Cần hiểu đúng bản chất của quyền yêu cầu khởi tố, quyền rút yêu cầu khởi tố và trách nhiệm pháp lý khi vụ án được đình chỉ do bị hại rút yêu cầu khởi tố

Thứ năm - 11/11/2021 11:23 7.856 0
Khởi tố vụ án hình sự là trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền được Bộ luật Tố tùng hình sự quy định mà không phụ thuộc vào ý muốn bất kỳ chủ thể nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho người bị hại, người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc bị hại đã chết có quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. 
Cần hiểu đúng bản chất của quyền yêu cầu khởi tố, quyền rút yêu cầu khởi tố và trách nhiệm pháp lý khi vụ án được đình chỉ do bị hại rút yêu cầu khởi tố
Cụ thể của vấn đề này được quy định tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, theo đó “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1, các Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh), Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội), Điều 138 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 139 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính), Điều 141 (Tội hiếp dâm), Điều 143 (Tội cưỡng dâm), Điều 155 (Tội làm nhục người khác), Điều 156 (Tội vu khống) và Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc  đã chết”. Hiểu ngắn gọn về bản chất của quy định này là, các Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại (trong các trường hợp nêu trên) có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
Đối với quyền rút yêu cầu khởi tố, tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về việc người đã yêu cầu khởi tố được quyền rút yêu cầu, cu thể: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Để áp dụng thống nhất vấn đề trên, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 để hướng dẫn áp dụng về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự  rút  yêu cầu theo quy định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015. Theo đó, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: “Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án; Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án…”; tại giai đoạn xét xử phúc thẩm thì: “Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của BLTTHS hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”. Trong bản án phúc thẩm tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm.
Liên quan đến vụ án gần đây mà cấp phúc thẩm tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử, đã xuất hiện nhiều luận điệu xuyên tạc, hiểu sai quy định của pháp luật. Trong đó đáng chú ý ở một số luận điệu cho rằng bị cáo không phạm tội “Hiếp dâm”, hoặc “Thành quả của bao nhiêu khó khăn vất vả của các luật sư bào chữa và gia đình bị cáo”… nhằm cố tình lạc hướng dư luận. Tuy nhiên, căn cứ vào những quy định của pháp luật mà chúng tôi đã phân tích để khẳng định rằng, việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm khởi tố điều tra, truy tố và xét xử bị cáo về tội “Hiếp dâm” khi bị hại có đơn yêu cầu khởi tố là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Đối với cấp phúc thẩm, việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can về tội “Hiếp dâm” là trên căn cứ bị hại đã tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm; hoàn toàn không có việc đình chỉ phúc thẩm do bị cáo không phạm tội “Hiếp dâm” và cũng không có việc cấp sơ thẩm đã xét xử oan, sai về tội “Hiếp dâm” đối với bị cáo.

Tin, ảnh: Nguyễn Luyện

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây