Theo đó, Chính phủ quyết định nâng mức phạt đối với các hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, xe ôtô chở quá số người quy định… từ ngày 10/11/2012.
Ngoài việc phạt tiền nêu trên, lái xe uống rượu bia còn có thể chịu hình phạt bổ sung như: Tước giấy phép lái xe 60 ngày nếu nồng độ cồn cao; tước giấy phép không thời hạn trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định mức phạt tăng nặng đối với các hành vi vi phạm an toàn giao thông trong khu vực nội thành tại các thành phố trực thuộc Trung ương (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...), như: Phạt từ 600.000 đồng - 01 triệu đồng và 1,4 - 2 triệu đồng đối với lỗi dừng ôtô không sát lề đường, nơi có biển cấm dừng, dời khỏi vị trí lái, tắt máy khi dừng xe, dừng xe không đúng quy định; lái ôtô vào đường cấm, dừng đỗ, quay đầu xe trái quy định gây tai nạn hoặc ùn tắc giao thông, đi không đúng làn đường hoặc phần đường...
Trước đó, ngày 17/09/2012, Liên bộ Giao thông Vận tải, Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BGTVT-BCA hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP ngày 20/07/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Theo quy định tại Thông tư này, tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc đồng thời nhiều hành vi VPHC quy định tại Nghị định số 60/2011/NĐ-CP có thể bị tạm giữ giấy tờ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt VPHC; tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề…
Trong đó, việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm chỉ được áp dụng để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc trong trường hợp phạt tiền cá nhân tổ chức vi phạm nhưng không thể thực hiện tạm giữ các giấy tờ theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Thông tư này, trường hợp 01 người thực hiện nhiều hành vi VPHC trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa mà các hành vi vi phạm này đều bị tước quyền sử dụng cùng 01 loại giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên muôn, chứng chỉ hành nghề thì chỉ áp dụng tước quyền sử dụng loại giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề có thời hạn dài nhất quy định đối với hành vi vi phạm đó.
Cả hai văn bản này đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2012.