Để đảm bảo việc giải quyết các vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, mỗi nhận định, đánh giá của cơ quan tố tung đều ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các bên đương sự, vì vậy Kiểm tra viên, Kiểm sát viên (KTV, KSV) khi kiểm sát giải quyết các vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất phải nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, các căn cứ xác định các tình tiết khách quan của vụ án, đồng thời nắm chắc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai qua các thời kỳ. Cụ thể:
* Về tố tụng: Cần xem xét tài liệu, chứng cứ xác định các loại tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như: Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất, tranh chấp về đòi lại đất do người khác đang quản lý, sử dụng; Tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất; Tranh chấp phát sinh từ các quan hệ thừa kế quyền sử dụng đất.
Xác định tư cách đương sự trong vụ án: Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, cần chú ý nguyên đơn có thể trở thành bị đơn và ngược lại bị đơn có thể trở thành nguyên đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể trở thành nguyên đơn, người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập trở thành bị đơn, đó là trường hợp thay đổi địa vị tố tụng. Để xác định đúng đương sự trong vụ án dân sự, phải căn cứ vào yêu cầu của đương sự và quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp cũng như đối tượng chứng minh trong vụ án đồng thời còn phải căn cứ vào Điều 68 BLTTDS. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp việc xác định tư cách đương sự còn phải căn cứ vào các quy định của luật nội dung như quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền và nghĩa vụ của vợ và chồng…, quy định của BLDS về quyền thừa kế tài sản…
* Về Nội dung: Đối với vụ án tranh chấp liên quan đến đất đai cần chú ý các chứng cứ về nội dung như: Xác định nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp (cần xem xét Quyền SDĐ là di sản thừa kế: đánh giá toàn diện chứng cứ chứng minh quyền SDĐ là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật TTDS, dân sự, đất đai và pháp luật khác có liên quan; GCN QSDĐ được cấp trên cơ sở người SDĐ ổn định, lâu dài, có công sức trong việc tôn tạo, đảm bảo giá trị, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người SDĐ và không có tranh chấp về quyền SDĐ tính đến thời điểm được cấp GCN QSDĐ; Cơ sở pháp lý của việc tặng cho quyền SDĐ); những giấy tờ về quyền sử dụng đất mà các đương sự cung cấp cho Tòa án (giấy tờ về mua bán, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định quyền sử dụng đất…); các tài liệu về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất (như: biên lai nộp thuế; tờ khai, đăng ký quyền sử dụng đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền…); hồ sơ quản lý đất đai của chính quyền địa phương (như: sổ mục kê, sở địa chính, bản đồ về đất, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…); các tài liệu, chứng cứ khác (như: lời khai, lời chứng bày, xác nhận của những người biết về sự việc…).
Đối với giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (Các loại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất bao gồm: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất). Lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất là điều kiện chuyển đổi, các bên phải thỏa mãn điều kiện của người sử dụng đất và các điều kiện khác theo quy định của Luật Đất đai (đối tượng của hợp đồng, chủ thể của hợp đồng, hình thức, hiệu lực của hợp đồng). Ngoài ra, khi giải quyết các tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, lưu ý từng giai đoạn về mốc thời gian mà trong đó mỗi giai đoạn pháp luật có những quy định khác nhau về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giải quyết về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất .
Giải quyết Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, khi giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất ngoài việc áp dụng những quy định của BLDS về thừa kế còn phải áp dụng những quy định của pháp luật đất đai. Xác định loại đất di sản thừa kế là loại đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp…Diện tích đất đó được nhà nước giao cho người khác, đưa vào tập đoàn, hợp tác xã…trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa trước đây chưa. Đất đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa. Nếu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định diện tích được cấp và diện tích thực tế đang sử dụng. Nếu chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có các loại giấy tờ theo quy định của Luật đất đai hay không?
Ngoài ra, các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất thường liên quan đến rất nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vì vậy, khi nghiên cứu hồ sơ, cần đặc biệt lưu ý đến việc xác định và đưa những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng. Việc xác định cần căn cứ vào nội dung yêu cầu khởi kiện; lời khai, lời trình bày của các đương sự; biên bản lấy lời khai cũng như kết quả xác minh của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Trong thời gian qua, TAND tối cao và VKSND tối cao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kịp thời để các cơ quan tư pháp vận dụng giải quyết tranh chấp kịp thời, đầy đủ và đúng quy định của pháp luật. Từ đó, Tòa án đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong công tác thụ lý, giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Viện kiểm sát đã thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, kiểm sát viên nghiên cứu chặt chẽ nội dung vụ án, đề xuất quan điểm giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật, công tác phối kết hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát từng bước được hoàn thiện, chất lượng giải quyết án ngày càng hiệu quả hơn, góp phần hoàn thành tốt nhiêm vụ của mỗi Ngành đề ra.