Hội nghị đã vinh dự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến dự, chỉ đạo (đây là lần đầu tiên sau 48 năm ngành KSND vinh dự được đón Tổng Bí thư). Hội nghị đã nghe lãnh đạo VKSND tối cao trình bày các Báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2014 và Chỉ thị công tác của ngành Kiểm sát năm 2015; tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và tôn vinh những đơn vị, tập thể đạt thành tích cao của Ngành năm 2014; Hội nghị đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí lãnh đạo VKSNDTC theo quy định.
Tại Hội nghị đã có 22 ý kiến tham luận với tinh thần trách nhiệm, nhìn chung đều bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung của Báo cáo, đồng thời, nêu lên nhiều kinh nghiệm hay, những cách làm tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2014 và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Ngành năm 2015.
Về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2015, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC lưu ý: Chỉ thị 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2015 của Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm. Để hoàn thành tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm này,Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh:Lãnh đạo các đơn vị phải chỉ đạo đơn vị, địa phương mình triển khai thực hiện hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong Chỉ thị. VKSNDTC đã sớm ban hành Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 02/01/2015, trong đó xác định, phân công nhiệm vụ trọng tâm cho các đơn vị trực thuộc thực hiện; đề nghị các đồng chí cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác, bảo đảm bám sát chỉ đạo, yêu cầu của Ngành và phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị, địa phương mình.
Theo đó:
Trước hết, toàn Ngành triển khai thực hiện nghiêm túc Luật tổ chức VKSND năm 2014.
Năm 2014, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng trong việc xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi); đến nay Luật đã được ban hành và toàn bộ văn bản Luật có hiệu lực từ ngày 01/6/2015, trong đó có nhiều quy định mới về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của Ngành. Quá trình tổ chức thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014, sẽ tác động đến tổ chức bộ máy, cán bộ, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của hầu hết các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp; mặt khác kết quả thực hiện sẽ khẳng định những giá trị thực tiễn theo quy định mới của Luật và nâng cao vị thế của Ngành. Vì vậy, để triển khai thực hiện tốt các quy định của Luật đòi hỏi toàn Ngành, trước hết là các đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. VKSNDTC đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-VKSTC-V9 ngày 12/12/2014, trong đó đã đặt ra những nhiệm vụ cơ bản, cụ thể và phân công các đơn vị đầu mối chủ trì, thời gian tổ chức thực hiện. Các đồng chí phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ được phân công. Các đơn vị thuộc VKSNDTC, nhất là Vụ tổ chức cán bộ, các Viện phúc thẩm, Vụ 3, Vụ 5, Vụ 12, Cục 6, Viện khoa học kiểm sát, Vụ 11 phải tập trung cao độ để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, việc thành lập VKSND cấp cao và chuyển giao thẩm quyền tố tụng cho VKSND cấp cao. Các đồng chí lãnh đạo VKSNDTC được phân công phải chủ động, sâu sát trong việc theo dõi, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng nhiệm vụ được giao, nhất là việc xây dựng các nghị quyết của UBTV Quốc hội để trình UBTV Quốc hội cho ý kiến tại các phiên họp theo đúng chương trình đã ấn định.
Sau Tết Nguyên đán, ngành Kiểm sát sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến về triển khai thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014 trong toàn Ngành.
Hai là,Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế tăng cường hướng dẫn thi hành luật.
Năm 2015, ngành KSND phải hoàn thành Dự án BLTTHS (sửa đổi). Đây là Dự án luật đặc biệt quan trọng, điều chỉnh trực tiếp hoạt động của Ngành, đây cũng là cơ hội để chúng ta cụ thể hóa đúng tinh thần các quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức VKSND, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án hình sự, hướng đến mục tiêu xây dựng nền công tố mạnh, thực chất hơn, tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp. Dự án này có nhiều ý tưởng mới, nhiều vấn đề lớn còn có những quan điểm khác nhau.... Vì vậy, để Quốc hội hiểu và chấp thuận, thông qua, Viện khoa học kiểm sát cần tham mưu các hình thức để huy động tối đa sự tham gia của toàn Ngành, của các nhà khoa học pháp lý, các chuyên gia thực tiễn vào xây dựng dự án luật; kịp thời tranh thủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan tư pháp Trung ương. VKSND địa phương chủ động tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, tổ chức Hội nghị chuyên đề mời Đoàn đại biểu Quốc hội tham dự, thảo luận để các đại biểu hiểu, nhất là đối với những quy định mới hoặc bổ sung, sửa đổi, nhằm tạo sự đồng thuận cao trước khi trình Quốc hội. Đồng thời, phải chủ động, tích cực tham gia xây dựng các dự án luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp, về tố tụng tư pháp và bổ trợ tư pháp, như: Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ luật hình sự (sửa đổi), Luật tạm giữ, tạm giam...tạo điều kiện tốt hơn để VKSND thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp.
Ba là, thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Năm 2015 là năm cuối Quốc hội khóa XIII sẽ đánh giá tổng quát kết quả việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63. Để thực hiện tốt các yêu cầu của Quốc hội, những năm qua, VKSNDTC đã chủ động, khẩn trương và quyết liệt chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nhiều giải pháp thiết thực (phối hợp xây dựng thông tư, ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn, tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, tập huấn nghiệp vụ). Theo đó, những năm qua, kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của toàn Ngành có nhiều tiến bộ, đạt và vượt 4 chỉ tiêu cơ bản Quốc hội giao. Tuy nhiên, năm qua vẫn còn một số đơn vị thuộc VKSNDTC, Viện kiểm sát địa phương có chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu; kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chưa cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế trên là việc triển khai thực hiện chưa nghiêm túc (lãnh đạo các đơn vị chậm hoặc không quán triệt, thực hiện đầy đủ nội dung, tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo VKSNDTC đến tất cả cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị; công tác đôn đốc, kiểm tra thiếu thường xuyên, chưa thực sự hiệu quả; việc chỉ đạo chưa sâu sát...).
Năm 2015, trong dịp tổng kết tại đơn vị, các đồng chí cần giành thời gian thỏa đáng để kiểm điểm làm rõ hơn nguyên nhân và có biện pháp thiết thực cụ thể khắc phục; trong đó cần tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 06 của liên ngành Trung ương về giải quyết, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, Chỉ thị 06, Chỉ thị 03, Chỉ thị 04 của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Công tác giải quyết án tham những trong năm qua đã có những chuyển biến tích cực, được Đảng, Nhà nước và Tổng Bí thư ghi nhận. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại; trong đó có trách nhiệm của ngành Kiểm sát. Để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế chức vụ trước hết Lãnh đạo các đơn vị chức năng phải chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nhất là những chỉ đạo của Ngành, mặt khác phải kịp thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đặc biệt đối với những vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc về tham nhũng, kinh tế chức vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, các Tỉnh ủy, Thành ủy theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm việc giải quyết đúng pháp luật, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị.
Các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị đã chỉ rõ chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa vẫn còn hạn chế. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị thuộc VKSNDTC (gồm các Viện phúc thẩm, Vụ 3, Viện khoa học kiểm sát...) sớm làm rõ các vấn đề về “tranh tụng” để hướng dẫn Viện kiểm sát địa phương thực hiện, phối hợp với các cơ sở đào tạo của Ngành nghiên cứu, lựa chọn đưa vào giáo trình giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, trách nhiệm và kỹ năng tranh tụng cho cán bộ trong Ngành.
Lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm hơn nữa đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; chủ động giải quyết dứt điểm đơn, kiến nghị thuộc trách nhiệm từ cấp cơ sở, chú ý đối với những đơn, kiến nghị do các Đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội, của cơ quan dân cử, của cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương chuyển đến. Theo đó, hạn chế đến mức thấp nhất việc chất vấn Viện trưởng tại các diễn đàn, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị, của Ngành. Năm 2015, là năm tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, do đó công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ngành càng cần được chú trọng hơn, bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, địa phương.
Bốn là, chủ trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành.
Năm 2015, toàn Đảng tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lân Thứ XII. Ngoài việc chúng ta tiến hành Đại hội đảng ở Viện kiểm sát các cấp, bố trí nhân sự là các đồng chí Viện trưởng VKSND địa phương tham gia cấp ủy thì một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng đối với Ngành là thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu cho Đảng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự thành công của Đại hội đảng các cấp. Tình hình hiện nay, trước thềm Đại hội đảng sẽ diễn ra nhiều vấn đề phức tạp; nhiều đối tượng, tổ chức lợi dụng tình hình gây ra những vấn đề bất ổn về chính trị, phức tạp về xã hội. Do đó, ngành Kiểm sát phải đặc biệt chú ý, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, nhất là cơ quan tư pháp, thông qua công tác giải quyết các vụ án hình sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo... để kịp thời phát hiện những điểm nóng, âm mưu gây bất ổn chính trị để tham mưu cho cấp ủy đảng các biện pháp nhằm kịp thời giải quyết các vụ việc, nhanh chóng ổn định tình hình, bảo vệ đại hội, bảo vệ Đảng. Quá trình giải quyết phải chấp hành đúng quy định của Đảng, chế độ thông tin, báo cáo trong Ngành.
Năm 2015, là năm cuối thực hiện một số nghị quyết của UBTVQH khóa XIII về xây dựng Ngành. Đòi hỏi toàn Ngành phải rà soát, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành chất lượng các nhiệm vụ được giao, tháo gỡ những vướng mắc để hoàn thành chỉ tiêu chức danh tư pháp mà UBTVQH giao cho Ngành, cũng như Ngành đã giao cho các địa phương, để báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.
Triền khai Luật tổ chức VKSND năm 2014, ngành Kiểm sát phải thành lập một số đơn vị mới và kiện toàn lại nhiều đơn vị khác. Vì vậy, theo yêu cầu công việc nên nhiều đơn vị, VKSND các cấp có nhu cầu tăng biên chế. Tuy nhiên, tại phát biểu kết luận Hội nghị lần Thứ Mười BCHTW Đảng khóa XI, đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định:"kiên quyết tinh giảm biên chế, không tăng biên chế, không thành lập tổ chức mới (trừ trường hợp đặc biệt), nhưng phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. ” Do đó, việc xin thêm biên chế cho Ngành trong giai đoạn này là cực kỳ khó khăn. Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp cần chủ động rà soát, đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ để sắp xếp, bố trí công việc cho phù hợp với khả năng của từng người, đồng thời phải bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị. Đối với những VKSND địa phương được giao biên chế phải khẩn trương tuyển đủ, đảm bảo chất lượng, đúng quy trình, quy định.
Năm 2015, theo Kế hoạch số 59/KH-VKSTC về thực hiện Đề án đẩy nhanh chế độ cải cách công vụ, công chức của Ngành thì chúng ta có rất nhiều việc phải hoàn thành; Lãnh đạo các đơn vị cần rà soát, đôn đốc triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, nhất là Đề án vị trí việc làm và cơ cấu công chức các ngạch trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đặc biệt, chú trọng tự đào tạo, bồi dưỡng thông qua công tác thực tiễn với nhiều hình thức, như: phối hợp tổ chức phiên tòa để rút kinh nghiệm, lựa chọn các khâu công tác còn nhiều hạn chế, yếu kém đề tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng công tác; phối hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng; tích cực ban hành các thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ…
Năm 2015, ngành KSND sẽ tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ngành, Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần Thứ V, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Do vậy, các đơn vị cần tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của Ngành, chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động có ý nghĩa và thiết thực.
Năm là, đổi mới các biện pháp về quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ.
Năm 2015, Chỉ thị công tác của Ngành có sự đổi mới, ngắn gọn hơn. Theo đó, chỉ rõ những mục tiêu cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm toàn Ngành phải tổ chức triển khai thực hiện. Với nội dung Chỉ thị công tác năm 2015, yêu cầu các đồng chí Viện trưởng VKSND địa phương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSNDTC phải tăng cường tính chủ động nghiên cứu kỹ những chỉ đạo công tác của Ngành, kế hoạch, hướng dẫn công tác nghiệp vụ của cấp trên và trên cơ sở kết quả công tác năm 2014 vừa qua của đơn vị để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị và hướng dẫn, chỉ đạo cấp dưới; chú trọng việc cụ thể hóa và các biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả.
Qua tổng kết công tác năm 2014, căn cứ vào Chỉ thị công tác năm 2015 của Ngành và đặc biệt là quán triệt đầy đủ những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị, các đơn vị, VKSND địa phương khẩn trương hòan thiện chương trình, kế hoạch công tác để sớm triển khai thực hiện nhằm đạt kết quả cao hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và chức năng, nhiệm vụ của Ngành.