Cần triển khai, quán triệt nghiêm túc thực hiện thống nhất Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT của Liên ngành BCA, VKSNDTC, TANDTC, BTP

Chủ nhật - 22/11/2015 05:59 3.318 0
Ngày 14/11/2015, Lãnh đạo liên ngành BCA, VKSNDTC, TANDTC, BTP đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 nhằm giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết án ma túy, trong đó có việc giám định hàm lượng các chất ma túy trong thời gian vừa qua.

Trong thời gian qua, tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng, số lượng ma túy thu giữ lớn hơn. Phương thức thủ đoạn phạm tội luôn thay đổi, các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý cũng gia tăng và xuất hiện ngày càng nhiều đường dây mua bán vận chuyển xuyên quốc gia nhằm đưa ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ hoặc trung chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài. Các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ án ma túy nghiêm trọng, phức tạp, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết án ma túy, trong đó có việc giám định hàm lượng các chất ma túy.

Ngay sau khi ban hành Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 17), trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề gây ra những cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có nội dung nêu tại tiểu mục 1.4, mục 1, phần I Thông tư, quy định về giám định hàm lượng chất ma túy, cụ thể: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”. Sau gần 7 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 17, cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã chỉ tiến hành giám định hàm lượng các chất ma túy thu giữ nghi là chất ma túy đối với 03 trường hợp nêu tại điểm a, b tiểu mục 1.1, mục I, phần I và tiểu mục 3.5, mục 3, phần II Thông tư liên tịch số 17, gồm: Ma túy pha vào dung dịch; xái thuốc phiện; thuốc có chứa chất gây nghiện.

Tuy nhiên, ngày 17/9/2014, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS hướng dẫn Tòa án các địa phương giải quyết án ma túy, trong đó có nội dung: “Bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất thu giữ nghi là chất ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999” (sau đây viết tắt là Công văn số 234). Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã gặp khó khăn, vướng mắc do chưa thống nhất về nhận thức. Số hồ sơ bị trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung vì không có giám định tăng cao...

Việc giải quyết vụ án ma túy đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Song cũng cần thực hiện đúng quy định pháp luật, góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm về ma túy.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên góp phần làm tốt công tác giải quyết án ma túy trong thời gian tới và thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 96/NQ-QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội về “Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự”, ngày 14/11/2015, Lãnh đạo liên ngành BCA, VKSNDTC, TANDTC, BTP đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của BCA, VKSNDTC, TANDTC, BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 (sau đây viêt tắt là TTLT số 08). Để đảm bảo việc thực hiện thống nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân, VKSND tối cao đã có văn bản số 4575 ngày 16/11/2015 hướng dẫn cụ thể như sau:

Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08 sửa đổi, bổ sung tiết 1.4 mục 1 Phần I như sau: “1.4. Trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau: a) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; b) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; c) Xái thuốc phiện; d) Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

Ngoài 4 trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4 Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật.”

Như vậy, theo quy định của Thông tư liên tịch số 08 thì:

- Khi giải quyết các vụ án về ma túy, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Việc bắt buộc trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy chỉ trong các trường hợp a, b, c và d nêu trên.

- Trong giai đoạn xét xử vụ án ma túy nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết thì Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định mà không trả lại hồ sơ cho VKSND các cấp để yêu cầu điều tra bổ sung, cũng như không coi đây là căn cứ hủy án để điều tra lại và không chấp nhận kháng nghị của VKS.

Do vậy, ngoài 04 trường hợp nêu trên, nếu Tòa án nhân dân các cấp trả hồ sơ cho VKSND chỉ với lý do yêu cầu giám định hàm lượng chất ma túy để xác định trọng lượng tinh chất ma túy thì VKSND các cấp không nhận hồ sơ, tiếp tục đề nghị Tòa án đưa vụ án ra xét xử và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tư liên tich số 08 đến ngày 30/12/2015 mới có hiệu lực thi hành. Về bản chất những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy tại Thông tư liên tịch số 08 quy định là những trường hợp đã được quy định tại tiểu mục 1.1, mục 1, phần I và tiểu mục 3.5, mục 3, phần II của Thông tư liên tịch số 17. Do đó, trong thời gian chờ Thông tư liên tịch số 08 có hiệu lực, yêu cầu VKSND các cấp nghiêm túc thực hiện đúng quy định của BLHS và sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại Thông báo số 408/TB-VKSTC ngày 30/6/2015 khi giải quyết các vụ án ma túy.

Đối với các vụ án ma túy hiện đang có khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giám định hàm lượng chất ma túy thu giữ theo tinh thần Công văn số 234 của Tòa án nhân dân tối cao, yêu cầu VKSND các cấp căn cứ theo đúng quy định của BLHS, Thông tư liên tịch số 17 và Thông báo số 408/TB-VKSTC ngày 30/6/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao để giải quyết quyết vụ án.

Xem toàn văn tại đây

 

Tin, ảnh: Anh Phương

Nguồn tin: Kiểm sát Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây