Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Dương Thành Bắc, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng tới dự Hội nghị. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai và các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Trần Phước Tới, Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn. Thành phần tham dự Hội nghị gồm Thủ trưởng, Trưởng phòng Tổng hợp các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng, Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp thứ hai.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng,
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng nhấn mạnh ý nghĩa tổ chức Hội nghị cán bộ ngành Kiểm sát năm 2011 nhằm quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định mới của Nhà nước đối với ngành Kiểm sát nhân dân; bàn các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ và xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới. Đây là những vấn đề quan trọng để thực hiện yêu cầu cải cách tư pháp, đòi hỏi cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị trong ngành phải quán triệt, nắm vững và thực hiện tốt, xây dựng ngành Kiểm sát không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng chí Viện trưởng đề nghị đại biểu dự hội nghị phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, quán triệt sâu sắc, đầy đủ các nội dung của Hội nghị, từ đó xây dựng chương trình hành động; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong gai đoạn mới.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo về “Mô hình tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo Kết luận 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị; Việc thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân”
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng bày tỏ vui mừng trước thành tích ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng chí đánh giá, thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực về mọi mặt, luôn bám sát, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp. Từ năm 1986 đến nay, nhất là từ sau khi có các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, ngành Kiểm sát nhân dân đã có sự đổi mới mạnh mẽ và liên tục về nhận thức, về thực hiện chức năng, nhiệm vụ và về tổ chức, cán bộ. Chất lượng, hiệu quả các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành được nâng lên rõ rệt, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo sự tin tưởng của Đảng, Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đồng chí Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ rõ một số hạn chế như: Đối chiếu với yêu cầu về cải cách tư pháp và xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh thì kết quả đạt được còn khiêm tốn. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Tội phạm về kinh tế, tội phạm về ma tuý, tội phạm có tổ chức, có tính chất băng nhóm “xã hội đen”… chưa giảm. Công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm chưa đạt kết quả như mong muốn. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ Kiểm sát còn thiếu về số lượng và chậm được tăng cường về chất lượng. Cơ sở vật chất của ngành tuy đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là những nội dung mà ngành Kiểm sát cần quan tâm nghiên cứu và có các biện pháp tích cực để khắc phục hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đồng chí Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo: Để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn mới, ngành Kiểm sát phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về phương thức, biện pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong từng lĩnh vực công tác; về tổ chức, cán bộ và hoàn thiện thể chế pháp luật; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ; đồng thời đề cập thêm một số nội dung cơ bản để Hội nghị quán triệt, thực hiện, cụ thể: Ngành Kiểm sátphải tập trung thực hiện tốt đợt sinh hoạt chính trị, nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết, các văn kiện Đại hội XI của Đảng trong các cấp uỷ Đảng và Viện kiểm sát các cấp. Tuyên truyền, giới thiệu các nội dung lớn, quan trọng, những điểm mới trong các văn kiện Đại hội, trong đó có chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp và đối với ngành Kiểm sát. Đồng thời xây dựng Chương trình hành động với các nội dung và biện pháp cụ thể; để các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng được quán triệt sâu sắc tới từng cán bộ, kiểm sát viên, từng cấp Kiểm sát; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn ngành để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.
Đồng chí Trần Phước Tới, Phó Viện trưởng VKSND tối cao,Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương trình bày báo cáo về “Công tác của ngành Kiểm sát quân sự trong giai đoạn mới”
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao trình bày báo cáo về “Công tác tài chính bảo đảm cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong thời gian tới”
Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo về “Công tác nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát giai đoạn mới”
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo về “Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân trong tình hình mới và một số vấn đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm”
Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo Kết luận số 79-KL/TW. Tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân phải đáp ứng mục tiêu chung của việc đổi mới các cơ quan tư pháp, đó là đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng cơ quan và các chức danh tư pháp trong quá trình tiến hành tố tụng; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời đảm bảo nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành, là nguyên tắc tổ chức và hoạt động đặc thù của Viện kiểm sát nhân dân.
Toàn ngành phải đổi mới biện pháp công tác để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự; phải nắm bắt và quản lý được tình hình tội phạm, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, việc áp dụng các biện pháp tố tụng phải có căn cứ, đúng pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, cơ quan xét xử trong điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác đấu tranh với các tội phạm về tham nhũng, ma tuý, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm công nghệ cao. Củng cố, tăng cường công tác điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chú trọng công tác phòng ngừa tội phạm trong hoạt động tư pháp. Triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo VKSND tối cao và đại biểu dự Hội nghị
Tiếp tục thực hiện việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; củng cố các cơ sở đào tạo,bồi dưỡng cán bộ của ngành, nhằm xây dựng đội ngũ công chức có đủ tiêu chuẩn, năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát theo quy định của pháp luật, yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc rèn luyện 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Bác: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ cả về trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết. Chủ động nghiên cứu để tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đề ra Chiến lược xây dựng hình ảnh về một nền tư pháp đổi mới, trong sạch, vững mạnh, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; thông qua các phiên tòa xét xử công khai, thông qua việc giải quyết chính xác, kịp thời các tranh chấp, khiếu nại của nhân dân; xây dựng các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong các cơ quan tư pháp, đi đôi với việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cần nghiên cứu để tham mưu với Ðảng và Nhà nước xem xét, chỉ đạo, có phương án để Viện kiểm sát nhân dân tham gia Hiệp hội Công tố thế giới, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế phục vụ cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm theo chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức quốc tế để trao đổi kinh nghiệm công tác, đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực hoạt động của Ngành. Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm tốt vai trò cơ quan đầu mối trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về cán bộ, kinh phí; báo cáo với Đảng, Nhà nước xem xét, quyết định để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho hoạt động của Ngành.Việc tính toán nhu cầu cán bộ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cũng như trang bị các phương tiện nghiệp vụ cần được nhìn nhận trong xu thế phát triển của ngành trong tiến trình cải cách tư pháp; đáp ứng đầy đủ nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Đại biểu dự Hội nghị
Theo chương trình, Hội nghị nghe đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo về “Định hướng công tác kiểm sát trong thời gian tới”; đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo về “Mô hình tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo Kết luận 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị; Việc thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân”; đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo về “Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân trong tình hình mới và một số vấn đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm”; đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo về “Công tác nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát giai đoạn mới”; đồng chí Trần Phước Tới, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương trình bày báo cáo về “Công tác của ngành Kiểm sát quân sự trong giai đoạn mới”; đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo về “Công tác tài chính bảo đảm cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong thời gian tới”.