Giới thiệu Nghị quyết quy định về Kiểm tra viên của VKSND

Thứ sáu - 05/06/2015 08:03 2.663 0
Ngày 13/5/2015, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp và thống nhất ban hành Nghị quyết quy định về Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân (sau đây gọi tắt là Nghị quyết), chúng tôi xin giới thiệu những nét chính của Nghị quyết như sau:

1. Sơ lược về việc xây dựng Nghị quyết

Ngày 25/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 73/2005/QĐ-BNV về việc ban hành chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ và mã số các ngạch Kiểm tra viên ngành Kiểm sát (sau đây viết tắt là Quyết định 73). Trên cơ sở đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 208/QĐ/2005/VKSTC-V9 ngày 07/11/2005 về việc ban hành quy định về Kiểm tra viên các cấp ngành Kiểm sát (sau đây viết tắt là Quyết định 208). Qua 10 năm thực hiện, toàn Ngành đã bổ nhiệm được 1.606 Kiểm tra viên (trong đó có 55 Kiểm tra viên cao cấp; 165 Kiểm tra viên chính; 1.386 Kiểm tra viên); tổ chức 05 đợt thi nâng ngạch (2 đợt thi Kiểm tra viên lên Kiểm tra viên chính được 73 chỉ tiêu; 3 đợt thi Kiểm tra viên chính lên Kiểm tra viên cao cấp được 49 chỉ tiêu). Số còn lại được chuyển ngạch theo quy định hoặc được Bộ trưởng Bộ Nội vụ đồng ý cho nâng ngạch khi nghỉ hưu theo chế độ.

 Việc thực hiện Quyết định 73 đã tạo điều kiện cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chính sách và thu hút đội ngũ công chức chuyên môn có chất lượng cho ngành. Công chức Viện kiểm sát nhân dân khi được bổ nhiệm Kiểm tra viên thì được tính thời gian để hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề.

Theo quy định tại Điều 90 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, từ 01/6/2015 trở đi: Kiểm tra viên là chức danh tư pháp, được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết quy định về Kiểm tra viên là cần thiết.

Thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng dựa trên các quan điểm:

- Tuân thủ quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 về chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân;

- Bảo đảm tuyển chọn được các Kiểm tra viên có chất lượng để thực hiện các công việc của Viện kiểm sát nhân dân;

- Kế thừa được các quy định còn phù hợp trong các văn bản pháp luật hiện hành về Kiểm tra viên; khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về Kiểm tra viên.

Quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã:

- Tổng kết thực hiện Quyết định số 73 mà ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện trong thời gian qua;

- Tham khảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật cán bộ, công chức và các Luật khác có liên quan đến các chế độ chính sách với công chức;

- Xây dựng dự thảo và lấy ý kiến của các địa phương, đơn vị ở trong Ngành;

- Có sự thống nhất với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Ngày 13/5/2015, tại phiên họp thứ 38, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với tỷ lệ biểu quyết 100% tán thành.

2. Giới thiệu về Nghị quyết

Nghị quyết gồm 14 điều, giải quyết một số nội dụng cơ bản sau:

Điều 1. Quy định phạm vi điều chỉnh

Điều 2 đến Điều 6. quy định về các ngạch, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm các  Kiểm tra viên các ngạch.

Điều 7, 8. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm tra viên và những việc Kiểm tra viên không được làm

Điều 9, 10. Quy định Hội đồng xét tuyển chọn, Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp

Điều 11, 12. Quy định miễn nhiệm, cách chức Kiểm tra viên

Điều 13. Quy định chế độ tiền lương, phụ cấp, giấy chứng nhận Kiểm tra viên

Điều 14. Quy định hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

3. Những điểm lưu ý:

3.1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm:

- Vẫn quy định theo 3 ngạch;

- Tiêu chuẩn:

+ Vẫn giữ các tiêu chuẩn cũ của Quyết định số 73, Quyết định 208;

+ Kết hợp với các tiêu chuẩn được quy định trong các kỳ thi nâng ngạch từ Kiểm tra viên lên Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên chính lên Kiểm tra viên cao cấp mà Bộ Nội vụ đã quy định;

+ Kết hợp với các quy định về tiêu chuẩn của Kiểm sát viên các ngạch theo quy định tại các Điều 74 đến 79 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

3.2. Hoàn thiện một số quy định:

- Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm tra viên;

- Những việc Kiểm tra viên không được làm;

- Hội đồng xét tuyển bổ nhiệm, xét thi nâng ngạch, miễn nhiệm, cách chức Kiểm tra viên các cấp. Tuy Luật không giao nhiệm vụ này cho Ủy ban kiểm sát, nhưng qua thực tiễn thực hiện Quyết định 73, Quyết định 208 nên Nghị quyết vẫn giao nhiệm vụ này cho Uỷ ban kiểm sát của Viện kiểm sát các cấp;

 - Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp thành lập ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Chủ tịch là 01 Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 02 Phó Chủ tịch là đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ và thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 02 thành viên khác của Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đại diện Viện kiểm sát quân sự trung ương. Danh sách Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

3.3. Cơ cấu các ngạch Kiểm tra viên, chỉ tiêu nâng ngạch

Về cơ cấu các ngạch Kiểm tra viên và chỉ tiêu nâng ngạch do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định trên cơ sở quy định vị trí việc làm và cơ cấu công chức các ngạch trong ngành Kiểm sát nhân dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên đây, quá trình xây dựng, nội dung và một số điểm lưu ý của Nghị quyết.

Trân trọng giới thiệu.

Nguồn tin: Theo Kiểm sát online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây