Giá như !

Thứ ba - 29/05/2012 11:58 2.849 0
Là Kiểm sát viên, trực tiếp tham gia xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự, có hai người mẹ và hai đứa con, ở hai lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau, tôi không khỏi chạnh lòng, suy nghĩ, thương cảm cho họ.
Kiểm sát viên đang thực hành quyền công tố tại phiên tòa - Ảnh minh họa
Kiểm sát viên đang thực hành quyền công tố tại phiên tòa - Ảnh minh họa

Vụ thứ nhất, người mẹ là một bà cụ 74 tuổi, quê ở huyện P, cách thành phố Huế hơn 40 km. Cụ sinh ra và lớn lên ở vùng quê chủ yếu là cát trắng, mùa đông thì mưa lạnh, mùa hè khô hanh bởi ảnh hưởng của gió Lào. Quanh năm cụ chăm chỉ làm nghề “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” mà vẫn không qua được cái nghèo khổ. Vất vả là vậy, nhưng nếu chồng cụ không mất sớm, để lại cho cụ bốn thằng con “vô tích sự”, thì cụ còn được an ủi phần nào lúc về già. Trái lại, bốn đứa con của cụ, cụ bảo chúng như những “cục nợ”. Đứa nào cũng không chịu tu chí làm ăn, chơi bời lêu lổng, rượu che bê tha. Mọi thứ trong nhà đều đổ hết lên cái thân già của cụ.

Trong bốn anh em, hư hỏng nhất là S. S hơn 40 tuổi, đã có gia đình và ra ở riêng. Do có tính ham chơi, nhác làm, nhậu nhẹt bí tỉ, cộng với thần kinh của S không được bình thường, nên mỗi ngày bệnh tình của S ngày càng nặng thêm. Cứ tưởng sau khi có vợ con, tính tình S thay đổi, nào ngờ từ khi có vợ, S lại lời biếng, nát rượu và quậy phá trong nhà, ngoài xóm nhiều hơn. Các con lớn của S chịu không nổi, phải bỏ nhà vào Nam làm thuê. Vợ S cố gắng chịu đựng nuôi mấy đứa trẻ. Thế rồi, một ngày năm 2007, sau khi nốc mấy ly “cuốc lủi” ngây ngây, lảo đảo, S đã dùng dao đâm chết vợ. Vì S bị bệnh tâm thần, nên các cơ quan chức năng đưa S vào Trung tâm điều trị tâm thần chữa bệnh.
Năm 2000, S về lại nhà. Thời gian này bệnh tình của S có đỡ hơn, nhưng cái tính “lười nhác” và “mê ruợu” thì không đỡ. Vì thế, năm 2009, trong lần uống rượu với T (em trai mình) tại nhà mẹ đẻ, S lại đánh T thương tích và chết trên đường đi cấp cứu. Lần này, do S có năng lực trách nhiệm hình sự, nên các cơ quan tiến hành tố tụng huyện P đã xử lý S về tội: “Cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người, theo khoản 3 Điều 104 BLHS, có khung hình phạt từ 05 năm đến 15 năm tù.

Nhận thấy Toà án huyện P xử S mức án 05 năm tù là nhẹ, nên Viện kiểm sát huyện P kháng nghị phúc thẩm, theo hướng tăng hình phạt đối với S.
Ngày xét xử phúc thẩm, mẹ S dậy từ sáng sớm, mượn được 50.000 đồng đón xe thồ vào thành phố dự phiên toà. Khi gặp S trong hội trường Toà án (khi đó chưa xử), Cụ la lên: “Răng mi làm tao khổ thế S ơi? Ở nhà thằng em mi uống ruợu đau mấy ngày ni nằm liệt giường, cháo cũng không ăn được. Tao mượn 50.000 đồng, đón xe thồ vào đây để nói với mi lo mà tu thân, đừng có về nhà nữa. Về rồi, rượu vào anh em sinh chuyện lại khổ tao”.
Nói xong, cụ cầm gói ni lông đưa về phía S bảo: “Đây. Tao làm cho mi một ít muối đậu phụng (lạc), đem vô đó mà ăn. Ở nhà khổ lắm, không còn chi cả”.
Cụ là người đại diện hợp pháp của bị hại, nên trong lời trình bày của mình, cụ đề nghị: “Xin Toà xử cho nó tù chung thân. Đừng cho nó về mà khổ cả nhà”.
Sau phiên toà, tôi và Hội đồng xét xử bảo cậu Thư ký đưa cho cụ 50.000 đồng và lấy xe mô tô chở cụ ra bến xe buýt, để cụ kịp đi xe về nhà.
Nghĩ đến cảnh cụ đưa gói muối lạc cho S và lời đề nghị tại phiên toà, tôi thực sự xúc động, rơi cả nước mắt. Tôi nghĩ: Người mẹ thương con là vậy, nhưng cũng bất lực trước đứa con hư hỏng là vậy.

Vụ thứ hai, là bị cáo T 25 tuổi. T đã có chồng và là mẹ của một đứa con 7 tuổi. T sinh ra trong một gia đình làm nông ở ven thành phố. Trước đây, nơi T ở là một làng quê thơ mộng, với những lũy tre xanh, cánh đồng lúa và con sông Như Ý nước trong xanh, quanh năm lặng lẽ trôi. Nhưng, khoảng hơn mười năm trở lại đây, cái làng xưa của T dần dần lùi vào dĩ vãng, để nhường chỗ cho những công trình, phố xá mọc lên. Bởi vậy, chỗ T ở bây giờ gọi là làng cũng đúng, là phố cũng không sai. Điều quan trọng là ở đó nay không gọi là xã nữa, mà đã được công nhận là phường.
Từ khi là dân thành phố, một số kẻ lời biếng lấy đó làm hãnh diện. Chúng xa dần tính “chịu khó” lao động, để trở thành người “sành điệu” ăn chơi. T cũng rơi vào vòng xoáy đó. Năm 2008, T theo bạn gái ra huyện Q, cách nhà hơn 30 km đánh bạc. Bị Công an bắt, do đối tượng tham gia đánh bạc tuổi đời còn trẻ, tiền dùng đánh không lớn, nên Công an huyện Q xử phạt hành chính bằng tiền đối với T.

T tưởng nộp phạt là xong, nên mấy tháng sau, T lại tiếp tục cùng năm “quý bà” khác trong  tổ dân phố, đánh bạc ở gần nhà T. Do M bị thua nhiều, lại cho rằng H đánh bài “điếm” (gian dối), nên M rủ P giật lại túi tiền của H để trên chiếu bạc, bỏ chạy chia nhau. H tiếc tiền và cho rằng mình bị M cướp giật tài sản, nên làm đơn báo lên Công an phường. Thế là lộ ra vụ T đánh bạc.

Vì số tiền dùng để đánh bạc lên đến cả chục triệu đồng, nên T, M, H, P và N bị xử lý về tội “đánh bạc”. Toà án thành phố xử phạt T cùng đồng bọn mức án từ 04 đến 09 tháng tù. Riêng N được hưởng án treo. Sau đó,  T, M, H và P kháng cáo xin được hưởng án treo.

Tại phiên toà phúc thẩm, con của T nghỉ học đi theo ông ngoại ngồi ở hàng ghế giữa hội trường. Tôi nhận ra ngay cháu, vì cháu học cùng trường với con út tôi. Thấy cháu nhìn mẹ đứng trước vành móng ngựa, lòng tôi thắt lại! Tôi nghĩ: Hàng ngày mình đưa con đi học còn vất vả. Nay, bố cháu đi làm ăn xa, mẹ đi tù thì ai chăm sóc cháu đây? Nghĩ vậy, nhưng theo quy định của pháp luật, thì trường hợp của T không đủ điều kiện cho hưởng án treo.
Xử xong, T theo tôi ra chỗ để xe hỏi: “Bác ơi, thế khi nào cháu phải đi tù hả bác? Cháu biết vậy thì không bao giờ mắc phải. Tội nghiệp cho con cháu quá bác ạ”. Tôi  động viên T cứ yên tâm về nhà chờ ngày thi hành án. Và, nhớ lấy đây là bài học để không sai phạm về sau. Trong tù, cải tạo cho tốt để được giảm án, sớm về với gia đình”. Cùng lúc đó, con của T chạy đến ôm lấy mẹ, đòi mẹ chở về. Trước khi lên xe, nó chỉ tay về phía tôi, nói với mẹ: “ Bác đó có bạn học cùng con đấy mẹ ạ!”.

Tôi dắt xe vờ như không nghe gì, rồi nghĩ: Giá như S và T đừng có ham chơi, rượu chè, cờ bạc dẫn đến phạm tội, thì làm gì để cho mẹ của S và con của T phải khổ như vậy. Và, từ sâu thẳm lòng mình, tôi không chỉ thương cảm cho họ, mà còn mong rằng: Họ sớm hoàn lương để mau về với mẹ già, con thơ của mình. Tôi mỉn cười, rồi lên xe hoà mình vào trong những dòng người đang nhộn nhịp ngược xuôi trên đường phố, dưới tiết trời  mùa xuân ấm áp.

Tin, ảnh: Lê Đức Khanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây