Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa thiên Huê - 35 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ bảy - 24/07/2010 14:06 3.735 0
Sau ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế 26-3-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thừa Thiên Huế bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, tạo dựng cơ sở vật chất và tinh thần cho xã hội mới, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn mọi bề do hậu quả chiến tranh để lại.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa thiên Huê - 35 năm xây dựng và trưởng thành

Đứng trước tình hình đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện ngay sau ngày giải phóng là phải xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng. Cùng với việc hình thành bộ máy quản lý nhà nước, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng và các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân, công nhân … cũng nhanh chóng được tổ chức và củng cố, đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Cùng với sự hình thành hệ thống chính quyền và  tổ chức đoàn thể, sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhanh chóng được hình thành. Tháng 9-1975, lực lượng cán bộ Kiểm sát đầu tiên của Thừa Thiên Huế do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cử vào gồm 6 người là đồng chí Võ Văn An, kiểm sát viên cao cấp (Trưởng đoàn), đồng chí Lê Thường Anh - Chuyên viên, các đồng chí Trần Viết Hường, Nguyễn Văn Tý, Lê Xuân Mãng là cán bộ và đồng chí Tạ Quang Tịnh là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Từ Liêm, Hà Nội. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao còn tăng cường thêm đồng chí Lương Á Châu - Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La và hai đồng chí Trần Ngọc Mậu, Đỗ Văn Lãm là cán bộ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đoàn đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định thành lập Viện kiểm sát nhân dân ở các huyện và thành phố Huế.

Do cơ sở vật chất còn khó khăn, lực lượng cán bộ ban đầu ít ỏi, không đủ phân bố cho cơ quan cấp tỉnh và các huyện, thành phố, nên Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế một mặt lo ổn định nơi làm việc, mặc khác nhanh chóng lập hồ sơ tuyển dụng cán bộ là sĩ quan tại ngũ trong quân đội, con em của gia đình cán bộ đã có trình độ đại học, học sinh vừa xong cấp III.

Dựa vào lực lượng được tăng cường tại chỗ, Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế đã xây dựng bộ khung ở các đơn vị cấp huyện và thành phố, mỗi đơn vị huyện bố trí 3 cán bộ gồm 1 Viện trưởng, 1 Kiểm sát viên, 1 thư ký (sĩ quan quân đội làm Viện trưởng, hạ sĩ quan làm Kiểm sát viên, học sinh làm Thư ký); riêng thành phố Huế có 4 cán bộ. Tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có 21 cán bộ, do đồng chí Võ Văn An làm Viện trưởng, đồng chí Lê Thường Anh làm Phó Viện trưởng.

      Kể  từ khi được thành lập cho đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã trải qua nhiều giai đoạn tổ chức và hoạt động: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên từ năm 1976 đến 1989 và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 1989 đến nay.

Thực hiện Nghị quyết số 245 ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên, trong hai ngày 15 và 16/01/1976, các Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh tiến hành Hội nghị hợp nhất. Sau Hội nghị hợp nhất, theo Quyết định số 09/QĐ-UB ngày 08-5-1976 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã chính thức ra đời.

Trong thời gian này, lợi dụng tình hình khó khăn của ta về kinh tế, tình hình căng thẳng ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, bọn phản động ngóc  đầu dậy tung ra những luận điệu tâm lý phản  động. Cùng với Ty Công an Bình Trị Thiên, ngành Kiểm sát đã góp phần phát hiện, ngăn chặn hoạt động của các tổ chức phản động, góp phần trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ an ninh chính trị trên địa bàn.

      Các hoạt động kiểm sát trọng tâm trong giai đoạn này là việc thực hiện các chế độ quản lý kinh tế, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã đi sâu kiểm sát các lĩnh vực công - nông - ngư nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, vật tư nông nghiệp … đã phát hiện nhiều đơn vị vi phạm chế độ quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa. Viện kiểm sát đã yêu cầu các đơn vị khắc phục, sữa chữa vi phạm.

Trong công kiểm sát xét xử các vụ án dân sự, đã phát hiện những vi phạm của Tòa án, kịp thời có kiến nghị, yêu cầu khắc phục, sữa chữa. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện kiểm sát việc thực hiện các hợp đồng kinh tế, phát hiện những vi phạm trong thủ tục ký kết hợp đồng, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không được đầy đủ.

Công tác kiểm sát giam giữ, cải tạo, chấp hành án cũng được duy trì đều đặn. Đã tiến hành định kỳ kiểm tra trại giam và các trại cải tạo của tỉnh. Qua kiểm sát phát hiện vi phạm đều có kiến nghị, yêu cầu các ngành khắc phục thiếu sót. Ở cấp huyện duy trì đều đặn một tuần hoặc ba ngày kiểm tra 1 lần nơi tạm giữ, tạm giam của Công an cùng cấp, phân loại xử lý nhằm hạn chế những vi phạm trong công tác bắt, giam, giữ ở cơ sở.

Công tác kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử  án hình sự đã giải quyết nhiều vụ án phức tạp, nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ án xâm phạm an 

Về  công tác kiểm sát giải quyết đơn khiếu tố, vào thứ 5 hàng tuần, lãnh đạo hai cấp đã trực tiếp  tiếp dân. Bộ phận chuyên trách hàng ngày theo dõi, quản lý các đơn thư khiếu nại.

Tháng 7 năm 1989, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh Bình Trị  Thiên được chia tách thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo (giai đoạn từ năm 1989 cho đến nay).

Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 phòng nghiệp vụ và 9 VKSND huyện, TP Huế. Tổng số cán bộ toàn ngành là 178 đồng chí, kiểm sát viên cấp tỉnh có 31 đồng chí, kiểm sát viên cấp huyện có 59 đồng chí. Trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng cao. Năm 2001 tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, sau đại học là 86,6%; năm 2003 là 91%; và đến nay đã tăng lên 92,3%.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động của ngành Kiểm sát đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thừa Thiên Huế vốn được coi là một trong những tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là địa bàn nhạy cảm về chính trị, các thế lực phản động thù địch trong và ngoài nước tiếp tục chống phá. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và cùng với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý, đấu tranh phòng chống kịp thời.

Bên cạnh đó, một số phần tử cực đoan lợi dụng tôn giáo để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, chống phá. Viện kiểm sát cũng đã phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đã xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần bảo đảm tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đối với các hoạt động công tác kiểm sát, trong các năm qua, cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung giải quyết một khối lượng lớn án hình sự. Điểm nổi bật nhất là trong số các vụ án đã giải quyết, không có vụ án nào quá hạn điều tra, truy tố, xét xử, không có vụ án nào Viện kiểm sát truy tố mà Toà án tuyên không phạm tội, không có các trường hợp hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại. Số vụ án phải đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm cũng giảm đáng kể, từ năm 2003 đến nay đã không xảy ra trường hợp nào. Tỷ lệ tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự sau đó phải trả tự do chuyển xử lý hành chính từ chỗ chiếm tỷ lệ đến 30,9 % vào năm 2000 đến nay đã không còn xảy ra. Không có trường hợp nào quá hạn tạm giữ, tạm giam, không có trường hợp nào bắt giữ oan sai người vô tội. Có thể nói, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng, là thành tích cơ bản nhất của tập thể cán bộ, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong các năm qua.

Để đạt được những thành tích cơ bản trên đây, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cũng đề ra nhiều biện pháp công tác để chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp triển khai thực hiện, cụ thể là: Tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong các hoạt động công tác kiểm sát. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan Công an, Toà án tỉnh tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử cho hơn các Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán ở cả hai cấp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết các vụ án hình sự. Giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng nghiệp vụ trực thuộc VKSND tỉnh xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ như chuyên đề “Án trả hồ sơ” (để tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm chung cho cả 3 ngành Công an - Toà án - Viện kiểm sát), chuyên đề “ Các vụ án, bị can đình chỉ điều tra”, “Kỹ năng tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên toà”, “Công tác kháng nghị phúc thẩm của VKS”. Tổ chức cho cán bộ, kiểm sát viên tham dự các phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp, tổ chức các cuộc thi viết cáo trạng, luận tội nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực thực hành quyền công tố tại phiên toà của KSV v.v. Hằng ngày, từ 16h đến 17 h tiếp tục duy trì chế độ trực ban tại Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án trị an - an ninh để các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện báo cáo tình hình bắt, giam, giữ xảy ra trong ngày để có biện pháp xử lý, nếu phát hiện có dấu hiệu oan sai trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc bỏ lọt tội phạm thì báo cáo với lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời v.v.

Ghi nhận những thành quả đó, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho các tập thể và cá nhân Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều danh hiệu thi đua: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hương Điền, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hương Thủy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hương Trà được tặng Huân chương lao động hạng III; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Ban thi đua khen thưởng Trung ương, Bằng khen của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trị an, an ninh, Văn phòng tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hương Thủy, Hương Trà … được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Cờ thi đua ngành KSND. Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên hằng năm đều đạt danh hiệu Đảng bộ “trong sạch, vững mạnh” được Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trao tặng Cờ thi đua đơn vị đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh 10 năm liền 1995-2005. Các tổ chức đoàn thể như Công Đoàn; Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh đều đạt danh hiệu vững mạnh từ khi thành lập cho đến nay v.v.

35 năm qua – Một chặng đường xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế; sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan ban ngành trong tỉnh; sự giúp đỡ, ủng hộ của quần chúng nhân dân, tập thể cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã vượt qua bao khó khăn và thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp.

Tin, ảnh: Hoàng Trọng Khảm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây