Tại khoản 1, 2 Điều 145 BLTTHS 2015 quy định: “1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm…”
Điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 Quy định việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện quy định của BLTTHS 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đã chỉ rõ các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 BLTTHS 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan, tổ chức này được quy định cụ thể tại Điều 146 BLTTHS 2015. Theo đó, Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
Như vậy, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, xử lý ban đầu rồi chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Là cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (bao gồm kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm) nhưng pháp luật mới chỉ quy định trách nhiệm thông báo cho Viện kiểm sát về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Chưa có quy định nào bắt buộc cơ quan, tổ chức (Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác) phải thông báo việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm cho Viện kiểm sát. Pháp luật tố tụng hình sự cũng chưa ghi nhận thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát hoạt động tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm đối với các cơ quan, tổ chức.
Những điều này khiến Viện kiểm sát không thể nắm chắc và kiểm sát được đầy đủ, kịp thời việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan, tổ chức, để có biện pháp tác động giải quyết, dẫn đến việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sẽ gặp khó khăn, vướng mắc, kéo dài trong trường hợp các cơ quan, tổ chức tiếp nhận nhưng chậm làm thủ tục chuyển tố giác, tin báo về tội phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, người phạm tội nếu như các cơ quan, tổ chức từ chối tiếp nhận hoặc tuy đã tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm nhưng “giữ lại”, không chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Thực tiễn cũng cho thấy, trong một số vụ việc, mặc dù Công an cấp xã đã tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm nhưng “giữ lại”, để các bên tự hòa giải, thỏa thuận. Một thời gian sau, Công an cấp xã mới chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra khi hòa giải không thành hay người tố giác vì chờ đợi quá lâu nên đã có đơn phản ánh đến Cơ quan quản lý. Vì vậy, Cơ quan điều tra đã gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết do hiện trường không còn nguyên vẹn, các dấu vết đã không còn nữa hoặc hư hỏng, vật chứng đã mất do không kịp thời thu giữ.
Ví dụ: Ngày 11/4/2020, anh Trần V đến Công an xã trình báo về việc mình bị Nguyễn H cùng một số đối tượng chặn đường, dùng dao chém gây thương tích. Sau khi tiếp nhận tố giác, Công an xã tiến hành triệu tập, lấy lời khai các đối tượng. Thế nhưng, đến ngày 23/7/2020 (hơn 3 tháng) mới chuyển hồ sơ đến Công an huyện để giải quyết. Lúc này, vì thời gian đã lâu nên hiện trường vụ việc đã xáo trộn, dấu vết, vật chứng không thể thu giữ được, người làm chứng không còn nhớ rõ các tình tiết vụ việc, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết tố giác.
Thời gian qua, có một số đơn vị đã tiến hành trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm tại Công an cấp xã, qua đó ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm . Như đã phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng, chưa đủ căn cứ để Viện kiểm sát tiến hành hoạt động trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm tại các cơ quan, tổ chức khác nói chung, Công an cấp xã nói riêng.
Để bảo đảm mọi tố giác, tin báo về tội phạm phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, chúng tôi đề xuất bổ sung vào BLTTHS 2015 các quy định sau:
Thứ nhất, Bổ sung vào Điều 146 Bộ luật này quy định trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật này có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
“Điều 146. Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1…
5. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật này có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.”
Thứ hai, Bổ sung cho Viện kiểm sát thẩm quyền kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát hoạt động xác minh sơ bộ ban đầu đối với Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác vào Điều 160 BLTTHS 2015
“Điều 160. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm
1. Tiếp nhận đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến, tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.
2. Kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; kiểm sát việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm sát việc phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc xác minh sơ bộ ban đầu của các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật này
3…”
Trước mắt, khi BLTTHS 2015 chưa bổ sung các quy định này, Viện kiểm sát các địa phương có thể phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp để kiểm tra, kiểm sát tình hình tiếp nhận, xử lý ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm tại Công an cấp xã (nơi tiếp nhận khá nhiều các tố giác, tin báo về tội phạm), qua đó yêu cầu khắc phục kịp thời các vi phạm trong công tác này.