Các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án báo cáo trước QH

Thứ hai - 28/10/2013 18:21 2.186 0
Sáng 28/10, Quốc hội đã nghe các ngành: Công an, Kiểm sát, Tòa án báo cáo kết quả hoạt động và công tác phòng chống tội phạm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bên hành lang QH, sáng 28/10, trả lời báo chí về công tác phòng chống tội phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống tội phạm, cho biết: Chính phủ đã triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, bao gồm Chỉ thị 48-CT/TW và Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt triển khai Nghị quyết 37/2012/QH13 với tinh thần quyết liệt đồng bộ, liên tục. Do vậy, tình hình tội phạm đã được kiềm chế một bước, nhiều băng nhóm tội phạm, đặc biệt tội phạm ma túy đã bị bóc gỡ, nhiều đối tượng và các vụ án hình sự đã được giải quyết một cách căn bản.

Tuy nhiên, vấn đề tội phạm có nhiều phức tạp, nhất là tội phạm băng nhóm có tính chất xã hội đen, tội phạm ma túy, tội phạm tuổi vị thành niên, chống người thi hành công vụ... cần được quan tâm hơn.

Trên tinh thần phải xử lý nghiêm, kiên quyết, liên tục nhằm chống bảo kê, bao che tội phạm ở mọi cấp mọi ngành, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về đấu tranh phòng chống tội phạm, nơi nào tội phạm hoành hành, ở đó cấp ủy, chính quyền địa phương, trước hết là ngành Công an, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Trên tinh thần đó chúng ta cần nhân rộng nhiều mô hình tốt, tiếp tục mở nhiều đợt tấn công tội phạm ở nhiều điểm với mức độ khác nhau để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Quỳnh Hoa ghi

Theo Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2013 có nhiều yếu tố tác động làm gia tăng tội phạm, nhưng với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, nên tốc độ gia tăng tội phạm đã được kiềm chế, tăng 1,23% về số vụ, 1,2% về số bị can so với năm 2012. Tuy nhiên, tình hình tội phạm đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn.

90,5% tin báo tố giác tội phạm được chỉ đạo giải quyết

Một số tội phạm xâm phạm trật tự xã hội giảm so với năm 2012, như tội phạm giết người giảm 4,32%, tội phạm cướp tài sản giảm 12,51%, tội phạm chống người thi hành công vụ giảm 9,93%...

Tuy nhiên, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế tăng 5,19% về số vụ, 7,53% số bị can so với năm 2012, tội phạm về tham nhũng tăng 12,9% về số vụ, 15,56% số bị can. Trong đó, tội phạm tham ô, môi giới hối lộ và tội nhận hối lộ được phát hiện trong nhiều lĩnh vực như quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, cũng xảy ra nhiều tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về tài chính, ngân hàng.

Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Viện KSND Tối cao và các bộ, ngành liên quan ban hành Thông tư liên tịch về hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đã tiếp nhận 98.945 tố giác, tin báo về tội phạm, tăng 30,54% so với năm 2012.

Đặc biệt, hầu hết tin báo, tố giác tội phạm đều được chỉ đạo giải quyết, đạt tỷ lệ 90,5%, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 37/2012/QH13 đề ra. 

Một số vụ án lớn tồn đọng kéo dài đã được giải quyết dứt điểm như vụ Ngân hàng NNPTNT chi nhánh Nam Hà Nội gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng; vụ Công ty Thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) gây thiệt hại 1.800 tỷ đồng; vụ Công ty Cho thuê tài chính 2 thuộc Ngân hàng NNPTNT; vụ Vinalines; vụ Huỳnh Thị Huyền Như; Nguyễn Đức Kiên...

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, thay mặt Chính phủ, báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Ảnh: cand.com.vn

Ngành Kiểm sát đạt cả 4 chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 37/2012/QH13, Viện KSND Tối cao cho biết, công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được tăng cường, số vụ án Viện Kiểm sát yêu cầu khởi tố tăng 20,8%, ngành Kiểm sát đã phối hợp tốt hơn với Cơ quan điều tra bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đúng pháp luật, đã kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố, kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra.

Ngành Kiểm sát đã truy tố trong thời gian luật định đối với 99,34% (vượt 9,34% chỉ tiêu Quốc hội), bảo đảm truy tố đúng bị can đạt 99,72% (vượt 4,72% chỉ tiêu Quốc hội), tỷ lệ kháng nghị được các cấp tòa chấp nhận vượt từ 2,3% đến 18% so với chỉ tiêu đặt ra.

Cũng trong năm 2013, Viện KSND Tối cao đã khởi tố 156 vụ án liên quan đến các hoạt động tư pháp, giảm 8 vụ so với năm 2012, chủ yếu về tội ra quyết định trái pháp luật, trốn khỏi nơi giam giữ, thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ bỏ trốn...

Ngành Tòa án khó đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ bản án bị hủy, sửa

Theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, mỗi năm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án khoảng trên 2% (năm 2009 là 2,23%, năm 2010 là 2,27%, năm 2011 là 2,14%, năm 2012 là 1,83% và năm 2013 là 1,71%). Như vậy trung bình mỗi năm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án giảm 0,1%.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 37/2012/QH13 đề ra là giảm 1% tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa trong năm 2013 so với năm 2012 là hết sức khó khăn, nhất là trong bối cảnh số lượng các loại vụ án tăng trung bình hằng năm khoảng 30.000 vụ với tính chất ngày càng phức tạp.  

Do đó, ngành Tòa án đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc quy định chỉ tiêu giảm tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án trên tinh thần quyết tâm nâng cao chất lượng xét xử.
 

Tin, ảnh: Lê Sơn-Quỳnh Hoa

Nguồn tin: Chinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây