Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huếhttps://vkshue.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 06/10/2021 07:421.1200
Chiều ngày 04/10/2021, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự: Lê Hồng Phong, phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Đây là phiên tòa rút kinh nghiệm và được trực tiếp qua hệ thống hội nghị truyền hình của Ngành Kiểm sát nhân dân đến Viện kiểm sát cấp tỉnh, thành phố và Viện kiểm sát cấp huyện cùng tham dự trực tuyến. Theo cáo trạng cho biết, tháng 8 năm 2018, Lê Hồng Phong bỏ ra 400 triệu đồng sử dụng làm nguồn vốn cho vay. Phong rủ rê, lôi kéo thêm các đối tượng Nguyễn Đắc Hải Anh, Nguyễn Đức Giang, Võ Bá Đạt từ Hà Nội vào Thừa Thiên Huế; sau đó có thêm các đối tượng Đàm Quang Trung, Nguyễn Tiến Đại cùng tham gia. Phong tổ chức phân công cho từng thành viên trong nhóm hoạt động theo từng địa bàn và hàng tháng trả lương cho các đói tượng này từ 5 đến 10 triệu đồng, chi trả toàn bộ các khoản tiền ăn, ở, tiền thuê nhà, mua xe làm phương tiện đi lại, tiền phí xăng xe, tiền in ấn tờ rơi... cho cả nhóm, lợi nhuận còn lại Phong thu giữ hưởng lợi riêng. Khi cho vay chúng đều ghi nội dung mua điện thoại di động, mua xe máy thay vì viết giấy nợ; khi có người vay quá hạn trả nợ, thì sử dụng thủ đoạn gọi điện liên tục, nhắn tin đe dọa tạo áp lực... để người vay trả nợ hoặc vay lại lượt vay mới để dòi nợ khoản vay cũ. Tính từ 8/2018 đến ngày 24/8/2019, nhóm đã tiến hành cho 1.492 lượt người vay tiền; Tổng số tiền đã cho vay là 12.444.000.000 đồng và tiền thu lợi bất chính nộp Phong là 2.221.330.955 đồng. Năm 2020, đường dây cho vay nặng lãi bị cơ quan điều tra Công an tỉnh phát hiện và bắt giữ các đối tượng trong đường dây, khám xét khẩn cấp, đã thu giữ nhiều những đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của nhóm đối tượng này, riêng Lê Hồng Phong đã bỏ trốn. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra đã tiến hành trích, tổng hợp từ các sổ ghi chép việc thu, chi trong quá trình cho vay của các đối tượng, đủ căn cứ kết luận bị cáo Lê Hồng Phong đã chỉ đạo điều hành một tổ chức cho vay lãi nặng với biên độ lãi suất của tất cả các lượt vay đều từ 121,67% đến 304,17%/năm, vượt gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính với số tiền lớn. Ngày 09/11/2020 TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên tòa xét xử công khai và tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Đắc Hải Anh 02 năm 2 tháng tù, Nguyễn Đức Giang 1 năm 5 tháng tù, Võ Bá Đạt 1 năm 3 tháng tù, Đàm Quang Trung 14 tháng 14 ngày tù về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" tại Bản án hình sự sơ thẩm số 64/2020/HSST của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế. Riêng Lê Hồng Phong bỏ trốn bị truy nã đến 03/4/2021 thì bị bắt giữ, phục hồi điều tra và đưa ra xét xử.
Tại phiên tòa kiểm sát viên thực hành quyền công tố đã phân tích đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo, lợi dụng nhu cầu vay vốn khá lớn của nhiều người nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận được các nguồn vốn của Nhà nước hoặc của các tổ chức tín dụng khác, các bị cáo núp bóng tiệm cầm đồ, công ty tư vấn tài chính, với hình thức tiếp thị hấp dẫn như: cho vay không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, đơn giản, chỉ cần giấy phép lái xe hoặc chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu..., đã làm cho nhiều người dân rơi vào bẫy “tín dụng đen” với mức lãi suất cao, cùng nhiều ràng buộc bất lợi, các khoản phạt cao khi nộp lãi chậm.... làm nhiều người dân lâm vào cảnh tán gia, bại sản... đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, không những đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính Ngân hàng mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Sau khi nghị án Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Lê Hồng Phong 2 năm 6 tháng tù giam về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại khoản 2 Điều 201 BLHS, phạt bổ sung số tiền 50.000.000 đồng. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, tổ tư vấn đã tổ chức họp trực tuyến hai cấp để các đơn vị tham gia ý kiến, rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nói chung.