Vợ sinh con, chồng được nghỉ 5 - 7 ngày làm việc Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Từ thời điểm này, áp dụng quy định lao động nam khi vợ sinh con sẽ được nghỉ 05 ngày làm việc; được nghỉ 07 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trong trường hợp vợ sinh đôi, lao động nam sẽ được nghỉ 10 ngày làm việc (từ sinh ba trở lên, thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc); vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật được nghỉ 14 làm việc.
Về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, Luật quy định từ ngày 01/01/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu; sau đó, để được hưởng chế độ này, mỗi năm độ tuổi tăng thêm một tuổi, đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Cũng theo quy định của Luật này, cách tính lương hưu hàng tháng cũng đã được điều chỉnh. Cụ thể, từ năm 2016 đến trước năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tiếp theo tính thêm 2% đối với nam; 3% đối với nữ, nhưng mức tối đa là 75%.
Sẽ thay Chứng minh nhân dân bằng Thẻ căn cước công dân Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 quy định thẻ Căn cước công dân sẽ được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi, thay cho Chứng minh nhân dân như hiện hành. Trên thẻ sẽ bao gồm các thông tin về họ, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, quê quán, nơi thường trú; vân tay, đặc điểm nhận dạng… của người được cấp thẻ.
Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam; Thẻ được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước quốc tế cho phép công dân được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Thẻ phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2016; tuy nhiên những địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân… để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo quy định cũ; chậm nhất từ 01/01/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.
Tăng thời gian đi nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 sẽ tăng thời gian đi nghĩa vụ quân sự trong thời bình từ 18 tháng lên 24 tháng, trường hợp cần thiết có thể gia hạn nhưng tối đa không qua 6 tháng; đồng thời cho phép công dân nữ được đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Bên cạnh đó, Luật vẫn quy định độ tuổi nhập ngũ vẫn từ 18 đến 25 tuổi. Riêng với sinh viên đại học, cao đẳng hệ chính quy được tạm hoãn nhập ngũ độ tuổi sẽ kéo dài hết 27 tuổi. Sau khi thôi học những đối tượng này phải chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự về nơi cư trú, làm việc mới của mình.
Đối với con liệt sĩ, con thương binh hạng một; con của người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân và cán bộ, công, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên... sẽ được miễn gọi nghĩa vụ quân sự.
Từ 2016, được đăng ký hộ tịch qua mạng Theo
Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13, từ ngày 1/1/2016, người dân có thể gửi hồ sơ đăng ký hộ tịch qua hệ thống trực tuyến; mức lệ phí đăng ký hộ tịch được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
Riêng với công dân Việt Nam cư trú trong nước, khi đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, đăng ký người giám hộ, kết hôn sẽ được miễn lệ phí. Tương tự với trường hợp đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.
Tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia Cũng có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13 đã điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng và dịch vụ.
Cụ thể, đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 65% lên 70% từ năm 2016 và lên 75% từ năm 2019; với rượu dưới 20 độ, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 30% từ năm 2016 và 35% từ năm 2018. Đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tăng thêm 5% lên 55% từ năm 2016; 60% từ năm 2017 và 65% từ năm 2018.
Tương tự, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casinô, trò chơi điện tử có thưởng cũng chính thức tăng từ 30% lên 35% từ ngày 01/01/2016.
Tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người Tổng số đại biểu Quốc hội tối đa là 500 người, bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và không chuyên trách; trong đó, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách chiếm ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội là nội dung nổi bật tại Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Một nội dung đáng chú ý khác của Luật này là quy định từ năm 2016, sẽ bầu Tổng thư ký Quốc hội thay cho Đoàn thư ký kỳ họp. Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc; phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; tổ chức các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.
MTTQ Việt Nam được tham gia tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên Với vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam được trao quyền tham gia xây dựng Nhà nước; trong đó có quyền được tham gia tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên và giới thiệu Hội thẩm nhân dân.
Cụ thể, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam được cử đại diện tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp theo quy định. Tại địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì lựa chọn, giới thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm nhân dân.
Nội dung nêu trên được đề cập tại
Luật Tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Mỗi Bộ có tối đa 5 Thứ trưởng Có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016,
Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 quy định số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tối đa là 05 người; riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 06 người.
Đối với các vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu mỗi đơn vị trên được có không quá 03 cấp phó; riêng với người đứng đầu Tổng cục, được có tối đa 04 cấp phó.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao...
Chấm dứt thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường Từ năm 2016, sẽ chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện, quận, phường; những nơi đã áp dụng thí điểm chính sách này tiếp tục giữ nguyên cơ cấu đến khi bầu mới là quy định của
Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Luật cũng quy định tăng số lượng đại biểu HĐND cho hai thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hồ Chí Minh từ 95 lên 105 đại biểu. Ủy ban nhân dân của hai thành phố này sẽ có không quá 05 Phó Chủ tịch.
Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ còn 5 năm Thay vì 07 năm như trước đây,
Luật Kiểm toán Nhà nước số 81/2015/QH13 quy định từ năm 2016, nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ còn 05 năm; Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể được bầu lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.
Nội dung đáng chú ý khác của Luật này là quy định báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành phải được công bố công khai trong họp báo; trên công báo và phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán Nhà nước hoặc được niêm yết tại trụ sở của đơn vị được kiểm toán…
Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Cấm gửi tin nhắn, email rác Tổ chức, cá nhân không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử (bao gồm địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, địa chỉ Internet và hình thức tương tự khác) của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối.
Đây là nội dung quy định tại Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Về bảo vệ thông tin cá nhân, Luật quy định, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin không được cung cấp, phát tán thông tin cá nhân thu thập được cho bên thứ ba. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng.
Tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự Đây là nội dung rất được quan tâm tại Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016. Theo đó, tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định; tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Tương tự, khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự cũng có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng; nếu đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.
Bên cạnh đó, Tòa án cũng không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, riêng quy định này chính thức được thực hiện từ tháng 01/01/2017.
Công dân từ đủ 18 tuổi được bỏ phiếu trưng cầu ý dân Với việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân số 96/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, Quốc hội chính thức cho phép cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Luật quy định công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ những người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự…
Các vấn đề được xem xét, quyết định trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước bao gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước và các vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân được ấn định là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 60 ngày trước ngày bỏ phiếu. Bên cạnh đó, không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng, từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố.
Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố; mọi cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.
Quân nhân chuyên nghiệp được phục vụ tại ngũ thêm 5 năm Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm là nội dung quy định tại Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức Quốc phòng số 98/2015/QH13.
Theo đó, hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của cấp úy và thiếu tá, trung tá quân nhân chuyên nghiệp được quy định theo cấp bậc quân hàm, không phân biệt nam nữ, lần lượt là 52 tuổi và 54 tuổi; riêng với thượng tá quân nhân chuyên nghiệp, là 56 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ.
Đặc biệt, khi chuyển ngành, quân nhân chuyên nghiệp sẽ được bảo lưu mức lương, phụ cấp thâm niên trong 18 tháng.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
Bỏ hình phạt tử hình với tội Cướp tài sản Một trong những nội dung nổi bật tại Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 là quy định về việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, trong đó có tội Cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội phá hủy công trình, cơ sở phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch… Ở các tội danh này, hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Bộ luật cũng bổ sung trường hợp không bị kết án tử hình, gồm: Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn…
Bộ luật cũng quy định thêm một số tội danh như: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Đây là 2 tội danh mới, không phải tình tiết tăng nặng như quy định trước đây. Đối với tội đánh tráo người dưới 1 tuổi, Bộ luật quy định khung hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù. Với người chuẩn bị phạm tội giết người bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Đáng chú ý, lần đầu tiên tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được đưa vào Bộ luật Hình sự. Bộ luật này quy định, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ 06 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm có thể bị phạt tù đến 07 năm; pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền đến 03 tỷ đồng.
Việc hỏi cung bị can phải được ghi âm, ghi hình Nội dung trên được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13. Cụ thể, việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trường hợp hỏi cung bị can tại địa điểm khác cũng phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Cũng theo quy định mới, bị can, bị cáo bao gồm cả pháp nhân. Bị can được quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội. Bị cáo được tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa.
Đối với thủ tục bào chữa, Bộ luật bỏ quy định người bào chữa trong vụ án hình sự phải xin cấp Giấy chứng nhận bào chữa. Trong mọi trường hợp, người bào chữa phải đăng ký tham gia bào chữa; khi đăng ký phải xuất trình giấy tờ theo quy định. Trong 24 giờ khi nhận đủ giấy tờ đăng ký, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả lời chấp nhận hay không chấp nhận được tham gia bào chữa.
Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016.
Ngoài ra, còn có một số luật khác cũng có hiệu lực từ năm 2016, như: Luật Thú y của Quốc hội, số 79/2015/QH13; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, số 80/2015/QH13; Luật An toàn, vệ sinh lao động của Quốc hội, số 84/2015/QH13; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của Quốc hội, số 82/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự của Quốc hội, số 99/2015/QH13…