Tiêu chuẩn chung
Kiểm sát viên giỏi phải là người:
- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có lập trường chính trị vững vàng, có tinh thần đấu tranh dũng cảm bảo vệ công lý;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”;
- Không vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm: không vi phạm pháp luật và kỷ luật nghiệp vụ của Ngành; thực hiện tốt nếp sống văn minh;
- Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao (ưu tiên đối tượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ);
- Nắm vững và thực hiện tốt quy chế nghiệp vụ và các quy định của pháp luật;
- Có ý thức trách nhiệm cao trong công việc, có năng lực phân tích, đánh giá, tổng hợp, tham mưu, đề xuất, giải quyết vụ việc đúng pháp luật, đúng quy định của Ngành;
- Xây dựng hồ sơ kiểm sát chặt chẽ, đúng nội dung, trình tự quy định tại các quy chế nghiệp vụ;
- Thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo mật, chế độ báo cáo, thống kê;
- Đối với Kiểm sát viên trung cấp ngoài các tiêu chuẩn nêu trên, phải là người có khả năng tham gia xây dựng chuyên đề tổng kết rút kinh nghiệm, hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ đối với các Viện kiểm sát cấp dưới.
Tiêu chuẩn cụ thể
1. Đối với Kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án hình sự:
- Nắm chắc và kiểm sát chặt chẽ các tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, đề xuất phương án giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật;
- Đề xuất việc khởi tố, yêu cầu khởi tố, phê chuẩn hoặc quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn kịp thời, có căn cứ, đúng pháp luật;
- Kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra cụ thể, có chất lượng góp phần tích cực vào việc điều tra vụ án;
- Thực hiện thành thục cácthao tác nghiệp vụ điều tra khi cần thiết, nhằm củng cố chứng cứ, xác định sự thật của vụ án;
- Xây dựng bản cáo trạng bảo đảm hình thức và nội dung theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và quy chế nghiệp vụ của Ngành; lập luận chặt chẽ, viện dẫn áp dụng chính xác điều luật để truy tố;
- Không để Tòa án trả lại hồ sơ do thiếu chứng cứ, truy tố sai tội danh, bỏ lọt tội phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng do lỗi của Kiểm sát viên; không để xảy ra việc truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội;
- Phát hiện kịp thời vi phạm của Cơ quan điều tra để đề xuất yêu cầu khắc phục và xử lý vi phạm; kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật;
- Giải quyết và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
2. Đối với Kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự:
- Nghiên cứu sâu, năm chắc nội dung vụ án được giao, phát hiện được vi phạm, thiếu sót (nếu có) của các hoạt động tố tụng trước giai đoạn xét xử đối với việc giải quyết vụ án; không để xảy ra việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung do lỗi của Kiểm sát viên;
- Chuẩn bị đề cương tham gia xét hỏi có chất lượng, dự kiến tốt các nội dung cần xét hỏi, các tình huống có khả năng phát sinh tại phiên tòa và phương án xử lý;
- Luận tội hoặc kết luận do Kiểm sát viên dự thảo có chất lượng, văn phong chặt chẽ, lô gích, có tính thuyết phục cao;
- Có năng lực tranh luận và tích cực, chủ động trong tranh luận tại phiên tòa góp phần quan trọng vào việc giải quyết vụ án;
- Có năng lực thực hành quyền công tố, chủ động tham gia xét hỏi làm rõ các hành vi phạm tội của bị cáo; tích cực tranh luận với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác để bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát; kịp thời xử lý đúng pháp luật những tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa; ứng xử có văn hóa pháp luật;
- Đề xuất của Kiểm sát viên về tội danh truy tố và mức hình phạt chính xác, đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra việc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội;
- Kịp thời phát hiện các vi phạm trong các giai đoạn chuẩn bị xét xử, tại phiên tòa và sau phiên tòa; đề xuất kiến nghị yêu cầu khắc phục các vi phạm hoặc kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có căn cứ, đúng pháp luật;
- Giải quyết và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
3. Đối với Kiểm sát viên làm nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật:
- Kiểm sát đầy đủ các vụ việc, bản án, quyết định của Tòa án thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và quy chế nghiệp vụ của Ngành;
- Lập hồ sơ kiểm sát đối với các vụ án được giao theo đúng quy chế nghiệp vụ, trong hồ sơ phải có bản nhận xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ và đề xuất đường lối giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật;
- Chuẩn bị nội dung phát biểu tại phiên tòa, phiên họp chặt chẽ, rõ ràng;
- Có khả năng diễn đạt tốt, quan điểm nhất quán, dễ hiểu, có tính thuyết phục;
- Có năng lực phát hiện vi phạm pháp luật và đề xuất kiến nghị về vi phạm, kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật;
- Giải quyết và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
4. Đối với Kiểm sát viên làm nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự:
- Kiểm sát chặt chẽ, phân loại đúng đối tượng bị bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án, kịp thời phát hiện vi phạm trong chế độ tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù, xử lý đối với phạm nhân vi phạm kủ luật và đề xuất kiến nghị khắc phục có hiệu quả;
- Nắm chắc những người thuộc diện chấp hành án phạt tù và kết quả thi hành án chặt chẽ, khoa học; kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm để yêu cầu khắc phục; kiểm sát chặt chẽ việc miễn, hoãn và bắt thi hành án;
- Hồ sơ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự do Kiểm sát viên xây dựng phải có đủ tài liệu theo quy định, phản ánh đầy đủ hoạt động kiểm sát;
- Kiểm sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục các vi phạm về tổ chức giam, giữ, thi hành án;
- Đề xuất các việc đình chỉ, tạm đình chỉ thi hành án, miễn chấp hành hình phạt, xét giảm chấp hành hình phạt; phát hiện vi phạm để tổng hợp kiến nghị, kháng nghị đúng pháp luật;
- Giải quyết và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
5. Đối với Kiểm sát viên làm nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự:
- Thụ lý đầy đủ, chính xác, không để sai, lọt số việc phải thi hành;
- Kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án nhằm thúc đẩy việc thi hành bản án, quyết định được kịp thời, đầy đủ, chính xác;
- Kiểm sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục các vi phạm về tổ chức thi hành án, thời gian, thủ tục, thẩm quyền, nội dung, biện pháp thi hành án của Tòa án, Cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác thi hành án;
- Đề xuất việc hoãn hoặc tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định của pháp luật;
- Giải quyết và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
6. Đối với những Kiểm sát viên làm nhiệm vụ kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo:
- Bảo đảm phân loại chính xác đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành, đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc văn bản trả lời bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật;
- Kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp, kịp thời đề xuất lãnh đạo đơn vị ban hành văn bản kiến nghị, kháng nghị với cơ quan tư pháp khi phát hiện có vi phạm trong công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo.
7. Việc xem xét, đánh giá, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi đối với Kiểm sát viên giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cần gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, gắn với trách nhiệm quản lý, giáo dục cán bộ, công chức trong đơn vị.