Khoảng 08 giờ ngày 30/8/2012, do không có tiền để chuộc chiếc xe máy đã mang đi cầm, Nguyễn Viết Triệu (sinh ngày 20/11/1994) lợi dụng lúc bà Ngoại là Hoàng Thị Thí đang giặt áo quần, túi vải đựng tiền và vàng giắt ở lưng quần thòng ra ngoài, Triệu nhanh chóng dùng tay chụp lấy túi vải rồi bỏ chạy, bà Thí đuổi theo nhưng không kịp. Trong túi vải có 260.000 đồng và một đôi bông tai. Triệu bán đôi bông tai được 3.740.000 đồng, rồi dùng số tiền trên để chuộc xe và tiêu xài cá nhân. Đến ngày 05/9/2012, Triệu quay trở về nhà nhưng số tiền và vàng không còn nên bà Thí đã trình báo với Công an. Trong suốt quá trình điều tra và tại phiên toà Nguyễn Viết Triệu đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã áp dụng pháp luật, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Viết Triệu 12 tháng tù. Việc Triệu bị xét xử và phải chấp hành hình phạt theo quy định của pháp luật là đúng đắn. Tuy nhiên, qua theo dõi phiên toà này, cá nhân tôi có một vài suy nghĩ muốn chia sẻ.
Trong vụ án này, tính đến thời điểm phạm tội bị cáo Nguyễn Viết Triệu mới 17 tuổi 11 tháng 15 ngày là người chưa thành niên nên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều có Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo. Trong quá trình tranh luận với Kiểm sát viên, Trợ giúp viên pháp lý đều tha thiết đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, bởi lẽ đây là lần đầu bị cáo phạm tội, tài sản không lớn, hành vi của bị cáo là không nghiêm trọng; khi thực hiện hành vi bị cáo không biết mình đã phạm tội mà chỉ suy nghĩ đơn giản là lấy tài sản của người trong gia đình thì không có việc gì, người bị hại chính là bà ngoại của bị cáo và bị cáo hiện tại đang sống chung cùng bà…!
Cũng tại Hội trường xét xử, bà Thí (nay đã 85 tuổi) một mực cầu xin Hội đồng xét xử cho cháu bà được về nhà sớm vì bà không nghĩ rằng hậu quả của việc trình báo công an lại nghiêm trọng như vậy: “Biết rứa tui không báo công an cho rồi, nếu hắn đi tù thêm nữa thì tui chết không nhắm mắt” hoặc là “Tui già rồi, để tui đi tù thay cho cháu”, “Hắn đi mấy tháng, tui cũng đi vô bệnh viện Trung ương Huế hơn mười lần” - đó là nguyện vọng và những lời tâm sự tận đáy lòng của người bị hại, của bà ngoại bị cáo.
Bị cáo Triệu và và bị hại là bà ngoại của bị cáo tại phiên tòa
Tuy vậy, pháp luật luôn mang tính răn đe, giáo dục và bảo đảm sự công bằng đối với mọi người, kẻ nào thực hiện hành vi phạm tội thì phải bị xử lý theo đúng quy định. Triệu phải được cách ly ra khỏi xã hội một thời gian vừa đủ để chấp hành sự trừng phạt của pháp luật, có điều kiện tốt hơn về giáo dục để tu dưỡng, rèn luyện mong trở thành một công dân tốt hơn, trở thành một người cháu tốt của bà Thí.
Qua vụ án này, vấn đề đặt ra đối với những người làm công tác pháp luật đó là việc truyên truyền pháp luật cho người dân đã thực sự sâu rộng chưa. Trong vụ án cụ thể này chính người phạm tội cũng không biết rằng mình thực hiện hành vi như vậy là tội phạm và người bị hại cũng không nghĩ rằng việc cháu ngoại giật tài sản của mình lại vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy! Triệu đi tù rồi, bà Thí không còn ai để nương tựa trong những lúc ốm đau và chắc hẳn bà sẽ day dứt rất nhiều khi chính mình đã tố cáo đứa cháu và đưa nó vào vòng tù tội!
Do vậy, đối với mỗi thẩm phán, kiểm sát viên ngoài việc xét xử vụ án nghiêm minh theo pháp luật cũng cần qua đó làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật đến mọi người dân, nâng cao nhận thức và hiểu biết luật pháp cho họ, nhất là những người dân nông thôn, những người già, ở những vùng sâu, vùng xa, nơi mà người dân còn thiếu hiểu biết về luật pháp, nhằm góp phần tăng cường phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, giữ vững an ninh chính trị và trật tự án toàn xã hội trên địa bàn.