Áp dụng tương tự pháp luật (Điều 6)
Khoản 2 Điều 6 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.
Cho đến nay, chúng ta mới khái niệm được Pháp luật là gì? Đạo đức là gì? Tập quán là gì?...Chưa ai khái niệm được như thế nào là “lẽ công bằng”. Có người cho rằng, lẽ công bằng là giá trị tư tưởng, giá trị đạo đức, là những gì phù hợp với đời sống xã hội,với con người trong quan hệ dân sự. Có người lại bảo, đó là lẽ phải, là sự minh bạch, bình đẳng trong đời sống xã hội, nó phù hợp với luân lý, đạo đức… nhưng chưa được pháp luật quy định, tập quán công nhận…
Tất cả những quan điểm trên chỉ là mang tính cá nhân, không phải là một khái niệm, định nghĩa khoa học được xã hội thừa nhận. Vì thế, xử theo “lẽ công bằng” sẽ dẫn đến sự tùy tiện áp dụng pháp luật của Thẩm phán. Các vụ, việc dân sự sẽ được xử lý theo nhận thức của mỗi người. Nếu như tập quán hay án lệ đã có những quy tắc, khuôn phép, cách thức áp dụng trong thực tiễn, giúp cho Thẩm phán căn cứ vào đó để áp dụng, còn “lẽ công bằng” thì nó vừa mơ hồ, vừa không thực tế. Cùng một sự việc, ở vùng này, dân tộc này, nhóm người này, chế độ này…cho đó là công bằng, nhưng ở chỗ khác lại coi đó là không công bằng, dẫn đến việc Thẩm phán giải quyết vụ, việc theo nhận thức cá nhân, không thống nhất và không thuyết phục.
Liên quan đến vấn đề này, khi Quốc hội thảo luận nhiều đại biểu không đồng ý đưa quy định áp dụng “lẽ công bằng” vào luật. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, cũng như tập quán, án lệ, cứ quy định áp dụng “lẽ công bằng” vào luật rồi chúng ta rút kinh nghiệm dần. Chính vì thế, mới vất vả cho các cơ quan thực thi pháp luật.
Nay, Bộ luật Dân sự đã công nhận áp dụng “lẽ công bằng”. Có nghĩa là mọi người phải nghiêm chỉnh thực hiện theo luật. Tuy nhiên, để áp dụng tốt nội dung này, theo chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần phải đưa ra được khái niệm, hướng dẫn cụ thể như thế nào là “lẽ công bằng” để các cơ quan thực thi pháp luật và nhân dân lấy đó làm căn cứ khi giải quyết các quan hệ dân sự.
Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền (Điều 14)
Tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng”.
Theo quy định trên, thì bất cứ yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự nào của cá nhân, tổ chức Tòa án phải thụ lý để giải quyết. Nếu các vụ, việc đó chưa có điều luật để áp dụng thì Tòa án dựa và các quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết vụ, việc.
Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nhằm giảm bớt tình trạng khiếu kiện kéo dài. Tuy nhiên, với điều kiện nước ta hiện nay thì việc áp dụng vào thực tiễn không phải là đơn giản, có khi hiệu quả lại không cao. Bởi, trong thực tế hiện nay, Tòa án căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết các vụ, việc dân sự nhưng chất lượng vẫn chưa tốt. Điều này được thể hiện ở các vụ, việc dân sự sau khi được giải quyết còn bị cải, sửa và hủy nhiều. Có vụ xét xử thông qua nhiều cấp, kéo dài nhiều năm nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm. Nay, quy định căn cứ vào áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết tất cả các vụ, việc thì có lẽ án cải, sửa và hủy còn nhiều hơn nữa. Chưa nói đến việc áp dụng “lẽ công bằng” như đã phân tích ở trên, có những vụ, việc giải quyết không chỉ kéo dài, mà còn giải quyết không được.
Để khắc phục tình trạng này, theo chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện cụ thể. Đồng thời, tập huấn cho cán bộ làm công tác pháp luật, giảng viên giảng dạy pháp luật, để họ nắm chắc các quy định phục vụ công tác chuyên môn và giảng dạy.
Quan điểm của chúng tôi là, cần phải xây dựng một lộ trình chi tiết và khoa học để thực hiện quy định này. Chẳng hạn như loại vụ, việc nào cần thực hiện ngay sau khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực, loại vụ, việc nào cần có thêm thời gian tham khảo, đúc rút kinh nghiệm rồi mới thực hiện. Có như vậy mới tránh được sự tồn đọng trong giải quyết các vụ, việc dân sự.