Tăng cường công tác kiểm sát thời hạn trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự

Thứ hai - 28/01/2019 13:57 3.902 0
Kiểm sát chặt chẽ các thủ tục tố tụng dân sự, hành chính bảo đảm thời hạn theo luật định, đồng thời thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thực chất, hiệu quả  sẽ góp phần nâng cao vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng Dân sự, tố tụng Hành chính.
Bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát án dân sự, hành hính cho kiểm sát viên hai cấp
Bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát án dân sự, hành hính cho kiểm sát viên hai cấp
Chỉ thị số 01/CT-VKSTC của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2019 đã chỉ rõ:
Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp phải tập trung chỉ đạo công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật…
Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa..yêu cầu kiểm sát chặt chẽ các thủ tục tố tụng dân sự, hành chính bảo đảm thời hạn theo luật định; kiên quyết thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm pháp luật; nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm ngang cấp.
Đối với công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động; một trong những nhiệm vụ trọng tâm toàn Ngành trong năm 2019 đó là “yêu cầu kiểm sát chặt chẽ các thủ tục tố tụng dân sự, hành chính bảo đảm thời hạn theo luật định”.    
Để giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính được tiến hành đúng thời hạn luật định thì mỗi hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đều phải được tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định, khoảng thời gian đó được gọi là thời hạn tố tụng. Thời hạn tố tụng là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hành vi tố tụng. Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đã bổ sung chế định rất mới:
Tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định “Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn do Bộ luật này quy định” và Điều 16 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn do Luật này quy định”
Trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính có nhiều loại thời hạn được quy định tại nhiều Điều luật theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đối với thủ tục giải quyết án sơ thẩm, thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các án dân sự trong nhiều năm đã xác định thực trạng các vi phạm về thời hạn tố tụng như sau:

1. Vi phạm thời hạn xem xét đơn khởi kiện, thời hạn thụ lý vụ án
Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện được quy định cụ thể tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong thực tế, phần lớn thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện của đương sự tại Tòa án cấp sơ thẩm không được thực hiện đúng thời hạn theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 191. Đã có trường hợp đương sự khiếu nại về việc Tòa án chậm thụ lý đơn khởi kiện ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

2. Vi phạm thời hạn Thông báo thụ lý vụ án
Điều 196 quy định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.
Trong thực tế vi phạm này cũng có xảy ra. Đối với các đương sự không thống kê được nhưng có vụ, việc Viện kiểm sát cùng cấp nhận được Thông báo thụ lý không đảm bảo thời hạn Luật định.

3. Vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử
Tại Điều 203 quy định cụ thể thời hạn xét xử đối với các loại án tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. Thời gian gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Thời hạn ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thời hạn mở phiên tòa.
Trong thực tế việc thực hiện quy định thời hạn chuẩn bị xét xử bị vi phạm khá phổ biến. Hầu như năm nào Viện kiểm sát cũng có kiến nghị Tòa án vi phạm thời hạn giải quyết án bị kéo dài, thời gian gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử quá hạn luật định, nhưng chậm được khắc phục.
Để khắc phục vi phạm này, nhiều năm trước đây, Tòa án thường ra quyết định tạm đình chỉ những vụ án hết thời hạn chuẩn bị xét xử hoặc ra quyết định gia hạn vào thời điểm kết thúc năm để tránh vi phạm quá hạn sau đó lại ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án để tính lại thời hạn mới. Qua công tác kiểm tra, phần lớn các vụ tranh chấp liên quan đến nhà đất như hợp đồng mua bán, thừa kế, thế chấp, ly hôn có tranh chấp nhà đất, Tòa đưa ra xét xử đều bị quá hạn nhiều tháng, thậm chí có vụ bị kéo dài nhiều năm.

4. Vi phạm thời hạn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận , thời hạn gửi quyết định cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 212 quy định Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành và Tòa án gửi quyết định cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Trong những năm trước đây  việc thực hiện thời hạn ra quyết định và thời hạn gửi quyết định vi phạm khá phổ biến, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã từng ban hành kiến nghị, kháng nghị. Vì vậy, những năm gần đây vi phạm này đã được Tòa án hai cấp khắc phục.

5. Vi phạm thời hạn gửi quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp; thời hạn ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án.
Việc Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án được quy định tại các Điều 214, 216, 217 Bộ luật Tố tụng dân sự. Các Điều luật này đều có quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định Tòa án phải gửi quyết định cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên phần lớn các quyết định này đều bị gửi chậm.

6. Vi phạm thời hạn gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên tòa.
Tại khoản 2 Điều 220 quy định: Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định. Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho VKS cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, VKS phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án.  Thực tế, ở một số đơn vị Tòa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp nghiên cứu không đủ 15 ngày. Có trường hợp đã chuyển hồ sơ nhưng chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử, có vụ đã ra quyết định nhưng chưa chuyển hồ sơ.

7. Vi phạm thời hạn hoãn phiên tòa
Điều 220 quy định thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định. Trong nội dung của quyết định hoãn phiên tòa phải có thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa. Thực tiễn xét xử những vụ án phải hoãn phiên tòa có nhiều vụ trong phần quyết định không ấn định thời gian mở lại phiên tòa. Khi mở lại phiên tòa thường quá 01 tháng, có vụ bị hoãn nhiều tháng.

8. Vi phạm thời hạn cấp trích lục bản án; giao, gửi bản án
Điều 269 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự được Tòa án cấp trích lục bản án. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Việc cấp trích lục bản án cho đương sự hầu như chưa được thực hiện. Việc Tòa án gửi bản án cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp thường quá 10 ngày, thậm chí đến ngày gần hết thời hạn kháng cáo của đương sự và kháng nghị của VKS cùng cấp. Có những vụ án Viện kiểm sát cùng cấp khi nhận được bản án thì không còn thời gian để kháng nghị nên phải chuyển cho Viện kiểm cấp trên xem xét kháng nghị trên một cấp theo thủ tục phúc thẩm.
Trong những năm qua, công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc Dân sự, vụ án Hành chính chỉ chú trọng kiểm sát về thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 130 Luật Tố tụng hành chính. Viện kiểm sát nhân dân cấp sơ thẩm chỉ tập trung kiến nghị những vụ án vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử; chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm sát thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 121 Luật Tố tụng hành chính. Những vi phạm này khá phổ biến, đặc biệt là việc nhận đơn khởi kiện để thụ lý vụ án thường bị kéo dài.

Trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân cấp sơ thẩm cần chú trọng, tăng cường kiểm sát tất cả những quy định về thời hạn tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính bằng một số giải pháp sau đây:

1. Kiểm sát vụ án ngay từ khi Tòa thông báo thụ lý. Khi nhận văn bản  Thông báo thụ lý vụ án, Kiểm sát viên cần lưu ý nội dung, những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Nói cách khác là phải xác định ngay từ đầu quan hệ tranh chấp đơn giản hay phức tạp để chủ động theo dõi quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng. Đối với những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tính chất và mức độ tranh chấp không phức tạp, Tòa không đưa ra xét xử thì cần chú trọng kiểm sát thời hạn Tòa án ra quyết định, thời hạn gửi quyết định cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Chú trọng những vụ án Tòa đưa ra xét xử, phần lớn là những vụ tranh chấp liên quan đến nhà, đất. Đây là những vụ có quan hệ tranh chấp phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành Luật điều chỉnh, nhiều đương sự tham gia tố tụng. Kiểm sát viên phải chủ động theo dõi thời hạn tố tụng, không để vụ án bị kéo dài. Nếu phát hiện vụ nào để quá thời hạn thì kiến nghị kịp thời để Tòa khắc phục ngay.

3. Thông qua công tác kiểm sát hồ sơ để tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên cần chú ý ngày tháng nguyên đơn khởi kiện; thời gian, thủ tục Tòa án nhận và xử lý đơn khởi kiện. Việc yêu cầu, sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện. Việc thụ lý và Thông báo thụ lý vụ án; việc phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn gia hạn, thời hạn hoãn phiên tòa, thời hạn mở lại phiên tòa.

4. Khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu việc tuân theo pháp luật tố tụng. Nội dung phát biểu việc tuân theo pháp luật trong thời gian chuẩn bị xét xử phải theo đúng, đầy đủ quy định tại quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành mẫu văn bản tố tụng.
Theo hướng dẫn sử dụng mẫu số 24/DS văn bản phát biểu của Kiểm sát viên phải ghi: Trình tự thụ lý, việc giao nhận thông báo thụ lý cho VKS và cho đương sự có đúng quy định tại Điều 195, 196, Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự hay không ? Kiểm sát viên phát biểu nội dung vi phạm, đánh giá tác động của vi phạm đó đối với việc xét xử vụ án. Trên cơ sở nhận xét việc tuân theo pháp luật tố tụng, nếu thấy cần thiết thì Kiểm sát viên có yêu cầu, kiến nghị với Hội đồng xét xử để có hướng khắc phục.
Trong thực tế bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự chưa chú trọng phát hiện vi phạm thời hạn thụ lý vụ án; vi phạm thời hạn Thông báo thụ lý và vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử (Điều 195, Điều 196, Điều 203). Đây là những yêu cầu bắt buộc phải được thể hiện khi kiểm sát viên phát biểu tại phiên tòa nhằm góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án .

5. Đối với các vụ án Tòa ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, công nhận sự thỏa thuận cũng cần lưu ý thời hạn xử lý đơn khởi kiện và thụ lý vụ án, thời hạn ra quyết định và gửi quyết định có vi phạm không. Nếu phát hiện vi phạm cần tổng hợp từng tháng, từng quý để báo cáo đề xuất Lãnh đạo ban hành kiến nghị hoặc đề xuất kháng nghị nếu vi phạm nghiêm trọng.

Tin, ảnh: Lê Phước Ngưỡng - Phòng 9 VKSND tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây