệ thống mạng; chưa có Trung tâm điều hành thông minh (IOC) để quản lý, chỉ đạo, điều hành dựa trên số liệu. Đối với các địa phương, phần lớn không có phòng tiêu chuẩn đặt máy chủ và thiết bị mạng, không có thiết bị lưu điện, điều hòa nhiệt độ, thiết bị chống sét, thiết bị bảo mật, dễ gây hỏng máy chủ và không đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Hệ thống mạng nội bộ (mạng LAN) tại các đơn vị được xây dựng từ khá lâu, không đồng đều, lỗi thời và có tốc độ chậm.
Tại phiên họp, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến điều hành phần tham luận của thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân. Các ý kiến tập trung vào việc góp ý, bổ sung một số nội dung trong dự thảo Báo cáo như: Công tác phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ với Cục 2 nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số; công tác đảm bảo kinh phí chuyển đổi số trong toàn Ngành; công tác tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế, đề ra phương pháp, cách làm cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đánh giá cao Báo cáo tổng hợp của Cục 2 về công tác chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân cũng như những ý kiến thảo luận của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân sẽ rà soát mức độ ưu tiên của từng nhiệm vụ, từ đó chọn ra những mục tiêu quan trọng nhất trong số 22 mục tiêu cụ thể để thực hiện trước, đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả.
Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đề nghị Cục 2 tổng hợp các ý kiến góp ý của thành viên Ban Chỉ đạo tại phiên họp này để tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện Báo cáo; đồng thời tham mưu, đề xuất đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban cán sự đảng về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành ở tất cả các cấp từ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý đến tất cả công chức, viên chức, người lao động và phải chủ động tham gia thực hiện. Người đứng đầu các đơn vị phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại đơn vị mình; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với chỉ thị, kế hoạch, chương trình công tác, mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tại Viện kiểm sát các cấp.
Nguồn tin: vksndtc.gov.vn