Nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm án dân sự, hành chính

Thứ sáu - 29/03/2019 10:46 5.601 0
Chỉ thị số 01/CT-VKSTC của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2019 đã yêu cầu: “Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, nhất là phiên tòa xét xử các vụ án tranh chấp về đất đai, khiếu kiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư”.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Ban cán sự, Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu tại Lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát án dân sự, hành chính
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Ban cán sự, Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu tại Lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát án dân sự, hành chính
Điều 262, Điều 306 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 190, Điều 240 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định khi tham gia phiên tòa sơ thẩm Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng, và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Văn bản phát biểu ý kiến được gửi ngay sau khi kết thúc phiên tòa để lưu vào hồ sơ vụ án.

Theo Báo cáo sơ kết 4 năm tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 01/3/2018 đánh giá: “ Một số bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm còn đơn giản khi nhận định việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đề nghị đường lối giải quyết vụ án còn chung chung, chưa rõ ràng…, chưa phù hợp với quy định tại Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao; Điều 190 Luật TTHC, Điều 27 khoản 1 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao”.
Báo cáo tổng kết công tác của ngành năm 2018 đã nêu: “ Chất lượng bài phát biểu tại các phiên tòa, phiên họp dân sự, hành chính của nhiều Kiểm sát viên chưa đạt yêu cầu, nhất là phiên tòa xét xử các vụ án dân sự, hành chính liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường dự án.”

Theo qui định của Luật tố tụng, phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử án dân sự, hành chính là một văn bản tố tụng được lưu trong hồ sơ vụ án. Nội dung văn bản phát biểu ý kiến tại phiên tòa sơ thẩm được hướng dẫn cụ thể tại mẫu số 19/HC đối với án hành chính, mẫu số 24/DS đối với án dân sự ban hành theo quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành mẫu văn bản tố tụng.
Theo văn bản mẫu số 19/HC và số 24/DS nội dung phát biểu của Kiểm sát viên phải được thực hiện như sau:

* Đối với án hành chính sơ thẩm:
Mẫu số 19/HC hướng dẫn:
1. Về tuân theo pháp luật tố tụng của Tòa án:
a. Về tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán: Nêu rõ việc tuân theo pháp luật về thụ lý vụ án hành chính; việc xác minh thu thập chứng cứ; việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; tạm đình chỉ; việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự được quy định tại Điều 20; Điều 38; Điều 125; Điều 126; từ Điều 130 đến Điều 143; từ Điều 145 đến Điều 147 Luật tố tụng hành chính.
b. Về tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử tại phiên tòa: Nêu rõ những vi phạm pháp luật của Hội thẩm nhân dân thông qua các hoạt động tố tụng tại phiên toà được quy định tại Điều 148 đến Điều 189 Luật tố tụng hành chính.
c. Về  tuân theo pháp luật tố tụng của Thư ký phiên tòa:
Nêu rõ vi phạm của Thư ký phiên tòa không chấp hành theo quy định tại Điều 41, 167, 169 Luật tố tụng hành chính.
Đánh giá tóm tắt  quá trình thụ lý, giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử có những vi phạm gì nghiêm trọng, cụ thể: Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm thì việc thụ lý; việc xác minh, thu thập chứng cứ; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, tổ chức đối thoại; việc tạm đình chỉ; việc tống đạt các quyết định, văn bản tố tụng, việc chuyển hồ sơ,... của Thẩm phán được phân công thụ lý, giải quyết vụ án cũng như việc xét xử của Hội đồng xét xử tại phiên tòa có những vi phạm nghiêm trọng gì? Hậu quả của những vi phạm đó?
(Nếu không phát hiện vi phạm phải nêu rõ là qua công tác kiểm sát không phát hiện vi phạm ).
2. Về tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng:
Trong quá trình kiểm sát nếu phát hiện những vi phạm pháp luật của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và những người tham gia tố tụng khác thì Kiểm sát viên đối chiếu với các quy định trong Luật tố tụng hành chính để phát biểu, cụ thể:
a. Đối với người khởi kiện: Đối chiếu với các quy định tại: Điều 9, Điều 10, Điều 55, Điều 56, Điều 78, Điều 83, Điều 115 đến 119, Điều 153, Điều 157
b. Đối với người bị kiện: Đối chiếu với các quy định tại: Điều 9, Điều 10, Điều 55, Điều 57, Điều 83, Điều 93, Điều 153, Điều 157, Điều 128 .
c. Đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Đối chiếu với các  quy định  tại: Điều 55, Điều 58, Điều 128, Điều 129, Điều 153, Điều 157 .
d. Đối  với  những người tham gia tố tụng khác: Đối chiếu với các  quy định  từ Điều 61 đến Điều 64, Điều 153, Điều 159 đến Điều 161.
Đánh giá tóm tắt việc tuân theo pháp luật tố tụng của những người tham gia tố tụng hành chính từ khi thụ lý vụ án đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án có những vi phạm gì?
(Nếu không phát hiện vi phạm gì cũng phải nêu rõ là qua công tác kiểm sát không phát hiện vi phạm gì).

* Đối với án dân sự sơ thẩm
Mẫu số 24/DS hướng dẫn :
1. Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Hội đồng xét xử vụ án, Thư ký phiên tòa
 * Việc tuân theo pháp luật trong thời gian chuẩn bị xét xử:
- Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án hoặc Thẩm tra viên giúp việc cho Thẩm phán đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định tại tại các Điều từ 26 đến Điều 40 ? Việc xác định tư cách tham gia tố tụng có đúng quy định tại Điều 68  Việc xác minh, thu thập chứng cứ, giao nhận chứng cứ có đúng quy định tại các điều từ 93 đến 97 ? Trình tự thụ lý, việc giao nhận thông báo thụ lý cho VKS và cho đương sự có đúng quy định tại Điều 195, 196 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự
- Nếu Thẩm phán hoặc Thẩm tra viên giúp việc cho Thẩm phán không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ một trong những quy định tại trên thì Kiểm sát viên phát biểu về nội dung vi phạm, đánh giá tác động của vi phạm đó đối với việc xét xử vụ án.
* Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký tại phiên tòa:
- Nếu Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đúng quy định tại các Điều 239 đến Điều 243, Điều 246, 247, Điều 249 đến Điều 260, Điều 263 Bộ luật tố tụng dân sự, thì Kiểm sát viên phát biểu “Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự  về việc xét xử sơ thẩm vụ án”;  
- Nếu phát hiện vi phạm, thì tùy theo mức độ, hậu quả của vi phạm, Kiểm sát viên phát biểu về việc Hội đồng xét xử, Thư ký không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của một hoặc một số điều luật nêu trên.
2. Việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng
- Căn cứ quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng dân sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; những người tham gia tố tụng khác) nếu tất cả những chủ thể này đều thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ tố tụng của họ thì chỉ cần nêu “người tham gia tố tụng đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng” của họ theo quy định của pháp luật.
- Nếu có người hoặc một số người tham gia tố tụng vi phạm quyền, nghĩa vụ tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giải quyết vụ án, thì Kiểm sát viên phải phát biểu về tư cách tố tụng của từng người, nội dung vi phạm, quy định ở điều luật nào; ảnh hưởng ra sao đến việc giải quyết vụ án và yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục hậu quả.

Tại Thừa Thiên Huế thông qua công tác kiểm sát án theo thủ tục phúc thẩm, cũng như công tác kiểm tra nghiệp vụ cuối năm cho thấy phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm xét xử án dân sự, hành chính lưu trong hồ sơ vụ án phần lớn chưa thực hiện đầy đủ theo mẫu số 19/HC và số 24/DS. Nội dung phát biểu chưa chú trọng phát hiện vi phạm thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện, thời hạn thụ lý vụ án, thời hạn thông báo thụ lý, thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại các Điều 191 đến Điều 196, Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đối với án hành chính cũng chưa chú ý những vi phạm quy định về việc tiến hành đối thoại tại Điều 20; vi phạm thời hạn được quy định tại các Điều 121 đến 127, Điều 130 Luật Tố tụng hành chính.

Từ thực tiễn trên đây, việc nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa là hết sức cấp thiết. Để đáp ứng yêu cầu này, Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa sơ thẩm cần phát huy vai trò, trách nhiệm, phải thực hiện đầy đủ, toàn diện những nội dung theo văn bản mẫu số 19/HC, mẫu số 24/DS của Viện kiểm sát nhân tối cao. Mặt khác, Viện kiểm sát cấp trên cần theo dõi, đánh giá chất lượng bản phát biểu của Kiểm sát viên trong từng vụ án, từng đơn vị để hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-VKSTC của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch công tác năm 2019 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tin, ảnh: Lê Phước Ngưỡng - Phòng 9 VKSND tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây