Một số ý kiến về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát khu vực...

Thứ ba - 02/08/2011 07:54 3.626 0
(Kiểm sát) - Trong hai năm 2009 và 2010, Tạp chí Kiểm sát được giao thực hiện Đề tài khoa học cấp Bộ “Tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo theo yêu cầu cải cách tư pháp”; đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá là một công trình nghiên cứu được thực hiện công phu, nghiêm túc, có chất lượng tốt, mang nhiều ý nghĩa thực tiễn.

Từ kết quả nghiên cứu của Đề tài, Tạp chí Kiểm sát nêu một số ý kiến đề xuất về phương án tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo theo yêu cầu cải cách tư pháp. KIỂM SÁT online xin giới thiệu các ý kiến đề xuất nói trên để bạn đọc tham khảo.

 Ban Chủ nhiệm Đề tài làm việc, khảo sát trực tiếp tại VKSND huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang
 
Trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của đề tài, thì hiện nay, cả nước ta có 293 Viện kiểm sát huyện nằm ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Từ những yếu tố đặc thù của các vùng này, Ban chủ nhiệm đề tà đề xuất thành lập 293 Viện kiểm sát khu vực (mỗi huyện 1 VKS khu vực). Trong đó có: 105 Viện kiểm sát khu vực ở miền núi; 53 Viện kiểm sát khu vực ở vùng sâu; 34 Viện kiểm sát khu vực ở vùng xa; 92 Viện kiểm sát khu vực ở biên giới; 09 Viện kiểm sát khu vực ở hải đảo.

Về cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo: Viện kiểm sát khu vực ở những địa bàn này được thành lập trên cơ sở Viện kiểm sát cấp huyện hiện hữu. Mặt khác, số lượng án thụ lý giải quyết trên địa hạt tư pháp của Tòa án sơ thẩm khu vực theo dự kiến sẽ không ngừng tăng lên hàng năm. Do vậy, về cơ bản thì cơ cấu tổ chức và biên chế của Viện kiểm sát khu vực cần được xác định theo hướng có quy mô lớn hơn so với Viện kiểm sát cấp huyện hiện nay và cần phù hợp với cơ cấu, tổ chức của Tòa án sơ thẩm khu vực. Bên cạnh đó, qua tham khảo kinh nghiệm các nước, đồng thời để phân công công việc hợp lý theo hướng chuyên môn hóa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Viện kiểm sát và khắc phục những bất cập hiện nay về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát cấp huyện thì trong cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát khu vực cần có các Phòng chuyên trách tương ứng như các Viện kiểm sát phúc thẩm khu vực I, II, III hiện tại và bộ máy giúp việc là Văn phòng. Đội ngũ Lãnh đạo Viện của Viện kiểm sát khu vực cũng gồm 1 Viện trưởng và 3 Phó Viện trưởng.

Các Phòng chuyên trách của Viện kiểm sát khu vực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát khu vực trong lĩnh vực hình sự (bao gồm cả kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, kiểm sát thi hành án hình sự), dân sự (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, cả thi hành án dân sự). Văn phòng thực hiện các công việc tài chính - kế toán, thống kê, tổng hợp, văn thư, lưu trữ và các việc về hành chính, quản trị theo quy định.

Để thực hiện những đề xuất, kiến nghị về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nêu trên, cần thực hiện một số giải pháp sau:

1. Giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ

Về nguyên tắc, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát các cấp được tiến hành trên cơ sở chuyển đổi về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát các cấp hiện nay. Do đó, cần phải kế thừa biên chế và đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ, công chức của Viện kiểm sát các cấp hiện nay.

 Khảo sát trực tiếp tại VKSND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

 Đối với Viện kiểm sát khu vực (được tổ chức tương đương với Toà án sơ thẩm khu vực), kế thừa biên chế và đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp huyện hiện tại. Tuy nhiên, việc tổ chức các Viện kiểm sát sơ thẩm khu vực cần phải tính đến đặc thù hoạt động của Viện kiểm sát trong quan hệ với Cơ quan điều tra ở cấp huyện để bảo đảm thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, bảo đảm tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra theo yêu cầu của Nghị quyết số 49-NQ/TW. Đồng thời, đối với Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo thì cần phải xem xét các yếu tố đặc thù trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ đối với các đơn vị này.

Theo đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập về nguồn cán bộ để tuyển dụng và bổ nhiệm Kiểm sát viên, cán bộ, công chức cho Viện kiểm sát cấp huyện ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đó cũng là việc phải làm gấp giúp Viện kiểm sát khu vực trên các địa bàn này bổ sung, tăng cường về số lượng cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên và cán bộ, công chức khác đảm bảo đủ số lượng cán bộ có chức danh pháp lý và các chức danh chuyên môn khác phục vụ yêu cầu công tác trong điều kiện mới. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên và cán bộ, công chức khác cho Viện kiểm sát sơ thẩm khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau:

- Xây dựng chiến lược cán bộ tổng thể của ngành Kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp; trong đó, chú trọng việc xác định số lượng, cơ cấu biên chế cán bộ đối với Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nói riêng. Việc xác định tổ chức bộ máy, số lượng biên chế, cơ cấu biên chế cán bộ, đối với Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, ngoài việc căn cứ vào số lượng án thì cần chú ý các yếu tố địa lý, dân tộc, tình hình kinh tế, xã hội và các đặc điểm đặc thù khác trên địa bàn của các đơn vị này.

- Bổ sung biên chế cho Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đủ lực lượng Kiểm sát viên, cán bộ để các đơn vị này có thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện chính sách ưu tiên khi tuyển dụng cán bộ cho Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người các dân tộc ít người ở địa phương; đồng thời, cần báo cáo đề nghị với Nhà nước tiếp tục duy trì chế độ đào tạo hệ cử tuyển như trước đây đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để làm nguồn cung cấp, bổ sung cán bộ là người địa phương cho các ngành tư pháp, trong đó có Viện kiểm sát khu vực.

- Tiếp tục thực hiện việc phân cấp theo hướng giao cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền chủ động trong việc tuyển dụng, điều động sử dụng cán bộ và bố trí cán bộ ở các Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

- Cần bỏ qui định về khống chế tỷ lệ Kiểm sát viên ở mỗi cấp kiểm sát, trong đó có Viện kiểm sát khu vực (nếu có). Việc quyết định về cơ cấu, số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phải căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị (căn cứ vào đặc điểm địa lý của địa bàn, số lượng án của từng đơn vị thụ lý giải quyết, không nên bình quân chia đều) và theo yêu cầu phải có đủ lực lượng Kiểm sát viên bố trí ở các khâu công tác.

- Thực hiện việc mở rộng nguồn để bổ nhiệm Kiểm sát viên và tăng thời hạn bổ nhiệm đối với chức danh Kiểm sát viên; đồng thời, cần thực hiện việc cải cách về thủ tục, quy trình bổ nhiệm Kiểm sát viên. Cần xem xét, có qui định về việc ưu tiên được bổ nhiệm là Kiểm sát viên đối với cán bộ dân tộc ít người công tác tại các Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo như rút ngắn thời gian công tác trong Ngành là 3 năm thì có thể được xem xét bổ nhiệm.

- Mặc dù hiện nay Nhà nước đã có chế độ, chính sách về đào tạo tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc ít người cho cán bộ các cơ quan chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp trên các huyện vùng sâu, vùng xa ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; song cần quy định trong tiêu chuẩn cán bộ, công chức của các cơ quan tư pháp của một số đơn vị cấp huyện vùng sâu, vùng xa ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo phải biết tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc ít người.

- Quy định cụ thể về chính sách luân chuyển, điều động cán bộ cho Viện kiểm sát khu vực ở vùng sâu, vùng xa ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; trong đó cần quy định cụ thể về thời hạn điều động, luân chuyển; việc đảm bảo chế độ về nhà công vụ, chính sách về tiền lương, phụ cấp thu hút và các khoản phụ cấp khác cho người được điều động, luân chuyển; cần có cách tính thời gian công tác riêng, có khoản kinh phí hỗ trợ ban đầu cho số cán bộ được điều động, luân chuyển đến công tác ở Viện kiểm sát khu vực ở vùng sâu, vùng xa ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo .v.v.

- Thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát khu vực ở vùng sâu, vùng xa ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; trong đó, chú trọng việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ về kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà; về khám nghiệm hiện trường và kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, kiểm sát khám nghiệm tử thi; về nghiệp vụ điều tra tội phạm; về kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết một số loại án cụ thể mang tính điển hình của địa phương…

- Cần thực hiện chế độ phụ cấp khu vực (phụ cấp thu hút khu vực) mức lương cho cán bộ công tác ở khu vực này vì hệ số khu vực hiện nay còn thấp, đồng thời cần có các chế độ ưu tiên khác đối với cán bộ công tác tại các Viện kiểm sát khu vực ở vùng sâu, vùng xa ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo vì ở những nơi này chi phí cho đời sống hàng ngày đắt đỏ hơn so với vùng đồng bằng.

 Khảo sát tại VKSND huyện Đắc Mil, tỉnh Đắc Nông

 2. Giải pháp về xây dựng cơ sở vật chất

Đối với Viện kiểm sát khu vực, về cơ bản, sau khi được thành lập, các Viện kiểm sát khu vực sẽ kế thừa cơ sở vật chất của các Viện kiểm sát cấp huyện hiện nay. Tuy nhiên, sẽ có Viện kiểm sát khu vực phải xây dựng lại trụ sở do thay đổi địa điểm mới phù hợp với địa hạt tư pháp của Viện kiểm sát khu vực đó. Trước mắt, cần tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở vật chất cho các Viện kiểm sát cấp huyện hiện nay để bảo đảm việc tăng thẩm quyền cho các Viện kiểm sát cấp này và chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho các Viện kiểm sát khu vực; đồng thời, nghiên cứu triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể nhằm bảo đảm cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát khu vực. Trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất đối với Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa miền núi, biên giới, hải đảo cần chú ý một số vấn đề sau:

- Cần có kế hoạch ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa trụ sở làm việc cho các Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa sở làm việc đủ tiêu chuẩn khi được thành lập. Việc đầu tư các hạng mục trụ sở làm việc phải sát thực tế địa bàn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo để bảo đảm tất cả các đơn vị này đều có trụ miền núi, biên giới, hải đảo, tránh rập khuôn, máy móc phù hợp với mục đích sử dụng và tiết kiệm, hiệu quả; tránh lãng phí.

Khi phê duyệt kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản cho Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa miền núi, biên giới, hải đảo cần chú ý việc tính đủ phần chi phí vận chuyển, san lấp mặt bằng do địa hình đồi núi; giá cả nguyên vật liệu tăng cao hơn so với địa bàn ở đồng bằng.

- Cần tăng định mức cấp kinh phí chi thường xuyên cho các Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa miền núi, biên giới, hải đảo vì dựa vào các yếu tố đặc thù về kinh tế, xã hội, địa lý của vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo có nhiều khoản phải chi phí cao hơn so với các đơn vị ở đồng bằng như chi cho công tác phí do đi công tác ngoài trụ sở dài ngày; điều kiện giao thông đi lại ở vùng sâu, vùng xa ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo rất khó khăn; tăng các khoản kinh phí để sửa chữa các trang thiết bị được đầu tư do giá thành cao, phải vận chuyển đến nơi xa về trung tâm để sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị phục vụ công tác.

- Đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa miền tính xách tay; các thiết bị bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang... cho cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kiểm sát nơi giam giữ, cải tạo; đầu tư mua xe ô tô, mô tô cho các Viện kiểm sát khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng núi, biên giới, hải đảo như máy ảnh, máy ghi âm, máy ghi hình để phục vụ nhu cầu công việc của các đơn vị này theo yêu cầu công tác mới.

- Đối với một số Viện kiểm sát khu vực hải đảo, khi cấp kinh phí cho các đơn vị này cần được tính đến yếu tố đặc thù của hải đảo như do chưa có điện lưới quốc gia, đơn vị phải chạy máy phát điện hoặc phải mua điện với giá cao, giá cả tất cả các mặt hàng hoá đều cao do phải vận chuyển từ đất liền ra đảo. Điều đặc biệt cần chú ý về phương tiện đi lại đối với các Viện kiểm sát khu vực ở hải đảo thì cần đầu tư tàu biển thì mới đáp ứng việc đi lại giữa hải đảo và đất liền.

3. Giải pháp về tính đồng bộ của các cơ quan tư pháp

Việc đổi mới, kiện toàn hệ thống Viện kiểm sát cần phải tiến hành đồng bộ với việc đổi mới, kiện toàn hệ thống Cơ quan điều tra và đổi mới hệ thống Toà án nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về tổ chức và hoạt động của cả hệ thống cơ quan tư pháp. Các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra đều phải tiến hành đổi mới trong toàn bộ hệ thống và ở tất cả các cấp.

Do đó, cần có sự thống nhất về nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo đối với việc đổi mới, kiện toàn của cả ba hệ thống cơ quan Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra. Do đó, cần thành lập một Ban Chỉ đạo liên ngành do Lãnh đạo Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đứng đầu, cùng với sự tham gia của Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (có thể có sự tham gia của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính…) để chỉ đạo việc xây dựng Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra.

Mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với Toà án và Cơ quan điều tra không chỉ là mối quan hệ phối hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi hệ thống theo quy định của pháp luật tố tụng, mà còn là mối quan hệ giữa chủ thể kiểm tra, giám sát và chủ thể bị kiểm tra, giám sát. Hành vi xử sự của các cơ quan này đối với pháp luật (tuân thủ hay vi phạm) trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính là đối tượng của kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong tố tụng hình sự, việc ra quyết định truy tố bị can và thực hiện sự cáo buộc đối với bị cáo tại phiên toà - một giai đoạn của quá trình thực hành quyền công tố, chính là căn cứ làm phát sinh hoạt động xét xử của Toà án. Sự gắn kết nói trên cho thấy, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan này phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp cơ quan kia. Muốn xây dựng được cơ chế phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ giữa Viện kiểm sát và hai cơ quan tiến hành tố tụng còn lại, thì yếu tố tổ chức của mỗi cơ quan và cả hệ thống có vị trí, vai trò rất quan trọng.

4. Giải pháp về đảm bảo sự lãnh đạo của Cấp uỷ Đảng và sự giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Viện kiểm sát khu vực theo yêu cầu cải cách tư pháp

4.1. Giải pháp bảo đảm sự lãnh đạo của Cấp uỷ Đảng đối với Viện kiểm sát khu vực theo yêu cầu cải cách tư pháp

Điều 4 Hiến pháp năm 1992 ghi nhận và khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng đã chứng minh rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu của lịch sử, là nhân tố quyết định, bảo đảm cho sự phát triển của sự nghiệp cách mạng nước ta. Do đó, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước ta nói chung và đối với Viện kiểm sát nhân dân nói riêng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kể từ khi thành lập vào năm 1960 đến nay, ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên từng bước được xây dựng và trưởng thành. Hiệu quả công tác của Viện kiểm sát nhân dân đã góp phần rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Phương thức và nội dung lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát các cấp trong những năm qua đã không ngừng được đổi mới, phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp nói chung và đối với Viện kiểm sát nhân dân nói riêng không chỉ bắt nguồn từ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, mà còn bắt nguồn từ đặc điểm riêng của công tác tư pháp. Vấn đề đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay nói chung và đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân nói riêng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, nhằm mục đích bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo đúng đường lối chính trị, kiên định đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đồng thời, bảo đảm phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ theo qui định của pháp luật. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Viện kiểm sát nhân dân trong điều kiện cải cách tư pháp hiện nay có nội dung toàn diện: Lãnh đạo về chính trị, tư tưởng; về tổ chức, cán bộ; về định hướng công tác. Đảng lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thông qua việc định ra các nguyên tắc, quan điểm lớn làm cơ sở xây dựng tổ chức và hoạt động; đề ra đường lối, định hướng trong các lĩnh vực tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức hệ thống Toà án và Viện kiểm sát được thể hiện trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 như sau: “Tổ chức hệ thống Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án”. Theo “Dự thảo Đề án tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp” thì hệ thống tổ chức của Viện kiểm sát trong tương quan với hệ thống tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử sẽ được xác định gồm có 4 cấp như sau: Viện kiểm sát tối cao được tổ chức tương đương với Toà án tối cao; các Viện kiểm sát cấp cao được tổ chức theo khu vực tương đương với các Toà thượng thẩm; các Viện kiểm sát cấp tỉnh được tổ chức tương đương với các Toà án phúc thẩm (cấp tỉnh), được thành lập chủ yếu trên cơ sở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi địa hạt tư pháp của Toà án phúc thẩm; Viện kiểm sát khu vực được tổ chức tương đương với Toà án sơ thẩm khu vực. Tuy nhiên, những nội dung nêu trên chỉ mang tính nguyên tắc, định hướng, nên khi cụ thể hóa những nội dung này thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về một vấn đề cụ thể. Một trong những vấn đề hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau là thực hiện cơ chế nào có hiệu quả nhất để thực hiện nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với Viện kiểm sát khu vực theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Khi tổ chức lại hệ thống Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính thì cần phải xác định mô hình và cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra cho phù hợp với mô hình mới.

Đối với Viện kiểm sát nhân dân, đề nghị thực hiện cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với Viện kiểm sát khu vực theo phương án cần giữ nguyên mô hình tổ chức của Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra cấp huyện như hiện nay vì căn cứ vào đặc thù về tổ chức và hoạt động nghiệp vụ của hai cơ quan này là phải gắn kết, bám sát và hướng tới hoạt động nghiệp vụ ở địa bàn cơ sở thì mới có thể hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Và do đó, cơ chế đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hai cơ quan này cần được giữ nguyên như hiện nay là phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra cấp huyện. Theo phương án này chỉ thực hiện đổi mới tổ chức và hoạt động trong nội tại của Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra cấp huyện; đồng thời tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp uỷ địa phương đối với hai cơ quan này theo yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy mặt hạn chế của phương án này là tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đã không được tổ chức phù hợp và có sự thiếu đồng bộ với hệ thống của cơ quan xét xử cùng cấp được tổ chức theo mô hình Toà án sơ thẩm khu vực và cũng sẽ gặp nhiều vướng mắc từ sự thiếu đồng bộ về tổ chức và hoạt động giữa các cơ quan này khi triển khai thực hiện trên thực tế.

4.2. Giải pháp về đảm bảo sự giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Viện kiểm sát khu vực trong điều kiện thực hiện cải cách hành chính và cải cách tư pháp hiện nay

Theo các quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003 và các văn bản pháp luật hiện hành thì Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân được tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Đối với các cơ quan tư pháp, Hội đồng nhân dân giám sát thông qua các hoạt động: Xem xét báo cáo công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cùng cấp; xem xét việc trả lời chất vấn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cùng cấp. Tại kỳ họp cuối năm, Hội đồng nhân dân xem xét, thảo luận báo cáo công tác hàng năm của Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cùng cấp; tại kỳ họp giữa năm, các cơ quan này gửi báo cáo công tác đến đại biểu Hội đồng nhân dân; khi cần thiết, Hội đồng nhân dân có thể xem xét thảo luận. Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cùng cấp. Hội đồng nhân dân có thể yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cùng cấp báo cáo về những vấn đề khác khi xét thấy cần thiết. Trong hoạt động giám sát, các Ban của Hội đồng nhân dân có những nhiệm vụ giúp Hội đồng nhân dân giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Đối với mô hình của Viện kiểm sát được tổ chức theo đơn vị hành chính như hiện nay, việc thực hiện các quy định nêu trên về cơ bản là thuận lợi. Tuy nhiên, vấn đề này lại cần phải nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh lại một khi Viện kiểm sát cấp huyện được tổ chức theo mô hình khu vực. Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo các nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; do đó, hệ thống cơ quan này phải được tổ chức theo mô hình đơn vị hành chính. Như vậy, một Viện trưởng Viện kiểm sát khu vực có phạm vi địa hạt bao gồm một số đơn vị hành chính cấp huyện, sẽ thực hiện việc báo cáo và trả lời chất vấn trước Hội đồng nhân dân địa phương nào. Rõ ràng, đây là vấn đề cần phải được xem xét, khi lựa chọn mô hình tổ chức cho Viện kiểm sát khu vực.

Hiện nay, việc giám sát của cơ quan dân cử là Hội đồng nhân dân đối với hoạt động của Viện kiểm sát cấp huyện cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn khi Đảng và Nhà nước ta có chủ trương và đang thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp này theo các nội dung về cải cách hành chính. Ngày 16/01/2009, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó đã qui định: Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện. Trên cơ sở đó, ngày 01/4/2009, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn số 13/HD - VKSTC-V8 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16/01/2009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo nội dung văn bản này thì: Các Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện báo cáo trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác của các Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện và trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác của Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện này. Do đó, đây sẽ là cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, xem xét khi lựa chọn phương án đảm bảo sự giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Viện kiểm sát cấp huyện hiện nay khi được tổ chức thành mô hình Viện kiểm sát khu vực theo yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Đề nghị nên thực hiện theo phương án các Viện kiểm sát khu vực chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có địa bàn của Viện kiểm sát khu vực đó thông qua Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác của các Viện kiểm sát khu vực và trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác của Viện kiểm sát khu vực này. Bởi vì, theo phương án này thì phù hợp với đặc điểm trong tổ chức và thực hiện quyền lực của bộ máy nhà nước ta. Đồng thời, thực hiện phương án này sẽ tập trung đầu mối, thuận lợi khi triển khai thực hiện và trên thực tiễn một số Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát quận, huyện cũng đã và đang thực hiện nội dung này đối với những tỉnh thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận.

Chủ nhiệm Đề tài

Nguyễn Huy Miện

Nguồn tin: Theo Kiểm sát online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây