Trường hợp khác được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển công chức cấp xã là người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có ít nhất 5 năm công tác (không kể thời gian tập sự, thử việc) trong ngành, lĩnh vực cần tuyển, đáp ứng được ngay yêu cầu của chức danh công chức cấp xã cần tuyển dụng.
Tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển
Nghị định 112/2011/NĐ-CP cũng quy định cụ thể việc tuyển dụng công chức cấp xã thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Cụ thể, đối với chức danh Văn phòng - thống kê, Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã), Tài chính - kế toán, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hóa - xã hội thực hiện việc tuyển dụng thông qua thi tuyển.
Tuy nhiên, đối với các chức danh nêu trên tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có thể thực hiện việc tuyển dụng thông qua xét tuyển.
Đối với chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã thực hiện việc xét tuyển và bổ nhiệm đối với người có đủ điều kiện theo quy định.
Việc bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã thực hiện theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và Pháp lệnh Công an xã.
3 môn thi tuyển công chức
Nghị định nêu rõ, thi tuyển công chức cấp xã có 3 môn thi gồm: Môn kiến thức chung; môn nghiệp vụ chuyên ngành và môn tin học văn phòng.
Còn nội dung xét tuyển gồm: Xét kết quả học tập của người dự tuyển; phỏng vấn về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.
Ngoài ra, cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức cấp xã đối với đối tượng là Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; người dân tộc thiểu số, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên;...
Tin, ảnh: Hoàng Diên
Nguồn tin: Theo chinhphu.vn