Hội nghị giao ban công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị vùng Tây Nguyên và Tây Nam Bộ (giai đoạn 2008 - 2011)

Thứ ba - 18/10/2011 18:36 2.923 0
Ngày 13/10/2011, tại Kiên Giang, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị vùng Tây Nguyên và Tây Nam Bộ (giai đoạn 2008 - 2011).
Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai chủ trì hội nghị
Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai chủ trì hội nghị

Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai chủ trì hội nghị; các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Trần Phước Tới, Trần Công Phàn dự hội nghị. Đại diện Lãnh đạo 13 đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 05 Viện kiểm sát nhân dân vùng Tây Nguyên, 13 Viện kiểm sát nhân dân vùng Tây Nam Bộ và 10 Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh phụ cận, đại diện Viện kiểm sát Bộ đội biên phòng, Viện kiểm sát Quân sự các Quân khu và Quân đoàn đại diện Bộ Công an tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai nhấn mạnh, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là hai địa bàn có vị trí chiến l­ược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của cả nước. Tuy nhiên, ở hai khu vực trên, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch ở nước ngoài câu kết với các phần tử phản động trong nước tuyên truyền, kích động hận thù trong đồng bào dân tộc, lôi kéo và xúi giục biểu tình gây rối... Từ năm 2008 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự trên địa bàn Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã tham mưu cho Cấp ủy Đảng, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương và Trung ương giải quyết nhiều điểm nóng, nhiều vụ phá hoại chính sách đoàn kết, phá rối an ninh, tuyên truyền chống Nhà nước, gây rối trật tự công cộng, khiếu kiện, đình công...

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo của Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Hội nghị cho thấy: Trong quá trình giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và các vụ án có liên quan đến chính sách dân tộc tôn giáo, các Viện kiểm sát địa phương đã thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo Cấp ủy và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để chỉ đạo xử lý kịp thời, chú trọng làm rõ được nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và kiến nghị các cơ quan, tổ chức yêu cầu xử lý, khắc phục vi phạm và phòng ngừa tội phạm.
 Đặc biệt, công tác kiểm sát trong quan hệ với các cấp ngành để làm tốt công tác đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, kịp thời trấn áp, đập tan âm mưu chống phá Nhà nước của các thế lực trong nước với các thế lực thù địch nước ngoài. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát các địa phương, Viện kiểm sát quân sự, quân khu đã điều tra, truy tố xét xử theo quy định của pháp luật các vụ án nhằm xử lý nghiêm hành vi phạm tội, phục vụ nhiệm vụ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Phó Viện trưởng Thường trực Hoàng Nghĩa Mai lưu ý: Viện kiểm sát các cấp, kể cả Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự phải chủ động trong quan hệ phối hợp với các ngành và các cơ quan chức năng để nắm chắc thông tin và phân loại xử lý, đánh giá đúng tính chất, nhân thân, mức độ, hành vi của đối tượng vi phạm pháp luật, có sự linh hoạt trong việc áp dụng hình thức xử lý. Cần có sự chỉ đạo của Tổng cục an ninh 2, Bộ Công an trong việc xây dựng một cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kịp thời giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc phân loại, thu thập thông tin; Cần tăng cường quan hệ phối hợp trong ngành, đảm bảo giữa các cấp, Viện kiểm sát quân sự, các địa phương thông tin thông suốt và chính xác, để có sự chỉ đạo thống nhất. Theo Phó Viện trưởng Thường trực Hoàng Nghĩa Mai, giải quyết vấn đề an ninh quốc gia phải nhanh và chính xác...; Qua giải quyết các vụ án vi phạm an ninh quốc gia, cần làm rõ nguyên nhân của tình hình tội phạm, làm rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp, để từ đó rút kinh nghiệm kiến nghị, đề xuất các biện pháp phòng ngừa thật sự có hiệu quả và xử lý trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm để xảy ra sai phạm. Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng vì để đảm bảo an ninh quốc gia không thuần túy chỉ giải quyết vấn đề hình sự, vấn đề tội phạm, cũng không phải trách nhiệm thuần túy của các cơ quan tiến hành tố tụng mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Tin, ảnh: Quang Hữu - Việt Hoa

Nguồn tin: www.vksndtc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây