Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm năm 2012

Thứ ba - 01/05/2012 14:25 2.679 0
(Kiểm sát Online) - Ngày 20/4/2012, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch số 26/KH-VKSTC-VP về việc thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm năm 2012 trong ngành Kiểm sát nhân dân

Mục đích, yêu cầu của Kế hoạch:
Một là, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong ngành Kiểm sát về công tác phòng, chống tội phạm theo Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên đối với Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.
Hai là, Viện kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các vụ án hình sự làm nhiệm vụ trọng tâm, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tập trung vào công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án Hình sự trọng điểm, phức tạp, được dư luận quan tâm; thực hiện tốt hơn công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án hình sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Ba là, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm thông qua công tác kiểm tra thực hiện hoạt động này ở Viện kiểm sát địa phương, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân đối với việc phòng, chống tội phạm.

Để thực hiện tốt các mục đích, yêu cầu nói trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu rõ trong kế hoạch những nội dung chủ yếu mà toàn ngành Kiểm sát cần thực hiện tốt trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị trong các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân địa phương để nâng cao nhận thức và hành động trong cán bộ công chức ngành Kiểm sát, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 06/KH-BCS ngày 16/11/2010 của Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW. Đánh giá nghiêm túc việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và xác định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, vai trò của cấp ủy Viện kiểm sát nhân dân các cấp, vai trò của cán bộ, Kiểm sát viên trong đấu tranh chống tội phạm và phòng ngừa tội phạm gắn với thực hiện cuộc vận động "Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm".

Thứ hai, Viện kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để tăng cường kiểm sát bảo đảm việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có căn cứ, đúng pháp luật; phấn đấu nâng cao tỷ lệ phát hiện, xử lý tội phạm.

Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can; việc áp dụng, thay đổi các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo việc phê chuẩn, ban hành các quyết định tố tụng kịp thời, đúng pháp luật. Viện kiểm sát các cấp "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra". Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia, các vụ án trọng điểm; các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần.

Chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa xét xử lưu động để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động xét xử là: "Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa".

Kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án, phát hiện vi phạm để kịp thời kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án hình sự. Kiểm sát chặt chẽ việc ra quyết định thi hành án và tổ chức đưa người bị kết án phạt tù đi chấp hành án.

Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương làm tốt việc quản lý, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm; tăng số vụ khởi tố và chất lượng điều tra vụ án thuộc thẩm quyền.

Đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài liên quan đến tội phạm. Tăng cường kiểm sát trực tiếp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp.

Xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả các khâu công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nâng cao chất lượng công tác thống kê tội phạm liên ngành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm.

Nghiên cứu và tổ chức triển khai thực hiện chế độ báo cáo phòng, chống tội phạm theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thứ ba, tăng cường hướng dẫn và kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù. Tổng hợp, nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vụ án do Viện kiểm sát địa phương thỉnh thị. Ban hành kiến nghị với các cơ quan chức năng về phòng ngừa tội phạm, tăng cường công tác quản lý thông qua giải quyết các vụ án cụ thể.

Thứ tư, tích cực tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung), nhất là những vấn đề liên quan đến ngành Kiểm sát nhân dân. Chủ trì nghiên cứu, xây dựng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm theo sự phân công của Quốc hội. Chủ động phối hợp, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Tham gia các dự án, đề án về phòng, chống các loại tội phạm hình sự thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 - 2015.

Thứ năm, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới cho cán bộ, Kiểm sát viên và nhân dân. Đồng thời, phản ánh kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm của Viện kiểm sát trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Thứ sáu, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), với các quốc gia. Tích cực thực hiện tương trợ tư pháp và yêu cầu tương trợ tư pháp để giải quyết tốt các vụ án hình sự liên quan đến nước ngoài.

Để thực hiện những nội dung đã được nêu trong kế hoạch nói trên đạt chất lượng, hiệu quả, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong Ngành theo chức trách, nhiệm vụ như sau:

+ Các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, trên cơ sở nội dung của kế hoạch chủ động xây dựng Chương trình công tác thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm cho đơn vị; hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời và kiểm tra hoạt động kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, báo cáo định kỳ (6 tháng, năm) và đột xuất gửi Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp xây dựng báo cáo chung của Chương trình.

+ Các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương xây dựng Hướng dẫn thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm năm 2012; thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất thực hiện Chương trình theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm tại địa phương.

+ Giao Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, điều hành, đồng thời giúp Lãnh đạo Viện quản lý, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này trong toàn Ngành; quan hệ phối hợp với các Bộ, ngành và chủ trì phối hợp thực hiện Chương trình tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tổng hợp xây dựng các loại báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ.

Tin, ảnh: Bảo Châu (tổng hợp)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây