Buộc thôi việc Công chức tự ý nghỉ quá 7 ngày/tháng

Thứ bảy - 28/05/2011 15:14 2.859 0
Ngày 17/05/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức trong đó quy định 06 hình thức kỷ luật đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và 04 hình thức kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ quản lý.
Buộc thôi việc Công chức tự ý nghỉ quá 7 ngày/tháng

Cụ thể, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi như: có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; tự ý nghỉ việc, tổng số từ 03 đến dưới 05 ngày/tháng; sử dụng tài sản công trái pháp luật… 

Công chức cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị để vụ lợi; không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác; sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, dự thi nâng ngạch… thì bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo. 

Cũng theo Nghị định này, công chức bị buộc thôi việc khi thực hiện một trong các hành vi, bao gồm: Bị phạt tù mà không được hưởng án treo; sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; tự ý nghỉ việc trên 07 ngày/tháng, 20 ngày/năm mà đã được cơ quan thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp; vi phạm mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, kỷ luật lao động, phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định liên quan. 

Riêng 02 hình thức kỷ luật: cách chức và giáng chức, chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ quản lý. Trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). 

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 05/07/2011; bãi bỏ những quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/03/2005; Nghị định số 103/2007/NĐ-CP ngày 14/06/2007 và Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006.

Tải toàn bộ văn bản về tại đây

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây