Chỉ thị này quy định về việc công khai, minh bạch trong các hoạt động của tổ chức thi hành án dân sự, nhằm ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng xảy ra. Cụ thể: Các cơ quan thi hành án dân sự phải niêm yết công khai quá trình thi hành án, kết quả thi hành án tại trụ sở; công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan để tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời thông tin về tiêu cực, tham nhũng liên quan đến thi hành án dân sự; công khai họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền giải quyết công việc thi hành án dân sự cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết.
Đặc biệt, tất cả công chức thi hành án khi tiếp, làm việc với tổ chức, cá nhân liên quan phải đeo thẻ công chức. Chỉ tiếp đương sự tại phòng tiếp công dân, các địa điểm do pháp luật quy định; nghiêm cấm tiếp đương sự tại nhà riêng, phòng làm việc, những nơi khác không đúng quy định. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự, kể cả những trường hợp bao che hoặc phát hiện có tiêu cực, tham nhũng nhưng không báo cáo, không có biện pháp ngăn chặn hoặc không xử lý triệt để, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào; công chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự; cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải xử lý nặng. Trong trường hợp bị kết án có hành vi tiêu cực, tham nhũng và bản án có hiệu lưc pháp luật thì bị buộc thôi việc; trường hợp có hành vi tiêu cực, tham nhũng bị kỷ luật chưa đến mức buộc thôi việc thì bố trí sang làm nhiệm vụ khác trong thời hạn ít nhất 02 năm; không xét thi đua, khen thưởng đối với các đơn vị có công chức bị xử lý vi phạm kỷ luật do tiêu cực, tham nhũng trong 01 năm.