Những điểm mới, quan trọng và nổi bật của 7 luật vừa được Quốc hội thông qua

Thứ năm - 29/02/2024 09:26 304 0
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật. Các luật vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới, có các nội dung quan trọng và nổi bật.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật quan trọng - Ảnh: VGP/ĐH
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật quan trọng - Ảnh: VGP/ĐH
Cụ thể, 7 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 bao gồm: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước.

Luật Nhà ở được sửa đổi nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành; bổ sung các quy định điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, hoàn thiện chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhà ở; đồng thời luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp... Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền có nhà ở của công dân, góp phần ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội.
Luật gồm 13 chương với 198 điều (tăng 15 điều so với Luật hiện hành), trong đó có một số điểm mới, như: Quy định yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; cải cách một số thủ tục về đầu tư dự án nhà ở, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; quy định cụ thể các chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân, tạo thuận lợi cho người dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của người dân về nhà ở… Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Luật kinh doanh bất động sản được sửa đổi đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật; hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch, lành mạnh, bền vững, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Luật mới ban hành có 10 chương 83 điều (tăng 4 chương, 1 điều so với Luật hiện hành), trong đó bổ sung các quy định về: Kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản; chuyển nhượng dự án bất động sản; hợp đồng kinh doanh bất động sản; xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; điều tiết thị trường bất động sản… Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Luật Tài nguyên nước được sửa đổi nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn, hoàn thiện khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, bổ sung các cơ chế, chính sách để khuyến khích nguồn lực xã hội hóa, quản lý khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, định giá tài nguyên nước, sử dụng và phân bổ nguồn thu từ tài nguyên nước.
Luật gồm có 10 chương, 86 điều (tăng 7 điều so với Luật hiện hành) với một số điểm mới như: Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước quốc gia; quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; các công cụ kỹ thuật để bảo vệ nguồn nước khỏi bị khai thác quá mức; về phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước; quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; quy định về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, gồm thuế, phí tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; các dịch vụ về tài nguyên nước… Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Luật Viễn thông được sửa đổi nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các cam kết quốc tế; góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực viễn thông; thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số…
Luật gồm 10 chương, 73 điều (tăng 10 điều so với Luật hiện hành), trong đó có một số nội dung mới, như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới (dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet…); bổ sung quy định cho phép công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên tài sản công; tăng cường sử dụng chung hạ tầng liên ngành giữa viễn thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác; trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng toà nhà chung cư, công trình công cộng, khu chức năng... Bên cạnh đó, bổ sung quy định nhằm hoàn hiện hơn về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để khắc phục bất cập trong hoạt động của Quỹ giai đoạn trước; quy định cụ thể về việc đấu giá đối với các loại tài nguyên viễn thông, việc lựa chọn mã, số viễn thông sẽ do thị trường quyết định.
Đồng thời, Luật quy định cụ thể giá khởi điểm cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet đưa ra đấu giá; bổ sung quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác, ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là đạo luật mới được nâng lên từ Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự số 32-L/CTN nhằm tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ, chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân; góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Luật gồm có 6 chương và 34 điều, trong đó xác định cụ thể phạm vi, ranh giới bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm góp phần khắc phục hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động các dự án phát triển kinh tế-xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định cụ thể về công trình lưỡng dụng; về chế độ, chính sách đối với địa phương, cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng do hoạt động quản lý, bảo vệ... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng là một luật mới, được ban hành để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Luật gồm 5 chương, 33 điều, trong đó quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Luật Căn cước được ban hành nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ trực tuyến, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư; tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và quản lý nhà nước; bảo đảm quyền con người, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Luật gồm 7 chương, 46 điều (tăng 1 chương, 10 điều so với Luật Căn cước công dân hiện hành), trong đó đã bổ sung quy định về: cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu; tích hợp số thông tin vào thẻ căn cước; bổ sung quy định về căn cước điện tử... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây