Ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì cuộc họp báo. Cùng dự có Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và đại diện một số Bộ, ngành liên quan.
Bộ Pháp điển mới để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật
Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp điển; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp điển và các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển.
Pháp lệnh được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước ở trung ương, trong một thời gian nhất định và theo một trình tự, thủ tục thống nhất, tiến hành rà soát, tập hợp các quy phạm pháp luật hiện hành, sắp xếp các quy phạm đó theo một trật tự hợp lý và dễ dàng tra cứu thành Bộ pháp điển.
Bộ pháp điển được cấu trúc theo các chủ đề được quy định và sắp xếp theo trình tự như chủ đề an ninh quốc gia; Bảo hiểm; Bưu chính viễn thông; Bổ trợ tư pháp; Cán bộ, công chức, viên chức; Chính sách xã hội….
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trước thực tế số lượng văn bản ngày càng nhiều, khoảng hơn 20.000 văn bản của Trung ương, việc tiếp cận tra cứu để áp dụng, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật ngày càng trở nên khó khăn.
Bộ pháp điển được hoàn thành theo quy định của Pháp lệnh này sẽ có giá trị sử dụng tin cậy, được sử dụng trong tra cứu và áp dụng pháp luật, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan nhà nước, tổ chức doanh nghiệp và người dân, góp phần làm minh bạch hóa hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện pháp điển, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các quy phạm pháp luật chồng chéo mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn để từ đó xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương thực hiện việc xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.
Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án xây dựng Bộ pháp điển và đề xuất các nguồn lực con người cần thiết để thực hiện Đề án, sau đó phổ biến, tập huấn nghiệp vụ pháp điển.
Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2012 và được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Quy định cụ thể về chi phí cho người làm chứng trong tố tụng
Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá và chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng gồm có 7 chương, với 59 điều.
Giám định và định giá tài sản là công việc tòa án thường phải tiến hành trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và là một công việc rất phức tạp nhưng có ý nghĩa quan trọng với việc xác định tính khách quan của sự việc và giá trị của tài sản trong vụ án. Đây là thủ tục quan trọng, là nguồn chứng cứ giúp cho tòa án giải quyết vụ việc được đúng đắn.
Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng đã có những quy định lên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và tố tụng hình sự hiện nay vẫn chưa được quy định cụ thể gây khó khăn cho việc áp dụng.
Do đó, Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá và chi phí cụ thể cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng hiện nay là rất cần thiết.
Xem Chi tiết Pháp lệnh Chi phí giám định tại đây
Nguồn tin: Chinhphu.vn