Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta mới được hai năm, trong xã hội đã có một số cán bộ có biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, công thần, hẹp hòi, kèn cựa địa vị, cục bộ bè phái, mất đoàn kết, chủ quan khinh địch; thiếu cố gắng vươn lên, tự cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được, việc gì mình cũng giỏi hơn người, mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai; không can đảm tự phê bình, không ưa những lời phê bình thật thà ngay thẳng... nói tóm lại là đã mắc bệnh tự kiêu, tự ái. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Bệnh tự kiêu, tự ái”, vạch rõ thực chất của căn bệnh này và khẳng định: “... Đã tự kiêu tự ái, thì không thể đoàn kết. Không đoàn kết tức là cô độc. Ðã cô độc, thì chẳng việc gì thành công”.
Giá trị, ý nghĩa sâu sắc câu nói của Bác vẫn còn tính thời sự, là lời răn dạy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân phải luôn toàn tâm, toàn ý phục sựu Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; chống mọi biểu hiện vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Phải ra sức thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn khiêm tốn, trung thực, dũng cảm, mạnh dạn tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; kiên quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và phát triển ưu điểm. Luôn gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm; không ngừng học tập nâng cao trình độ, cố gắng học hỏi để luôn luôn tiến bộ. Phải ra sức thực hành đoàn kết, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ địa phương, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.