Lời khuyên theo cùng năm tháng

Thứ tư - 01/06/2011 08:50 4.002 0
Là người học văn học nên ngày tôi cầm tờ quyết định về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên tôi nghĩ rằng mình đang dẫn thân vào làm cái nghề mà "không thiện chút nào": Bắt bớ, giam cầm, tù tội... Nhưng nghĩ là một việc mà thực tế lại là một việc khác.
undefined
undefined

Đồng chí Nguyễn Văn Sét, Viện trưởng huyện giao cho tôi làm công tác kiểm sát điều tra. Lại một phen vất vả, nào là khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nghiên cứu đề xuất phê chuẩn tạm giam, thống kê báo cáo... Thật là cả một khối công việcphải làm. Cái địa bàn Phú Lộc - Bạch Mã - Hải Vân này sao mà lắm đèo nhiều dốc đến thế, tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa. Đồng đội tôi bảo gắng xông vào, có đồng chí nêu cả câu khẩu hiệu "Cán bộ kiểm sát là chiến sỹ đấu tranh trên mặt trận bảo vệ công lý" ngại gì khó. Những ngày đầu năm 1982, sắn, khoai, bo bo còn độn cơm mà vấn thấy vui; uống trà cám đặc quánh cũng thấy khoái. Chỉ chưa đầy mấy quý mà cái chất sinh viên ngành văn trong tôi như ít nhiều trả về cho trường Tổng hợp. Tôi thấy mình già dặn, cứng cỏi hơn lên. Một buổi sáng, tôi vừa ngồi vào bàn làm việc thì có một phụ nữ trạc độ ngũ tuần, trông người chất phác, quần áo quê mùa để nón, dép ngoài hiên bước vào cơ quan. Tôi đứng dậy lế phép: "Chào bác, bác đến có việc gì?" Người phụ nữ trông mặt mày thiểu não tay run run đưa cho tôi lá đơn khiếu tố.

Cầm đơn trong tay tôi đọc một mạch. Năm tháng giờ đã lâu nên đã làm tôi quên tên đương sự. Tôi chỉ nhớ nội dung khiếu kiện đại ý rằng: bà ta có một người con, do tranh chấp hàng rào, vườn cây nên đã bị nhà bên cậy thế có người thân làm công an nên đánh con bà gây thương tích.

Xem xong đơn tôi vội vàng giải thích, và phán ngay một câu: "Thế này thì quá quắt lắm, đã lấn đất còn lại đánh người bị thương tích, cán bộ thôn chứ đâu phải ông trời con. Thôi được, bác cứ yên tâm sẽ có pháp luật trừng trị".

Nghe tôi nói bà ta nở nụ cười mãn nguyện, cám ơn rối rít ra về. Vừa đi bà vừa chấp tay vái: "Trăm sự, vạn sự nhờ Viện!".

Tôi đang loáy hoáy ghi vào sổ thụ lý đơn, nge tiếng dép lê lẹt xẹt, tôi ngửng đầu lên thấy đồng chí Viện trưởng tay cầm điếu thuốc ngọn, khói bay mù, khét rẹt, đứng ngay trước mặt tôi.

- "Bà đó về rồi hả ?"

- Dạ!

- "Cháu chuẩn bị đơn, chú cử cháu ngày mai lên xã Lộc Bổn để xác minh về trường hợp này về báo cáo chú".

Tôi cầm lá đơn đưa cho đồng chí Sét, đồng chí khoát tay tôi, bảo: "Không cần, cháu tự nghiên cứu xem xét, xác minh, kết luận".

Thế là tôi được một bữa đi công tác xa. Tôi nghĩ rằng chuyện này cũng đơn giản như đọc thơ vậy, nào ngờ khi đi vào thực tế thì phức tạp vô vàn, mọi sự đều lộn tùng phèo lên cả. Tôi cố lặn lội với công việc, đem hết trình độ học vấn, khả nănglàm việc của mình ra để chứng minh. Nhưng văn chương có giúp ích gì được. Có chăng cũng chỉ là câu kẹo, từ ngữ nhưng nhiều khi văn bản tôi viết ra cũng bị chú Sét sổ dọc, sổ ngang chằng chịt. Chú ký, chú chịu trách nhiệm theo ý văn bản của chú. Bởi vậy, nhiều khi viết lách tôi ít chú ý đến việc rèn luyện cú pháp, từ ngữ, chính tả gì cho thêm rối trí. Nói thế chứ tôi cũng phải cố gắng xoay xở để hoàn thành nhiệm vụ. Cầm lá đơn đi xác minh mà tôi vẫn thấy lo. Tuy thế, dù khó khăn phức tạp mấy cũng chỉ là cái đơn, tôi không thể kéo rê thời gian công tác được. Tôi cố rút ngắn thời gian, kết thúc trong tuần.

Sáng thứ hai, sau khi họp đơn vị và giao nhiệm vụ. Đồng chí Sét bảo tôi sang phòng báo cáo kết quả xác minh đơn tuần trước. Tôi thật sự lo lắng, lo không phải vì không hoàn thành nhiệm vụ, không phải vì sợ đồng chí Viện trưởng làm thịt làm cá gì mình bởi ông hiền khô, mà lo vì kết quả xác minh đơn hoàn toàn trái ngược sự việc như trong đơn khiếu kiện. Đặt bộ hồ sơ xuống bàn, miệng còn ấp úng. Đồng chí Sét đã nói:

- "Thế nào, cháu xác minh kết quả ra sao?"

Tôi từ tốn trình bày quá trình xác minh giải quyết khiếu nại theo trình tự kiểu làm bài luận văn, với nhập đề - thân bài - kết luận cho có logic. Đồng chí Sét cắt ngang lời nói của tôi:

- "Cháu chỉ nói ngắn, ai đánh ai? ai phá hàng rào vườn nhà ai?"

Tôi vâng, dạ trả lời câu hỏi của chú, chả để ý đến chủ ngữ, vị ngữ, cú pháp gì nữa cả, bởi chú Sét cần thế. Tôi báo cáo chú:

- Nhà có đơn kiện lấn hàng rào đánh nhà bị kiện, Công an bắt giữ nhà có đơn kiện.

Đồng chí Sét từ tốn:

- "Thôi được, cháu xếp hồ sơ rồi chú sang trao đổi".

Không biết chuyện gì sẽ xảy ra với tôi nữa đây. Lần này thì tôi đã định lại tinh thần mình, không lo lắng nữa mà chấp nhận mọi sự phê phán của chú. Ngồi bình tĩnh trước chú Viện trưởng tôi cố chỏng tai để hứng lấy những lời lẽ mà theo tôi nghĩ có thể là nặng nề nhất trong bước đầu cuộc đời vào nghề của tôi. Thế nhưng cái mình tưởng lại không phải là thế. Chú xử sự rất chân tình và chuẩn mực.

Chú ôn tồn dặn bảo:

- "Hôm trước cháu tiếp đơn với đương sự mà xưng "bác", xưng "thím" như thế là không đúng. Nó có tính chất gia đình lắm. Mình đại diện cơ quan Nhà nước để làm việc với công dân mà..."

- Dạ!

- "Đừng vội vàng quy kết. Làm kiểm sát phải nói sau cùng"

- Dạ!

Vụ việc của lá đơn khiếu kiện năm xưa, cuối cùng rồi cũng được giải quyết. Chân lý và cái đúng đã được bảo vệ. Nhưng gần hai mươi năm trong nghề kiểm sát, lời dặn của đồng chí Viện trưởng Nguyễn Văn Sét tôi xem như là một phương châm hành động cho bản thân mình. Những lần đi kiểm sát, họp hành, thảo luận tôi thường khôn khéo lắng nghe, chắt lọc đúng, sai. Tôi sẽ là người có ý kiến sau cùng. Bởi vậy quan điểm của mình thường đạt hiệu quả.

Cảm ơn đồng chí Sét đã dạy cho tôi bài học đầu đời. Bài học đó luôn theo tôi cả quãng đời kiểm sát.

Thời gian luôn vẳng bên tai:

"Đừng vội vàng quy kết. Làm kiểm sát phải nói sau cùng và lời nói đó phải khẳng định được cái đúng và chân lý..."

Tin, ảnh: Nguyễn Vĩnh (VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế)

 Tags: n/a
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây