Quy định về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức

Thứ sáu - 21/12/2012 13:53 2.513 0
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012, quy định việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu từ trần.

Theo Nghị định, có 4 hình thức lễ tang gồm: Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước; Lễ tang Cấp cao; Lễ tang Cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, Lễ Quốc tang được tổ chức đối với cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.

Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế.

Lễ tang cấp Nhà nước được tổ chức đối với cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân; Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945.

Cán bộ, công chức đương chức, thôi giữ chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý (trừ các chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước); cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 (lão thành cách mạng) hoặc cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954-1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động đang công tác hoặc nghỉ hưu khi từ trần được tổ chức Lễ tang Cấp cao.

Nghị định cũng quy định, Lễ viếng tổ chức tại nhà tang lễ, Lễ đưa tang và Lễ an táng thực hiện cùng trong một ngày (trừ Lễ Quốc tang). Trường hợp tổ chức Lễ viếng tại gia đình thì tùy theo phong tục địa phương và gia đình, thi hài người từ trần phải được khâm liệm vào linh cữu và bảo đảm vệ sinh, nhất là đối với người có bệnh lây nhiễm. Linh cữu được để không quá 48 giờ, kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức Lễ an táng.

Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài. Ngoài ra, không rắc vàng mã và các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng; không đốt đồ mã tại nơi an táng.

Việc tổ chức lễ tang đối với người từ trần phải trang trọng, văn minh, kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng; hạn chế, từng bước loại bỏ những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí. Khuyến khích tổ chức an táng theo các hình thức hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2013.

Tải văn bản gốc về tại đây

 

Nguồn tin: Báo điện tử ĐCSVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây