Công bố 4 Luật vừa được Quốc Hội khóa XIII thông qua

Thứ tư - 07/12/2011 21:53 2.215 0
Sáng 6-12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 4 Luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, bao gồm: Luật Lưu trữ, Luật Đo lường, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.
Công bố 4 Luật vừa được Quốc Hội khóa XIII thông qua

LUẬT ĐO LƯỜNG

Ngày 11/11/2011, Quốc hội đã thông qua Luật Đo lường số 04/2011/QH13 gồm 09 chương, 58 điều quy định về các hoạt động đo lường bắt buộc phải áp dụng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường.

Luật được xây dựng trên nền tảng Pháp lệnh Đo lường và yêu cầu quản lý đo lường thực tế hiện nay, tư tưởng chung trong Luật là khắc phục, sửa đổi được những quy định còn yếu, lạc hậu và bổ sung các nội dung thiếu của Pháp lệnh, đặc biệt những bài học, kinh nghiệm về quản lý đo lường trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, trước đây không có quy định kiểm tra Nhà nước về đo lường thì hiện đã có một mục riêng về việc này, cho phép các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đo lường chủ động tiến hành kiểm tra, cảnh báo cho người tiêu dùng, kiến nghị xử lý vi phạm và đặc biệt công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những vi phạm về đo lường.

Cũng cần nhấn mạnh, Luật đã có quy định về mức phạt tiền đối với các vi phạm hành chính về đo lường là từ 01 đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm mà có, tịch thu số tiền thu lợi bất chính đó và giao cho Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử phạt.  

Một trong những điểm đáng chú ý khác là nếu trước kia áp dụng phí cho mỗi lần thực hiện nhiệm vụ kiểm định thì nay Luật quy định nguyên tắc xác định chi phí kiểm định để tránh sự áp đặt hoặc ép người sử dụng dịch vụ phải chi trả giá quá cao. Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo phải được xây dựng, niêm yết công khai và theo quy định của pháp luật về giá...

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2012; Pháp lệnh Đo lường số 16/199/PL-UBTVQH10 ngày 06/10/1999, quy định về phí kiểm định phương tiện đo lường tại Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí số 38/2011/PL-UBTVQH10 ngày 28/08/2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

LUẬT TỐ CÁO

Người tố cáo sẽ được bảo vệ dù họ có yêu cầu hay không; chỉ xem xét, giải quyết đối với các tố cáo rõ họ, tên, địa chỉ; đơn tố cáo phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo; không chấp nhận tố cáo qua phương tiện điện tử… là những nội dung đáng chú ý của Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011.

Trong quá trình thảo luận soạn thảo Luật Tố cáo, một số ý kiến đề nghị cần bổ sung hình thức tố cáo qua thư điện tử (email), fax, điện thoại, tuy nhiên việc quản lý các thông tin thuộc loại này còn nhiều khó khăn, bất cập, do đó Quốc hội vẫn duy trì hai hình thức là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn như hiện nay, mà không chấp nhận các hình thức tố cáo bằng phương tiện điện tử.

Bên cạnh đó, Luật mới thông qua cũng chỉ chấp nhận xem xét, giải quyết đối với các tố cáo rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo. Đồng thời bổ sung quy định đơn tố cáo phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo, trường hợp tố cáo trực tiếp thì người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bản ghi nội dung tố cáo.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc yêu cầu các cơ quan liên quan (như cơ quan quản lý người tố cáo tại nơi công tác, UBND địa phương nơi người tố cáo cư trú hoặc cơ quan công an có thẩm quyền) áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận thông tin về người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo đều có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này dù người tố cáo có yêu cầu hay không. Trường hợp nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trả thù hay trù dập thì người giải quyết tố cáo phải chủ động hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người tố cáo...

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2012; các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Luật Khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 26/2004/QH11 và 58/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

LUẬT KHIẾU NẠI

Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2012 với nhiều điểm mới so với quy định trước đây, trong đó, đáng chú ý nhất là các quy định về việc nhiều người cùng khiếu nại về 01 nội dung và vấn đề tham gia khiếu nại của luật sư và trợ giúp viên pháp lý.

Cụ thể, trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định.

Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung quy định, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.

Người khiếu nại có thể tự mình thực hiện khiếu nại hoặc nhờ luật sư, trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý có nghĩa vụ xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý và quyết định phân công trợ giúp pháp lý, giấy yêu cầu giúp đỡ về pháp luật hoặc giấy ủy quyền của người khiếu nại...

Những quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong Luật Khiếu nại, Tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 26/2004/QH11 và 58/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

LUẬT LƯU TRỮ

Ngày 11/11/2011, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2012, thay thế cho Pháp lệnh Lưu trữ số 34/2001/PL-UBTVQH10.

Luật quy định về hoạt động lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý về lưu trữ áp dụng đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân.

Những tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ có giá trị phục vụ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử đối với quốc gia, xã hội được đăng ký thuộc Phòng lưu trữ quốc gia Việt Nam, gồm: Gia phả, tộc phả, bằng, sắc phong, tài liệu về lịch sử; bản thảo viết tay, bản in có bút tích, công trình nghiên cứu khoa học, sáng tác, thư từ trao đổi; phim, ảnh, băng, đĩa ghi âm, ghi hình, tài liệu điện tử; công trình, bài viết về cá nhân; ấn phẩm, tài liệu do cá nhân sưu tầm được.

Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ; khuyến khích tổ chức, cá nhân hiến tặng, ký gửi, bán tài liệu lưu trữ của mình cho Nhà nước, đóng góp, tài trợ cho hoạt động lưu trữ và thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Cũng tại Luật này, còn có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lưu trữ, gồm: Hành vi chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất tài liệu lưu trữ; làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu lưu trữ; mua bán, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu lưu trữ; sử dụng tài liệu lưu trữ và mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và mang tài liệu ra nước ngoài trái phép...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây