Về với Trường Sơn

Thứ năm - 11/08/2011 14:13
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, Hội cựu chiến binh Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế lại tổ chức cho các cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa và dâng hương tại các Nghĩa trang liệt sĩ để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Về với Trường Sơn

Năm nay, trong buổi họp trước khi đi, chúng tôi đã quyết định về dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 - Đông Hà, Quảng Trị và Khu tưởng niệm hang Tám Cô, trên đường 20 Quyết Thắng. Thời gian đi dự định là 2 ngày. Ngày thứ nhất đi Nghĩa trang Đường 9; sau đó đi dọc đường Hồ Chí Minh về nghỉ tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Ngày hôm sau, tiếp tục đi theo đường Hồ Chí Minh lên hang Tám Cô.
Đúng 7 giờ ngày 17/6/2011, chúng tôi tập trung tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và lên xe đi. Xe chuyển bánh được một đoạn, người tôi rạo rực lên âm vang bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” của nhạc sĩ Ánh Dương. Điệp khúc “xe ta bon bon trên đường làng, giữa đường băng qua bao suối…” cứ ngân vang và hòa nhịp theo bánh xe lăn. Khoảng 8 giờ kém 20 phút, xe dừng lại trước quán cháo hàm. Ăn xong, khi xe vừa chạy, đồng chí Hội trưởng đắc ý nói: “Các đồng chí ăn no rồi, nhớ đi đường Trường Sơn cho khỏe nhé!”.
Xe chạy bon bon theo hướng Quảng Trị. Ngồi trên xe tôi thầm nghĩ: Cũng con đường quốc lộ 1A này, mới năm nào mình ra tìm mộ ông Bác là liệt sỹ, thuộc đơn vị K8, Quảng Trị, đường đi lại gồ ghề, bụi bặm; giờ đây đường đẹp quá. Mặt đường rộng, phẳng được rải nhựa bóng loáng. Hai bên đường cây cối xanh tươi. Từ Hải Lăng đến thành phố Đông Hà, ở đâu cũng tràn đầy sức sống.


Đúng 9 giờ 45 phút, chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, nơi có khoảng hơn 10 ngàn Anh hùng Liệt sĩ đang yên nghỉ. Bước xuống xe, như đứa trẻ, tôi đi một vòng quanh Khu tưởng niệm, ngắm nhìn các bức tượng đắp trên tường. Không phải là người có đôi mắt nghệ sĩ, nhưng tôi cũng cảm nhận được các hình ảnh đẹp trên tường như: Anh giải phóng quân, chị du kích, cô thanh niêm xung phong, mẹ Việt Nam… đủ các dân tộc khác nhau: Kinh, Mường, Vân Kiều, xuôi, ngược, già, trẻ… đều có. Người cầm cờ, người cầm súng, người giơ tay; xe có, pháo có… tất cả tạo thành một khối, một sức mạnh tổng hợp, bừng bừng khí thế xông lên phía trước đánh đuổi kẻ thù và vui mừng chiến thắng.


Sau khi làm lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm xong, chúng tôi chia nhau đi thắp hương tại các khu mộ Liệt sỹ. Nơi đây các Liệt sỹ được an táng từng khu, theo địa danh hành chính mỗi tỉnh thành khác nhau. Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên (cũ)… Mộ có tên, mộ không có tên, nam, nữ, già, trẻ, Kinh, Tày, Thủ trưởng, lính, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích, thanh niên xung phong… đều có cả. Miền Bắc gần như tỉnh nào cũng có các anh, chị nằm đây. Đông nhất vẫn là Thanh Hóa quê tôi, gần 500 Liệt sỹ. Các anh, chị nằm ngay ngắn theo từng hàng, mộ được quét vôi trắng, trên mộ gắn bia đá, khắc sao vàng năm cánh; tượng trưng cho sự thanh tao và lòng trung thành, sự hy sinh cao cả đối với Tổ quốc Việt Nam thân yêu!

Cảm động trước hình ảnh đó, tôi đã viết bài thơ: Thủ trưởng và đồng đội

Thủ trưởng và đồng đội
(Kính tặng các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc thân yêu)


Nhớ ngày thủ trưởng hô “xung phong”!
Tiến lên phía trước, lập chiến công
Nay mộ thủ trưởng nằm ở đó
Vô cùng thương tiếc, lệ tuôn dòng
 
Nhớ ngày đồng đội cùng tấn công
Nay nằm gần nhau, xếp thẳng hàng
Giữa rừng Trường Sơn, làn da trắng
Sao vàng lấp lánh, khí hiên ngang

Thủ trưởng, đồng đội của tôi ơi!
Giờ đây đất nước thay đổi rồi
Hai miền Nam - Bắc chung một mối
Cờ bay phấp phới khắp nơi nơi

Nay thắp nén nhang bên đồng đội
Gửi lòng thương nhớ cõi xa xôi
Thủ trưởng, đồng đội ơi yên nghỉ
Nguyện xây Tổ quốc mãi đẹp tươi.

Sau khi dâng hương xong, đoàn chúng tôi đi theo đường 9, lên đường Hồ Chí Minh về thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.
Lần đầu tiên đi trên đường Hồ Chí Minh, tôi như đứa trẻ lạc vào rừng “cổ tích”. Đúng vậy, đường đẹp và thơ mộng quá. Mặt đường rộng, phẳng được chia làm hai làn. Hai bên đường bạt ngàn là cây xanh cao su, tràm, thông, vải, mít, hạt tiêu… đồi nọ, nối đồi kia, tạo thành rừng xanh dài vô tận. Mắt tôi như “dán” vào hai bên đường, đầu cứ nghĩ miên man. Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, nơi mình đang đi đây là chiến trường bom đạn ác liệt. Kẻ thù đã trút xuống đây hàng ngàn tấn chất độc da cam và hàng triệu tấn bom các loại. Nó không chỉ giết chết con người, còn hủy diệt cả cỏ cây, chim thú… Thế mà hôm nay trên đỉnh Trường Sơn năm xưa, đường điện 500KV cao sừng sững, chạy ngang dọc khắp nơi, cây cối hoa quả xanh tươi, vươn dài như một bức tranh muôn màu, tràn đầy sức sống. Tôi nhớ lại những thước phim tài liệu, đã ghi lại bao cảnh hy sinh, mất mát của chiến tranh; nhớ lại những bài ca đi cùng năm tháng, những cô gái thanh niên xung phong, những thanh niên hỏa tuyến, anh giải phóng quân, chiến sỹ lái xe, những người mẹ, người chị, người vợ, em bé giao liên… của một thời cả nước ra trận và “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trong đầu tôi ngân vâng những ca khúc: Cô gái mở đường, Chào em cô gái Lam Hồng, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Tiếng đàn Ta lư, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Chiếc gậy Trường Sơn, Lá đỏ, Quảng Bình quê ta ơi… càng thêm tự hào và khâm phục lòng yêu nước, tinh thần anh dũng của cha ông mình.
Trên xe vang lên những bài hát: Bài ca không quên, Vết chân tròn trên cát… bài nào cũng hay và xúc động, nhưng tôi nghĩ nếu có thêm đĩa về những ca khúc Trường Sơn thì tuyệt biết mấy. Nóng ruột, tôi hỏi bác tài: Có thêm bài nào về Trường Sơn không bác tài ơi?.
Ông cứ yên tâm đi, sẽ có tất cả - Bác tự tin đáp. Nghe vậy lòng tôi phấn khởi như đứa trẻ mới được cho quà.
Xe chạy qua Cam Lộ, Giao Linh, tỉnh Quảng Trị, rồi Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ở đâu tôi cũng thấy dọc, ngang đường Tỉnh lộ nối giữa thành phố, thị xã, đồng bằng, miền xuôi với miền Tây Trường Sơn, giáp nước bạn Lào. Hai bên đường là thị trấn, trường học, nông trường, công trình, làng Thanh niên… nhiều chỗ dân cư đông đúc và sầm uất như ở thành thị. Tôi vô cùng xúc động và càng thấu hiểu sự sáng suốt, tài tình của Đảng và nhà nước ta trong việc quyết định xây dựng đường điện 500KV và đường Hồ Chí Minh. Nó không chỉ có giá trị cao về giao thông, kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng… cho vùng Trường Sơn bao la hùng vĩ, mà còn đem lại cho người dân cả nước niềm tự hào dân tộc, sự gắn bó keo sơn giữa các miền với nhau.
Tôi cảm động đến rơi cả nước mắt khi nghĩ đến sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước, không quản máu xương giữ lấy Trường Sơn này. Và thầm cảm ơn các thế hệ sau này, đã không ngại hy sinh gian khổ, lên đây phá bom, gỡ mìn, đắp đập, xây hồ, đào đá, cuốc từng nhát đất, đắp từng con đường, trồng từng cây non, xây lên những công trình, nông trường làng, bản… để có những xóm làng đông vui, những cánh rừng xanh tốt như hôm nay.
Gần 12 giờ trưa, xe dừng lại ở một quán cơm ven đường thuộc địa phận huyện Lệ Thủy, Quảng Bình ăn cơm trưa. Anh bạn trong đoàn tôi có vẻ hãnh diện, giới thiệu: “Đây là quê vợ tôi. Các anh vào đây sẽ có thịt gà rừng, canh cua. Nếu mùa mưa thì các anh tha hồ ăn cháo cá lóc”. Tôi nhìn xung quanh và nghĩ: Ở đây toàn đồi là đồi, núi cao sừng sững lấy đâu ra ao hồ mà cá với cua, hay anh ta nói cho “oai”. Nhưng khi hỏi chủ quán, bà chủ bảo cá lóc nhiều là có thật, tôi mới thấy mình “ngố”.
Ăn xong chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Mắt tôi căng ra ngắm nhìn đất Quảng Bình, nơi có những con đường nối liền Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã để lại bao sự tích về lòng anh dũng, kiên trung và hy sinh cao cả của những con người đã sống và chiến đấu nơi đây. Nơi mà “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Thế rồi, cứ như dòng thác chảy, bài ca “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân, lại ào ào vang lên, lặp đi, lặp lại trong tôi “Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta ngói mới… có ai hỏi Đại Phong, qua đây ghé đồng lúa mới… Quảng Bình quê ta ơi! Muôn người như một gửi về chí tuyến. Tấm lòng sắc son…”. Đến khoảng 15 giờ, chúng tôi về tới thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.
Sau khi nhận phòng tại một khác sạn gần cầu Dài, sông Nhật Lệ, chúng tôi về nhà hàng bên bờ biển Nhật Lệ gặp mặt và giao lưu với Hội cựu chiến binh Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình. Trong không khí thắm tình anh em, đồng chí, đồng đội, anh em cựu chiến binh Bình Trị Thiên đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp, trong những năm cùng chung một chiến hào và cùng làm việc trong ngành Kiểm sát nhân dân với nhau. Những ly rượu thơm mặn nồng tình người và đất Quảng Bình, những ly bia Huda êm rịu, ngọt ngào hương vị xứ Huế được mọi người nâng lên chúc nhau sức khỏe. Trong tiếng cười nói và tiếng sóng biển rì rào, nhìn ánh điện sáng và cầu Nhật Lệ, tôi tự nhủ: Để có được một cuộc sống như hôm nay, người dân cả nước nói chung, người dân Quảng Bình nói riêng đã phải hy sinh biết bao xương máu và đổ bao nhiêu là công sức mới gây dựng lại được.
Sáng hôm sau, nhân khi mọi người còn đang ngủ, tôi dậy sớm đi dọc sông Nhật Lệ ngắm cảnh ban mai. Khi đến chân cầu Dài, thấy dưới chân nhiều con nhỏ giống như con ghẹ, chạy ngang chạy dọc trên nền bê tông của bờ sông. Tôi không xác định được nó là con ghẹ hay là con gì. Khi thấy một dân chài câu cá gần đó, tôi hỏi và được trả lời đó là con Còng. Đây là lần đầu tiên tôi biết đó là con Còng. Tiếp khoảng hơn 100m, nơi tiếp giáp với đường Mẹ Suốt, tôi nhìn thấy hai bên đường có đông người mua bán. Tôi hỏi bác xe thồ: Chợ gì thế bác?

- Chợ Đồng Hới chú ạ!- bác tài nhìn tôi trả lời.
- Chợ họp vào thời gian bao lâu trong ngày hả bác?- Tôi hỏi tiếp.
- Chợ họp cả ngày chú ạ!- bác tài điềm đạm lên tiếng.

Tôi nhìn xung quanh thấy đủ mọi hàng hóa bày bán: Cá, tôm, thịt, rau hành, bầu, mướp… cái gì cũng có. Tôi mỉm cười suy nghĩ: chợ miền biển mà thứ gì cũng có, ai muốn gì cũng được không khó khăn như thời kỳ bao cấp trước đây.
Qua khỏi chợ một đoạn là đường Nguyễn Xuân Kỳ. Bên trái đường là trụ sở Thành ủy thành phố Đồng Hới. Bên phải đường là khu di tích tượng đài Mẹ Suốt.
Tượng đài Mẹ Suốt nằm cạnh dòng sông Nhật Lệ thơ mộng. Ở gần bến đò trước đây Mẹ vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, bom rơi, đạn nổ, chèo thuyền đưa cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong qua sông đánh giặc. Tượng được làm bằng đá, cao khoảng 7 mét do nhà điêu khắc Phan Đình Tuấn thiết kế và thi công hoàn thành vào tháng 6/2003. Hình ảnh Mẹ Suốt hiên ngang đứng trên chiếc thuyền, tay cầm mái chèo, mắt hướng vào Nam. Bên phải thuyền là 5 anh bộ đội, mắt hướng về dãy Trường Sơn hùng vĩ. Phía trước tượng ghi: Mẹ Suốt anh hùng (1908 – 1986) và đoạn thơ:

Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung trắng bờ
Mẹ rằng; cứu nước mình chờ chi ai?”

Nhìn Tượng đài, tôi lại hình dung ra một Mẹ Suốt bằng xương, bằng thịt hiên ngang dưới bom đạn của địch, chèo lái con thuyền đưa cán bộ, bộ đội vượt sông Nhật Lệ an toàn. Mẹ không chỉ là người Mẹ anh hùng của mảnh đất Quảng Bình quê ta ơi! Mẹ còn là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu, là mẫu người điển hình của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sáng đó, đoàn chúng tôi lại tiếp tục theo đường Hồ Chí Minh về dâng hương tại hang Tám Cô, trên đường 20 – Quyết Thắng. Bác tài giữ đúng lời hứa mở băng nhạc gồm các ca khúc: Bài ca thống nhất, Quảng Bình quê ta ơi, Người con gái sông La, Cô gái mở đường… nghe vui nhộn cả núi rừng. Khoảng 11 giờ trưa chúng tôi có mặt tại hang Tám Cô. Những tấm bia ghi tên các Anh hùng Liệt sỹ.
…. Ngày 14/11/1972… do bị bom giặc đánh, các anh chị đã anh dũng hy sinh (Nguyễn Văn Phương, sinh 1953; Trần Thị Tơ, sinh 1954; Lê Thị Mai. Sinh: 1952; Lê Thị Lương. Sinh 1953; Sầm Văn Mắc. Sinh 1952…). Các anh chị còn rất trẻ, tuổi đời còn mười tám, đôi mươi. Quê ở nhiều tỉnh khác nhau: Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang. Trong số 13 người hy sinh, có 8 người là thanh niêm xung phong, 5 là bộ đội pháo binh.


Sau khi thắp hương trong hang xong, tôi cầm nắm hương ra ngoài cửa hang tìm chỗ cắm, nhưng chỗ nào cũng đá là đá, không thể cắm được. Tôi đến chỗ gốc cây treo cái kẻng trước kia các cô thường đánh để báo động mỗi khi có máy bay giặc đến, nhưng cũng không cắm được. Tôi thò tay vào chỗ có mái che, định cắm vào đó nhưng phát hiện ra đây là chỗ dùng để đốt các loại giấy vàng mã, nên tôi dừng lại. Cuối cùng, tôi cũng phải bước xuống lề đường trước cửa hang tìm chỗ có nhiều sỏi và đá nhỏ để cắm hương. Xong rồi tôi theo mọi người vào trong Nhà bia tưởng niệm hang Tám Cô dâng hương và thăm quan các hiện vật trong phòng. Khi đến bàn ghi lưu bút, tôi xúc động ghi vào sổ câu thơ (vô đề).

Luôn nhớ các “Cô gái mở đường”
Ngàn đời dân vẫn mến, vẫn thương
Nguyện cùng các cô xây dựng nước
Ngàn năm tươi đẹp, sáng muôn phương!.

Lúc ra đường, ngồi bên gốc cây “mối tình Trường Sơn”, nhớ lại ai đó từng viết trên báo rằng, trước cửa hang này từng có cây chuối cao gần 8 mét và hai lần chuối ở đây trổ buồng 8 nải. Tôi lấy làm lạ, bởi đá rắn thế kia, mình cắm cây hương còn khó, thế mà tại sao chuối lại sống và lên cao, trổ buồng được như thế?. Nhìn cây si rừng ôm ấp cây lim xanh, tôi vô cùng cảm động và nghĩ rằng, thiên nhiên đã cảm động, thấu hiểu lòng người đã và đang ở nơi đây hay sao, ban tặng cho “mối tình” trong trắng, thơ mộng và đẹp như thế? Đây thực sự là một cảnh đẹp, nên thơ giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ này. Cảm xúc trào đến, tôi làm luôn một bài thơ lấy tên là “Hoa tình yêu” ngay dưới gốc cây này.

Hoa tình yêu
(Kính tặng các anh, chị đã sống, chiến đấu anh dũng trên Đường 20 Quyết thắng nói riêng và trên đường Trường Sơn nói chung)

Si rừng ôm ấp lim xanh
Như tình yêu của em, anh ngày nào
Trường Sơn đất rộng, trời cao
Hoa tình yêu nở, ngàn sao sáng ngời
Qua bao lửa đạn bom rơi
Anh, em gửi lại cây đời đẹp tươi
Đường 20 mãi chói ngời
Anh hùng bất khuất đời đời ghi ơn!
Hôm nay, về với Trường Sơn
Hứa các anh chị, sắt son một lòng
Chung tay xây dựng non sông
Ngàn năm tươi đẹp, cờ hồng tung bay.

Viết xong tôi hơi phân vân, bởi ai đó đã đặt cho cây này là “cây mối tình Trường Sơn”, còn mình lấy tên “Hoa tình yêu” có gì khó hiểu không?. Nhưng cuối cùng tôi nghĩ mình đặt vậy cũng không sao cả. Mình nói về “tình yêu” của Trường Sơn, cũng những con người đã sống, chiến đấu trên đường 20 Quyết Thắng nói riêng và ở Trường Sơn nói chung trong những năm tháng ác liệt nhất của những ngày tháng kháng chiến cứu nước. Và cũng là tình yêu của những con người đang ngày đêm vượt qua muôn ngàn gian khổ, để lao động, dựng xây Trường Sơn ngày càng tươi đẹp hôm nay và mai sau.
Rồi tôi nghĩ đến 4 câu thơ ghi trong sổ lưu niệm kia. Do vội vàng nên tôi không đặt được tên và ý thơ, tứ thơ tôi thấy cũng chưa lòng vòng lắm. Tôi quay lại nơi ghi sổ lưu niệm đặt tên bài thơ là “Nhớ mãi công ơn” và sửa lại:

Nhớ mãi công ơn
(Kính tặng các anh, chị đã hy sinh)

Anh dũng trên đường 20 Quyết Thắng
Thương lắm các anh, chị mở đường
Đời đời ghi nhớ mãi công ơn!
Nguyện hiến thân mình cho Tổ quốc
Xây dựng nước non mãi trường tồn

Trên đường trở về Huế, đi đến đâu tôi cũng hình dung ra con đường, những bản làng, những con người… đã từng sống và chiến đấu ở đâu đó, mà tôi đã được biết qua từng thước phim tư liệu, những mẩu chuyện, những bài học trên ghế nhà trường… Tôi thầm nghĩ: thế hệ chúng tôi và mai sau, ghi nhớ công ơn của bao lớp cha anh đi trước. Về với Trường Sơn là về với quá khứ hào hùng của dân tộc, là mang trong mình lòng tự hào dân tộc để rồi không ngừng vươn lên, dựng xây nước Việt Nam XHCN, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu; xứng đáng là “con Lạc cháu Hồng” là con cháu thời đại Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: Lê Đức Khanh (VKSND Thừa Thiên Huế)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây