Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, đơn vị thi công sẽ tiến hành bàn giao công trình nhà thi hành án tử bằng hình thức tiêm thuốc độc cho chủ đầu tư. Nhà thi hành án bằng thuốc độc được xây dựng trong khuôn viên Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An với nguồn vốn đầu tư 1,6 tỷ đồng. Nhà thi hành án có diện tích 150m2, bao gồm1 phòng rộng 40m2 dành cho Hội đồng thi hành án, người chứng kiến việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc; phòng thi hành án tử hình nằm ở giữa có diện tích 25m2 được trang bị 1 giường dạng ghế nằm, máy đo nhịp tim, giá truyền dịch, xe đẩy bị án tử hình; 1 phòng rộng 20m2 dành cho cán bộ thi hành án chuẩn bị thuốc và các công việc cần thiết để thi hành án; 1 phòng rộng 20m2, dành cho chỉ huy thi hành án, cán bộ thi hành án (phòng chờ) và 1 phòng rộng 20m2, được thiết kế 2 buồng riêng biệt: 1 buồng vệ sinh và 1 buồng lưu thi thể người bị thi hành án tử hình.
Theo Thượng tá Trần Thăng Long - Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An - hiện tại, trại tạm giam đang có 17 trường hợp án tử hình, gồm 16 tử tội nam và một nữ tử tội duy nhất là Lữ Thị Minh (SN 1984), ở Tương Dương, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Tử tù cuối cùng chịu hình thức thi hành án bằng xử bắn tại Nghệ An là Vi Văn Nguyện (quê xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An) phạm tội giết người, cướp của, thi hành án ngày 28/11/2011 tại trường bắn huyện Quỳ Hợp.
Đại tá Nguyễn Duy Tỵ - Trưởng Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Nghệ An (PC 81) cho biết thêm, để chuẩn bị tốt cho hình thức thi hành án tử mới, đơn vị này đã cử 1 đồng chí lãnh đạo và 5 cán bộ chiến sỹ tham gia lớp tập huấn do Bộ Công an tổ chức. Hiện tại, các cán bộ chiến sỹ này đã hoàn thành khóa học và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.
Theo Quyết định phê duyệt đề án triển khai thực hiện thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, tổng mức kinh phí cho việc trang bị hình thức này tại 63 tỉnh, thành và 3 đơn vị khu vực thuộc Bộ Quốc phòng là gần 332 tỷ đồng. Ngoài nhà thi hành án tử, 14 loại dụng cụ khác sẽ được trang bị như ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; máy kiểm tra nhịp đập của tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án và các dụng cụ, trang thiết bị khác. Trong đó, quan trọng hơn cả vẫn là giường nằm có các đai cố định dành cho người bị thi hành án.
Trên thế giới hiện nay, theo thống kê có hơn 30 nước áp dụng hình thức tiêm thuốc độc như Mỹ, Guatemala, Thái Lan, Đài Loan… Riêng Trung Quốc có 2 biện pháp thi hành hình phạt tử hình đối với tử tội là xử bắn (đối với tội phạm đặc biệt nguy hiểm) và tiêm thuốc độc. Bản chất của biện pháp này là tiêm vào người tử tù một liều thuốc độc gồm 3 mũi tiêm: một để gây mê, một để cơ bắp và thần kinh ngưng hoạt động và mũi còn lại để làm cho tim ngừng đập. Thường các tử tội chết trong vòng 15 phút sau khi bị tiêm thuốc.
Quy trình thực hiện, người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa. Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình trước đó sẽ chuẩn bị sẵn 3 liều thuốc (2 liều dự phòng). Sau khi tiêm xong liều gây mê, sẽ tiến hành tiêm hai mũi còn lại để làm tê liệt thần kinh, cơ bắp và làm tim ngừng hoạt động.
Theo Thượng tá Nguyễn Duy Tỵ, đến thời điểm này, tuy mọi thứ đã chuẩn bị gần như sẵn sàng, nhưng vẫn chưa thể xác định được trong số 17 tử tội đang nằm tại phòng biệt giam của Trại tạm giam công an tỉnh, ai nào sẽ là bị cáo bị thi hành án trước.
Tin, ảnh: Quang Anh (Theo báo điện tử Dân trí)