Hội nghị công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng của ngành Kiểm sát nhân dân

Thứ hai - 04/08/2014 22:58 3.457 0
Ngày 30/7/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Cùng dự có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Trần Phước Tới, Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong. Đại biểu khách mời có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Minh Trí, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự hội nghị gồm có đại diện lãnh đạo, trưởng phòng tham mưu tổng hợp các đơn vị thuộc Vụ 1B, Vụ 1, Vụ 1A, Vụ 2, Vụ 3, Cục 6; các Viện Phúc thẩm 1, 2, 3; Vụ Hợp tác quốc tế, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Văn phòng VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo Viện, lãnh đạo phòng giải quyết án tham nhũng thuộc 18 VKSND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Bắc Kạn, Yên Bái, Bình Thuận, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang.
 
 
 
Đồng chí Lê Minh Trí, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại hội nghị
 
Tại hội nghị, các đại biểu nghe Báo cáo tình hình và kết quả giải quyết các vụ án về tham nhũng của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014; quán triệt Thông báo số 92-TB/BCĐTW ngày 17/7/2014 thông báo Kết luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo. Tại hội nghị có 11 ý kiến tham luận của đại biểu với tinh thần trách nhiệm cao, đều bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung của Báo cáo; đồng thời bổ sung, làm rõ thêm nhiều vấn đề trong công tác phòng, chống tham nhũng; nêu những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, đề xuất kiến nghị và nhấn mạnh thêm một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
 
 
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì phần tham luận tại hội nghị
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao kết quả công tác giải quyết án tham nhũng của ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong năm 2013 và sáu tháng đầu năm 2014. Viện kiểm sát nhân dân có sự phối hợp chặt chẽ và tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cấp ủy địa phương để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Thời gian qua, ngành Kiểm sát đã có nhiều biện pháp quyết liệt, xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn được nhân dân đồng tình ủng hộ; tích cực nghiên cứu và có nhiều tham mưu, đề xuất quan trọng với Đảng, Quốc hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 

 
Đồng chí Dương Văn Phùng, Vụ trưởng Vụ 1B VKSND tối cao trình bày Báo cáo tại hội nghị
 
Chủ trì tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án tham nhũng của Viện kiểm sát còn một số tồn tại, thiếu sót, như: Một số đơn vị chưa chủ động xây dựng Quy chế phối hợp nhằm thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của liên ngành Trung ương hướng dẫn thi hành quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; chưa tích cực ban hành các yêu cầu điều tra do đó số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chiếm tỉ lệ cao; còn một số vụ án điều tra chưa đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; việc ban hành các kiến nghị yêu cầu xử lý, khắc phục vi phạm và phòng ngừa tội phạm về tham nhũng chưa nhiều; công tác phối hợp có vụ, việc thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên. Để khắc phục những hạn chế trên, đồng chí Nguyễn Hải Phong yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt Thông tư số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP ngày 22/3/2012 quy định về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố; Thông tư số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của liên ngành Trung ương hướng dẫn thi hành quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 19/6/2008 về công tác kháng nghị phúc thẩm nói chung và kháng nghị đối với những bản án tham nhũng phát hiện có vi phạm pháp luật; Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; Chỉ thị công tác số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2014 của Viện trưởng VKSND tối cao.
 
 
 
Các đại biểu tham dự hội nghị
 
Kết luận hội nghị, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá: Thời gian qua, VKSND tối cao quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện nghị quyết của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với liên ngành tư pháp Trưng ương, Ban Nội chính Trung ương, Tỉnh ủy, Thành ủy giải quyết nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp; kịp thời ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện các biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng đặc biệt là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Kết quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng đạt được kết quả tích cực. Công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, công tác khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng có sự chuyển biến tích cực; số vụ án được phát hiện khởi tố ngày càng tăng; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nhìn chung được đảm bảo; tiến độ giải quyết án tham nhũng được nâng lên; trách nhiệm công tố được thể hiện rõ hơn. Các trường hợp đình chỉ điều tra được xem xét thận trọng, hạn chế việc lạm dụng khoản 1, Điều 25 BLHS; không có bị can phải đình chỉ do không phạm tội; hạn chế việc lạm dụng Điều 60 BLHS cho các bị cáo phạm tội tham nhũng hưởng án treo. Nổi lên là một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra tại các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, gây thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng tài sản được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng pháp luật, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá tích cực; thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, từ đó tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 
Để thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh một số nhiệm vụ các đơn vị trong Ngành cần tập trung thực hiện trong thời gian tới: Quán triệt, thực hiện có hiệu quả Thông báo số 92-TB/BCĐTW Kết luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo; Thực hiện Kế hoạch số 90-KH/BCĐTW ngày 12/7/2014 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kiểm tra, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, tại một số địa phương, VKSND các tỉnh được chọn kiểm tra phải chuẩn bị tốt báo cáo và các tài liệu liên quan phục vụ đoàn kiểm tra. Tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng theo Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Hội nghị TW 5 (khóa XI). Tuân thủ nghiêm túc việc báo cáo, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cấp ủy địa phương góp phần đảm bảo công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng đạt hiệu quả.
 
Tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử để phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới, giữa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm trong quá trình giải quyết án. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ, việc tham nhũng thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo xử lý. Khắc phục tình trạng án kéo dài, án trả hồ sơ nhiều, việc áp dụng án treo đối với bị cáo phạm tội tham nhũng không đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác kiến nghị yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; kiến nghị cơ quan nhà nước trong phòng ngừa tội phạm; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng có hiệu quả. Viện kiểm sát địa phương kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để bảo đảm tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc đã được xác định cụ thể. Quan tâm giáo dục phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp giải quyết án tham nhũng.
 
Tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi); chú trọng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, các ngành hữu quan hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong ngành Tòa án và ngành Kiểm sát. Tập trung xây dựng hoàn thành các Đề án: “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân” và “Cơ chế chính sách để đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các tội tham ô, hối lộ”. Toàn Ngành phấn đấu với quyết tâm cao, hoàn thành tốt công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Nguồn tin: Website Viện KSND Tối cao

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây