Giai đoạn hợp nhất các VKSND ở các tỉnh Bình - Trị - Thiên (năm 1976)

Thứ hai - 30/03/2020 23:20
Theo tinh thần Nghị quyết 245 ngày 20-9-1975 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên; ngày 27- 12-1975 Ban Chỉ đạo hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên ra thông báo số 586/VP triển khai công tác thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng về việc hợp nhất tỉnh cho các Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh.
Các đồng chí Lãnh đạo Viện tỉnh qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm (năm 1993)
Các đồng chí Lãnh đạo Viện tỉnh qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm (năm 1993)
Thực hiện chủ trương trên, từ ngày 15-01-1976 các ty, phòng trực thuộc, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn Bình Trị Thiên tiến hành họp bàn đánh giá tình hình hoạt động, công tác tổ chức cán bộ, hiện trạng cơ sở vật chất, những công việc đang triển khai và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch trong năm 1976; xác định chức năng nhiệm vụ mới khi hợp nhất tỉnh, trên cơ sở đó dự kiến tổ chức bộ máy biên chế, bố trí cán bộ và đề ra kế hoạch hợp nhất, tổng hợp tình hình và lấy ý kiến thảo luận báo cáo với Ban chỉ đạo.
Hoà chung không khí chuẩn bị hợp nhất của các ban ngành, trong hai ngày 15 và 16-01-1976, các Viện Kiểm sát nhân dân tại Bình Trị Thiên tiến hành Hội nghị hợp nhất. Tham gia hội nghị gồm một số thành viên đại diện các đơn vị, như Quảng Bình có đồng chí Viện trưởng Trần Thường Khiêm, đồng chí Dương Văn Huyến là Kiểm sát viên; Vĩnh Linh có đồng chí Thạnh là Phó Viện trưởng; Quảng Trị có đồng chí Nguyễn Hữu Phước phụ trách Công tố; Thừa Thiên có đồng chí Viện trưởng Võ Văn An cùng các đồng chí Trần Viết Hường là Kiểm sát viên phụ trách Văn phòng – Tổ chức, đồng chí Lương Á Châu là cán bộ. Ngoài ra, Hội nghị hợp nhất này còn có sự tham dự của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, gồm đồng chí Thêm là Kiểm sát viên cao cấp - Vụ phó Vụ Tổ chức, đồng chí Uẩn là cán bộ. Đồng chí Lê Tự Đồng, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Trưởng ban chỉ đạo hợp nhất 3 tỉnh cũng tham gia chỉ đạo Hội nghị.
Căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, Hội nghị nhận định:

Về chính trị: Quảng Bình, Vĩnh Linh cơ bản đạt được sự ổn định về chính trị và thống nhất cao về tinh thần cách mạng trong nhân dân; ngược lại, ở Quảng Trị và Thừa Thiên là vùng mới giải phóng, lực lượng phản cách mạng chưa bị quét sạch, tình hình trật tự - trị an còn nhiều vấn đề phức tạp, an ninh quốc phòng phải được củng cố, nên cần phải ngăn chặn các hoạt động phá hoại của bọn phản động trong nước câu kết với các tổ chức phản động quốc tế chống phá cách mạng, đập tan các kế hoạch “hậu chiến” của địch nhằm bảo vệ và tăng cường sức mạnh của chính quyền cách mạng; do vậy, ngành kiểm sát cần phái nỗ lực không ngừng, thực sự là công cụ bảo vệ của Đảng.

Trên lĩnh vực kinh tế, Quảng Bình, Vĩnh Linh đã trải qua 20 năm cải tạo, xây dựng và trưởng thành, nền kinh tế chỉ còn 3 thành phần. Tuy nhiên, công tác quản lý lại chưa đi vào nề nếp, chặt chẽ, tình trạng tham ô, lãng phí, cố ý làm trái vẫn còn xảy ra, mà đối tượng chủ yếu là các thủ kho và kế toán (ở Quảng Bình 70% thủ kho, kế toán có vi phạm, 70% hợp tác xã tín dụng có tham ô, nhiều xã có Hợp tác xã mua bán hết vốn kinh doanh; Vĩnh Linh có 17/27 thủ kho làm thiếu hụt hàng hoá, cá biệt có thủ kho làm thiếu hụt 60 tấn lương thực, Ty Lương thực có 46% (118/253) cán bộ công nhân viên tham ô, lợi dụng). Trong khi đó ở Thừa Thiên và Quảng Trị vẫn còn tồn tại nền kinh tế 5 thành phần, nên tình trạng tham ô, lãng phí, cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách chế độ đã xảy ra khá phức tạp (Quảng Trị có 4 vụ, Thừa Thiên có 4 vụ). Thực tế đó đòi hỏi công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm ở hai khu vực có sự khác nhau, mà ngành Kiểm sát đóng vai trò hết sức quan trọng.

Về văn hoá, vẫn có sự khác biệt vì Thừa Thiên, Quảng Trị mới được giải phóng, đang còn ảnh hưởng nặng nề văn hoá nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, đòi hỏi ngành Kiểm sát cần phải góp phần đấu tranh bài trừ các văn hoá phẩm đồi trụy, mê tín dị đoan, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền văn hoá văn nghệ cách mạng, xây dựng nếp sống văn hoá mới, con người mới.
Bên cạnh những khác biệt về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, khâu tổ chức và nhân sự trong ngành giữa các địa phương cũng có sự không đồng nhất: ngành Kiểm sát Quảng Bình - Vĩnh Linh đã qua 15 năm xây dựng và trưởng thành, tổ chức và biên chế cán bộ tương đối hoàn chỉnh; còn Thừa Thiên Huế chỉ mới có quyết định thành lập Viện Kiểm sát nhân dân, cán bộ trong ngành ơ tỉnh, huyện, thành phố biên chế chưa đầy đủ, kinh nghiệm chưa có. Đó là những khó khăn trước mắt cần phải khắc phục. Tuy nhiên, do Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đấu tranh phòng và chống vi phạm, tội phạm; các Cấp uỷ Đảng cũng như Uỷ ban nhân dân các cấp luôn tạo điều kiện cho hoạt động kiểm sát; nên đó là những thuận lợi không nhỏ đối với ngành Kiểm sát trong việc hợp nhất các đơn vị thành Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên.
 
tranthuongkhiem
Căn cứ vào đặc điểm tình hình và phương hướng phát triển của tỉnh mới thành lập, tại Hội nghị hợp nhất thành lập Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên, đồng chí Lê Tự Đồng - Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Trưởng ban chỉ đạo hợp nhất đến dự, đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ như sau: “Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, phương hướng tiến lên của tỉnh, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, ra sức vận dụng chức năng kiểm sát một cách tổng hợp và toàn diện, kiểm sát tuân theo pháp luật trong mọi lĩnh vực: trị an, an ninh, kinh tế - văn hoá, xã hội. Góp phần bảo đảm trật tự an ninh, xã hội. Trước mắt đấu tranh chống luận điệu tuyên truyền xuyên tạc chế độ, xuyên tạc thống nhất đất nước, chống bọn gián điệp cài lại, bọn phản động đội lốt tôn giáo, chống nạn cướp của, giết người, trộm cắp, lừa đảo ảnh hưởng đến an ninh - trật tự xã hội. Chống tệ nạn tham ô hối lộ, lạm quyền làm sai chính sách, đầu cơ buôn lậu, phá rối thị trường. Chống văn hoá nô dịch, xì ke, ma tuý... Nhằm phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là phục vụ cho nông - lâm - ngư - nghiệp, đồng thời chú trọng đến thương nghiệp, phục vụ đời sống nhân dân”.
Sau Hội nghị hợp nhất, theo Quyết định số 09/BTP-QĐ ngày 23-4-1976 của Bộ Tư pháp và Quyết định số 09/QĐ-UB ngày 08-5-1976 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đã chính thức ra đời. Trụ sở mới của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh được dời về cụm đường Thạch Hãn - Thanh Hương - Phùng Hưng - Tuệ Tĩnh - Tịnh Tâm thuộc phường Thuận Hòa, thành phố Huế.

Bám sát phương hướng, nhiệm vụ do Hội nghị hợp nhất đề ra, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đã khẩn trương ổn định về mặt tổ chức và bước đầu đi vào hoạt động. Ngay từ những tháng đầu tiên nhập tỉnh, Viện Kiểm sát Bình Trị Thiên đã thực hiện kiểm sát trên tất cả các lĩnh vực bảo vệ dân chủ góp phần xây dựng chính quyền cách mạng, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh - trật tự xã hội; xây dựng mối quan hệ với các ban ngành công an, toà án, thanh tra...
Chấp hành chỉ thị 229/CT-TW ngày 20-01-1976 của Trung ương về việc đấu tranh khắc phục những vi phạm về dân chủ, Viện Kiểm sát nhân dân các huyện Phú Vang, Phong Điền, A Lưới, Triệu Phong, Gio Linh đã tiến hành phổ biến 3 Sắc luật 01, 02, 03/SL-1976; giới thiệu về tổ chức hoạt động của ngành kiểm sát cho cán bộ Đảng và cán bộ dân chính của các huyện và xã. Viện Kiểm sát tỉnh cũng như một số huyện, thị, thành phố phối hợp với Ty Công an nghiên cứu 3 sắc luật nói trên, xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi ngành trong việc bắt - giam - tha, bảo đảm quyền tự do, danh dự của công dân.

Đối với lĩnh vực bảo vệ trật tự trị an, trong 2 tháng đầu sau khi nhập tỉnh, Viện Kiểm sát Bình Trị Thiên đã kiểm sát đưa ra truy tố 24 vụ án trị an và 1 vụ án chính trị phản động. Kiểm sát cấp huyện tham gia xét xử sơ thẩm 41 vụ án trị an. Tiêu biểu cho việc truy tố án chính trị phản động trong thời gian này là vụ án của tổ chức phản cách mạng với tên gọi “Mặt trận nhân dân phục quốc” do Trần Tăng Thành, nguyên thiếu uý tâm lý chiến quân đội chính quyền Sài Gòn, cầm đầu vào tháng 6-1976. Đối với những vụ án trọng điểm, Viện Kiểm sát đã chủ động bàn bạc giữa 3 ngành Công an - Toà án - Viện Kiểm sát để có sự thống nhất trong việc giải quyết án, chú trọng xây dựng điểm pháp chế, nhằm phát hiện vi phạm dân chủ, bước đầu xây dựng nề nếp quản lý trật tự trị an và an toàn xã hội ở địa phương. Trong việc giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, thông qua hoạt động kiểm sát vi phạm vấn đề dân chủ, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đã giải quyết đơn thư của quần chúng phản ánh một số cán bộ vi phạm chế độ bắt người, khám nhà, giữ đồ vật, làm không đúng thủ tục, sai nguyên tắc... Về lĩnh vực dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân đã tác động với Toà án giải quyết nhanh, gọn các vụ, việc, đúng pháp luật hợp lý hợp tình.

Công tác kiểm sát của Viện Kiểm sát Bình Trị Thiên trong thời gian đầu nhập tỉnh đã có những nỗ lực vượt bậc, bước đầu đặt nền tảng cho công tác kiểm sát trong những năm tiếp theo.

Tin, ảnh: Nguồn: Lịch sử VKSND Thừa Thiên Huế - 30 năm xây dựng và trưởng thành

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây