Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện tương trợ tư pháp trong ngành kiểm sát nhân dân

Thứ ba - 20/09/2011 16:08 3.991 0
Trong hai ngày 15-16/9/2011, tại Hải Phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp cùng Chương trình đối tác tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Luật Tương trợ tư pháp.
Đ/c Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị
Đ/c Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị
Trong hai ngày 15-16/9/2011, tại Hải Phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp cùng Chương trình đối tác tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Luật Tương trợ tư pháp. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Phó giáo sư, Tiến sỹ, Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thiếu tướng Trần Phước Tới, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng chí Dương Anh Điền, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng tới dự, phát biểu chào mừng Hội nghị, tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Hòa Bình vừa được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ Nhất bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tham dự hội nghị có đại biểu của các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng và đại biểu của 29 Viện kiểm sát tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía bắc.
Đ/c Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu kết luận Hội nghị
 
Luật tương trợ tư pháp được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018. Luật này quy định Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan đầu mối trong các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, có nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các ủy thác tư pháp về hình sự; xem xét, quyết định thực hiện và yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự; từ chối hoặc hoãn thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự; thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo thẩm quyền; hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự; đề xuất việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp. Các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài và tiến hành các hoạt động tư pháp khác theo quy định của Luật; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp theo thẩm quyền.
 
Đại biểu dự Hội nghị
 
Thực hiện nhiệm vụ theo luật định, từ tháng 7/2008 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận 164 hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp đến từ 26 quốc gia, với các nội dung chủ yếu như: yêu cầu chuyển giao để truy cứu trách nhiệm hình sự, yêu cầu về tống đạt, tài liệu, thu thập, cung cấp chứng cứ, xác minh nhân thân, lý lịch... liên quan đến nhiều lĩnh vực, đa dạng, phức tạp như về các tội phạm giết người, mua bán ma túy, tội phạm tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền... Đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam đã thực hiện được 102/164 yêu cầu tương trợ tư pháp. Nhìn chung, việc thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ việc tồn động đã được giải quyết dứt điểm; một số yêu cầu tương trợ có tính chất phức tạp, nhạy cảm đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước xử lý nhanh chóng, phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã tiếp nhận 33 hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự cho nước ngoài, đã hoàn thành thủ tục chuyển 28 hồ sơ đến các cơ quan có thẩm quyền của 18 nước được yêu cầu để giải quyết. Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp cho nước ngoài đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng của nước ta giải quyết được những vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, trong đó có một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp như vụ PCI, vụ Vinashin...
Dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các biện pháp để Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định của luật, tương trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn khẳng định, Hội nghị này sẽ tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức, xem đây như biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vụ án có tính chất quốc tế. Phó Viện trưởng, Trần Công Phàn chỉ rõ, Vụ Hợp tác quốc tế Viện kiểm sát nhân dân tối cao là đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các đơn vị khác trong Ngành thực hiện các khâu công tác tương trợ tư pháp. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phối hợp tốt với Viện kiểm sát  địa phương để giải quyết, tháo gỡ. Đối với Viện kiểm sát địa phương phải có người chuyên trách theo dõi thường xuyên, được tập huấn đầy đủ để thực hiện tốt các uỷ thác tư pháp, tích cực chủ động hơn trong tình hình mới.

Tin, ảnh: Tin và ảnh: Quốc Hưng

Nguồn tin: www.vksndtc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây