Nghị định nêu rõ, công chứng viên phải hành nghề chuyên trách; không được đồng thời hành nghề khác, không được kiêm nhiệm các chức danh tư pháp như luật sư, đấu giá viên, trọng tài viên, thừa phát lại hoặc các chức danh tư pháp khác.
Luật sư được bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề công chứng thì khi làm thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng hoặc bổ sung thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng hoặc ký hợp đồng làm việc với Văn phòng công chứng phải có xác nhận của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư về việc đã rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư và giấy tờ chứng mình đã chấm dứt hành nghề luật sư.
Chỉ thành lập Phòng công chứng nếu không phát triển được Văn phòng công chứng
Theo Nghị định, việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng phải tuân theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
UBND cấp tỉnh xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên cơ sở bảo đảm sự công khai, minh bạch, phù hợp với quy hoạch, khuyến khích phát triển các Văn phòng công chứng có nhiều công chứng viên, có cơ sở vật chất, bộ máy hoạt động và đội ngũ công chứng viên, nhân viên lành nghề.
Mức thu phí công chứng được áp dụng thống nhất đối với Phòng công chứng và Văn phòng công chứng trong phạm vi toàn quốc.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp quy định mức thu, chế độ quản lý, sử dụng phí công chứng.
Theo Luật Công chứng, tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Phòng công chứng do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập. Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. |
Tin, ảnh: Thu Nga
Nguồn tin: Theo chinhphu.vn