Công tác kiểm sát xét xử từ tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên từ năm 2008 đến tháng 6 năm 2011

Thứ tư - 09/11/2011 21:27 3.727 0

minh họa

minh họa
Theo Thông báo số 284 ngày 7/7/2011 của Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm 2 tại Đà Nẵng cho thấy: Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên từ năm 2008 đến tháng 6 năm 2011, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng đã phát hiện một số vi phạm của Toà án nhân dân cấp tỉnh trong khu vực trong việc áp dụng các quy định của pháp luật về hình sự, thể hiện cụ thể như sau:

Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Không có quyết định của Chánh án phân công Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; Thư ký Toà án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự. Thay đổi Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử nhưng không có quyết định của Chánh án.

Vi phạm quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng Hình sự vàphần IVNghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao: Người ký quyết định đưa vụ án ra xét xử không phải là Thẩm phán chủ tọa phiên toà, trong quyết định sửa chữa điều khoản, ngày tháng bằng bút mực đỏ. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử người tiến hành tố tụng chỉ có Thẩm phán mà không có Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án và Kiểm sát viên tham gia.

Vi phạm quy định tại Điều 207, Điều 209, Điều 210 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Việc xét hỏi của Hội đồng xét xử quá sơ sài, không làm rõ những tình tiết chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Không thực hiện việc hỏi riêng từng bị cáo mà xét hỏi chung một lần bằng một câu hỏi đối với nhiều bị cáo.

Vi phạm quy định tại các Điều 95, Điều 200 và Điều 220 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Việc ghi chép Biên bản phiên toà không đầy đủ, ghi sai họ tên Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, không ghi những người tham gia tố tụng, ghi sai ngày tháng năm mở phiên toà, ghi nguời tham gia tố tụng thành người tiến hành tố tụng. Phần tranh luận không ghi lời luận tội của Kiểm sát viên, mà chỉ ghi nội dung đề nghị áp dụng điều luật của Bộ luật Hình sự và mức hình phạt đối với bị cáo. Ghi sai tên bị cáo, sai tội danh xét xử đối với bị cáo. Không thể hiện việc Hội đồng xét xử cho bị cáo nói lời sau cùng. Thư ký Toà án không ký vào biên bản phiên toà. Không ghi thời gian tiến hành nghị án trong biên bản nghị án.

Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 199. khoản l Điều 222; Điều 224 Bộ luật Tố tụng Hình sự và tiểu mục l.4 mục 1 phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao: Biên bản nghị án không thể hiện việc thảo luận, quyết định và biểu quyết về điều luật áp dụng, mức hình phạt đối với bị cáo, không biểu quyết các vấn đề khác như trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí hoặc ghi thiếu điều luật áp dụng (trong bản án có thể hiện). Biên bản nghị án không thể hiện kết quả biểu quyết đối với từng vấn đề một, ghi sai tên bị cáo khi biểu quyết về mức hình phạt. Bản án sơ thẩm ghi sai thời điểm xảy ra tội phạm. Trong phần nhận thấy của bản án không nêu hoặc nêu thiếu diễn biến hành vi phạm tội theo cáo trạng truy tố. Không ghi điều luật mà Viện kiểm sát truy tố, không ghi mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo. Phần quyết định của bản án sơ thẩm và biên bản nghị án không ghi điều luật áp dụng về trách nhiệm dân sự, ghi phần bồi thường về dân sự không đúng với biên bản nghị án.

Vi phạm quy dịnh tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Chưa xác định đầy đủ sự thật của vụ án thể hiện qua việc áp dụng thiếu các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: “phạm tội có tổ chức”, “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, “phạm tội nhiều lần” theo các điểm a, b và g khoản l Điều 48 của Bộ luật Hình sự. áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo dưới khung hình phạt không đúng quy định, như bị cáo chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản l Điều 46 Bộ luật Hình sự hoặc xử phạt bị cáo dưới khung hình phạt nhưng trong phần căn cứ không ghi áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự. áp dụng không đúng tình tiết giảm nhẹ theo Điều 46 Bộ luật Hình sự như: Bị cáo không có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm nhưng vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm a khoản l Điều 46 Bộ luật Hình sự. Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm h khoản l Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Vi phạm quy định tại khoản l Điều 74 và khoản l Điều 75 Bộ luật Hình sự: Tổng hợp hình phạt của nhiều tội buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là 19 năm tù trong khi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đối với tất cả các tội khi chưa đủ18 tuổi.

Một số vi phạm khác trong việc áp dụng pháp luật: Vi phạm khoản 3 Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự khi tuyên trả lại tiền tạm giữ cho bị cáo trong lúc có hình phạt bổ sung là phạt tiền. Tuyên cho bị cáo hưởng án treo nhưng trong phần căn cứ không áp dụng Điều 60 Bộ luật Hình sự. áp dụng Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Toà án khi đã hết hiệu lực thi hành. Xác định người tham gia tố tụng với tư cách là đại diện theo uỷ quyền trong khi hồ sơ không thể hiện việc uỷ quyền. Cáo trạng truy tố và án sơ thẩm ghi sai tên, năm sinh của người mà Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam và đề nghị truy tố.

Vi phạm quy định tại các Điều 229; Điều 236, Điều 237 Bộ luật Tố tụng Hình sự và tiểu mục 3.1 mục 3 phần I Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao: Không thông báo cho nguời kháng cáo để họ thể hiện nội dung kháng cáo cho cụ thể rõ ràng theo quy định của pháp luật trong trường hợp nội dung kháng cáo chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Thông báo kháng cáo đối với trường hợp kháng cáo có nội dung kháng cáo không thuộc giới hạn của việc kháng cáo, hoặc người kháng cáo không có quyền kháng cáo. Yêu cầu người kháng cáo thuộc trường hợp được miễn nộp án phí theo quy định tại Điều 11 và Điều 21 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án phải nộp tiền tạm ứng án phí (đại diện hợp pháp bị hại kháng cáo đề nghị xem lại khoản tíền cấp dưỡng nuôi con và tiền bù đắp tổn thất tinh thần). Giao bản án cho Viện kiểm sát cùng cấp, ra thông báo kháng cáo và gửi hồ sơ cho Toà phúc thẩm quá thời hạn quy định.

Vi phạm quy định tại Điều 255 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Ra quyết định thi hành án khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật.

Vi phạm đối với việc không lưu bản gốc trong hồ sơ vụ án theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 mục 2 phần Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm 2 tại Đà Nẵng đã ban hành 60 kiến nghị yêu cầu Toà án nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực khắc phục những vi phạm nói trên.

Để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, góp phần đảm bảo tính thống nhất của pháp chế xã hội chủ nghĩa, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng thấy cần thiết ban hành Thông báo đến các Viện kiểm sát địa phương trong khu vực nghiên cứu rút kinh nghiệm khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử một số vấn đề sau:

Trước hết, cần nhận thức và thực hiện đúng các nguyên tắc cơ bản được quy định từ Điều 3 đến Điều 32 chương II của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.

Trong giai đoạn xét xử, ngoài việc nắm vững các nguyên tắc cơ bản liên quan đến việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, như nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự (Điều 3 BLTTHS), nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng (Điều 12 BLTTHS), nguyên tắc thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự (Điều 23 BLTTHS). Cần lưu ý đến các nguyên tắc để thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp theo hướng lấy Toà án làm trung tâm, kết quả mọi hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng đều được kết luận, quyết định sau khi đã thẩm vấn tranh tụng tại phiên toà. Như nguyên tắc xác định sự thật của vụ án đòi hỏi phải xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án đòi hỏi Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án.

Để thực hiện đúng các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng Hình sự, hạn chế những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động xét xử của Toà án, cần lưu ý một số nội dung sau:

Một là, thường xuyên nghiên cứu nắm vững các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, qua đó kịp thời phát hiện vi phạm của cơ quan Toà án.

Hai là, thực hiện kiểm sát việc thụ lý và ra các quyết định tố tụng như phân công Thẩm phán giải quyết vụ án, đưa vụ án ra xét xử, việc chấp hành các quy định về thời hạn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Ba là, thực hiện tốt kiểm sát việc chấp hành thủ tục tố tụng tại phiên toà theo quy định tại chương XVIII của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Bốn là, tại phiền toà chú ý đến việc xét hỏi của Hội đồng xét xử có đúng quy định về trình tự thủ tục không? Có rõ ràng cụ thể và đảm bảo yêu cầu về xác định sự thật khách quan của vụ án không?. Chủ động tham gia xét hỏi làm sáng tỏ tình tiết nội dung vụ án, phục vụ cho việc luận tội và đề xuất quan điểm xử lý vụ án được chính xác có sức thuyết phục.

Năm là, phải kiểm sát việc tranh luận đảm bảo thực hiện đúng quy định tại chương XXI của Bộ luật Tố tụng Hình sự, xác định tranh luận là khâu trung tâm của kiểm sát xét xử tại phiên toà, vì vậy, Kiểm sát viên cần chủ động tranh luận với Luật sư để bảo vệ cáo trạng và kết luận của Viện kiểm sát.

Sáu là, trách nhiệm của Viện kỉểm sát là kiểm sát việc chấp hành pháp luật tố tụng của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, do đó, phải kiểm sát chặt chẽ các hoạt động của những người này ở phiên toà bảo đảm thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Bảy là, sau phiên toà, khi nhận được bản án sơ thẩm để kiểm sát bản án cần lưu ý đến những nội dung chính bản án nêu có phù hợp với diễn biến tại phiên toà không? phát biểu của Kiểm sát viên về áp dụng điều luật và mức án đề nghị có được thể hiện trong nội dung bản án không? Đối với những nội dung chưa rõ cần phải xem biên bản phiên toà để xác định lại.

Tám là, đối với những vi phạm của Hội đồng xét xử được phát hiện thì tuỳ theo tính chất, mức độ mà Kiểm sát viên yêu cầu sửa chữa, khắc phục tại phiên toà hoặc tập hợp kiến nghị bằng văn bản; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì kịp thời kháng nghị theo trình tự phúc thẩm để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tin, ảnh: Thu Hương - Hoàng Minh

Nguồn tin: http://tapchikiemsat.org.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây