"Tăng cường trách nhiệm công tô trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra" là nhiệm vụ quan trọng của VKSND trong giai đoạn hiện nay

Thứ tư - 10/08/2011 10:24 5.960 0
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã chỉ rõ: "Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp".


Để thực hiện mục tiêu này, Đại hội đã khẳng định "Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người". Riêng đối với ngành Kiểm sát nhân dân, Văn kiện Đại hội đã chỉ rõ "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra"
Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đã nêu rõ: "Bảo đảm tốt hơn các điều kiện để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra".
Như vậy, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng một nền công tố mạnh. Khi thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Phải bảo đảm mọi hành vi phạm tội và người phạm tội được phát hiện kịp thời, đầy đủ, xử lý nghiêm minh, có căn cứ và đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, đồng thời không để làm oan người vô tội. Đây là hai mặt của một vấn đề trong công tác công tố và để góp phần làm tốt nhiệm vụ này, không còn con đường nào khác, Viện kiểm sát nhân dân phải tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Vì vậy, có thể nói rằng đây là nhiệm vụ quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
Vấn đề đặt ra là, nhận thức như thế nào về "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra" ?. Theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát có nhiệm vụ thực hành quyền công tố, đồng thời kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình điều tra (kiểm sát điều tra). Việc thực hiện mỗi nhiệm vụ nói trên đặt ra những yêu cầu khác nhau nhưng có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự được quy định tại Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, theo đó Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đề ra các yêu cầu điều tra, trong trường hợp cần thiết Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra như: trực tiếp hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng; triệu tập và lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; đối chất, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định ... Viện kiểm sát có quyền quyết định, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra, hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cơ quan điều tra, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, quyết định truy tố bị can ra trước Tòa án ... còn hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình điều tra (kiểm sát điều tra) là nhằm phát hiện các vi phạm trong hoạt động điều tra để kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm, bảo đảm việc điều tra theo đúng quy định của pháp luật (Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003).
Như vậy, có thể nói "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra" về mặt bản chất là tăng cường thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của Viện kiểm sát quy định tại Điều 112 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước hết Viện kiểm sát phải quản lý chặt chẽ việc giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, thực sự chủ động trong việc quản lý và phân loại xử lý thông tin tội phạm. Nghiên cứu và tập hợp đầy đủ các cơ sở pháp lý trước khi ban hành các quyết định tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra. Đề ra các yêu cầu điều tra và trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra khi cần thiết. Khi thực hiện việc phê chuẩn hoặc từ chối phê chuẩn các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra phải kiểm tra kỹ càng các chứng cứ, căn cứ của việc đề nghị phê chuẩn, kiên quyết từ chối phê chuẩn những trường hợp chưa có đủ cơ sở, còn thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ thu thập được chưa đủ chứng minh tội phạm và người phạm tội.
"Gắn công tố với hoạt động điều tra" thực chất là Viện kiểm sát phải bám sát quá trình điều tra, nắm chắc tiến độ điều tra. Trong quá trình điều tra tội phạm, Viện kiểm sát không phải chỉ đứng bên ngoài để quan sát, kiểm sát các hoạt động của cơ quan điều tra mà phải tham gia sâu hơn, tích cực hơn vào quá trình điều tra, cùng chịu trách nhiệm với Cơ quan điều tra về kết quả điều tra. Chủ động cùng với Cơ quan điều tra tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình điều tra, phải coi những khó khăn, vướng mắc đó cũng chính là của Viện kiểm sát để cùng với Cơ quan điều tra tìm biện pháp khắc phục, không để hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát mới xem xét, phát hiện thiếu sót mới đề nghị Cơ quan điều tra bổ sung, khắc phục.
Trong các năm qua, nhận thức đúng và đầy đủ các vấn đề nêu trên. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều thành tích trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung giải quyết một khối lượng lớn án hình sự. Điểm nổi bật nhất là trong số các vụ án đã giải quyết, không có vụ án nào quá hạn điều tra, truy tố, xét xử, không có vụ án nào Viện kiểm sát truy tố mà Toà án tuyên không phạm tội. Nhìn chung, về cơ bản các mức án Tòa tuyên đều phù hợp với đề nghị của VKS. Không có các trường hợp hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại. Tỷ lệ trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã giảm nhiều so với thời gian trước. Công tác kiểm sát đối với các vụ án đình chỉ điều tra cũng được chú trọng tăng cường, số vụ án phải đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm cũng giảm đáng kể, đến nay đã không xảy ra trường hợp nào. Không xảy ra trường hợp nào bắt giữ oan sai người vô tội, quá hạn tạm giữ, tạm giam.
Đẩy mạnh chiến lược cải cách tư pháp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Viện kiểm sát nhân dân là một bộ phận hợp thành quan trọng của các cơ quan tư pháp do đó cũng phải được xem xét, đổi mới để phù hợp với công cuộc cải cách tư pháp. Một trong những chủ trương đó là xây dựng một nền công tố mạnh, tăng cường trách nhiệm của công tố trong việc giải quyết các vụ án hình sự.  Trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, tiếp tục hoàn thiện các giải pháp và đề ra Kế hoạch cụ thể hơn nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương này, đồng thời góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

                                  Hoàng Trọng Khảm
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây