Tìm hiểu qui định về thời hiệu trong Bộ luật dân sự năm 2015

Thứ năm - 24/11/2016 16:11 5.639 0
Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. So với Bộ luật dân sự 1995 và 2005, Bộ luật dân sự 2015 được sửa đổi, bổ sung nhiều Điều luật. Đối với quy định về thời hiệu vẫn giữ nguyên tên gọi và số lượng của 09 điều luật nhưng có sửa đổi, bổ sung nội dung một số điều.
Phiên tòa dân sự tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc
Phiên tòa dân sự tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc
Trong đó đáng chú ý là các Điều 149 Thời hiệu, Điều 154 Bắt đầu thời hiệu khởi kiện, Điều 155 Không áp dụng thời hiệu, Điều 156 Thời gian không tính vào thời hiệu, Điều 157 Bắt đầu lại thời hiệu. Bài viết này tìm hiểu những những nội dung mới của Điều 149, điều luật đầu tiên về chế định thời hiệu.

1. Về khái niệm thời hiệu và việc áp dụng thời hiệu tại Điều 149.
Bộ luật dân sự 1995 và sau đó 2005 đều quy định khái niệm thời hiệu và nội dung của điều luật tương tự nhau. Cụ thể theo Điều 163 BLDS 1995; Điều 154 BLDS năm 2005 quy định: “Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự”.
Tại Điều 149, Bộ luật dân sự 2015 giữ nguyên thuật ngữ thời hiệu là thời hạn nhưng có thay đổi cách diễn đạt và bổ sung khoản 2.
Khoản 1 Điều 149 quy định: “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo những điều kiện do luật quy định”.
Nội dung Điều 154 theo hướng liệt kê các loại thời hiệu, đó là chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hay mất quyền khởi kiện, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự. Thay cho việc liệt kê các loại thời hiệu, khoản 1 Điều 149 diễn đạt khái quát hơn đó là khi kết thúc thời hiệu thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo những điều kiện do luật quy định”. Việc liệt kê các loại thời hiệu được quy định cụ thể tại điều kế tiếp (Điều 150).
 Mặt khác có sự thay đổi nguồn gốc của thời hạn, cụ thể từ “thời hạn do pháp luật” Điều 163 BLDS 1995; Điều 154 BLDS 2005 thành “thời hạn do luật” Điều 149 BLDS 2015. Sự thay đổi này là cần thiết vì thời hiệu là một trong những chế định luôn có mặt trong các ngành luật dân sự, hình sự, hành chính, lao động, kinh doanh…nên thời hiệu chỉ có thể do “luật” quy định chứ không phải là “pháp luật”.  
Tại khoản 2 Điều 149 quy định: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng về thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc…”.
Quy định này hoàn toàn mới nhằm hạn chế sự can thiệp của cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án); đồng thời ra điều kiện đối với người tham gia tố tụng (một bên hoặc các bên) trong việc áp dụng thời hiệu.
Quy định này không cho phép Tòa án tự viện dẫn các quy định về thời hiệu trong quá trình giải quyết vụ án, mà: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng về thời hiệu của một bên hoặc các bên…”. Đồng thời chỉ cho phép “một bên hoặc các bên” viện dẫn quy định về thời hiệu ở giai đoạn tố tụng sơ thẩm: “Với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”.
Quy định này đã chỉ rõ vấn đề thời hiệu cần được yêu cầu giải quyết tại cấp sơ thẩm; nếu tại cấp sơ thẩm mà vấn đề thời hiệu chưa được đặt ra thì tại cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm không được đặt ra nữa. Nói cách khác yêu cầu áp dụng thời hiệu của các bên đương sự chỉ được đưa ra giải quyết ở cấp sơ thẩm; sau khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết bằng bản án, quyết định nếu có yêu cầu áp dụng thời hiệu thì không được chấp nhận. Điều này loại trừ trường hợp đương sự không đề cập đến việc hết thời hiệu nhưng cơ quan tiến hành tố tụng tự viện dẫn về thời hiệu để từ chối việc thụ lý, giải quyết hoặc để hủy bản án, quyết định giải quyết trước đó.
 Trong thực tiễn xét xử đã có vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết. Tại tòa án cấp sơ thẩm, các bên đương sự không đề cập đến việc áp dụng thời hiệu nên Tòa không áp dụng thời hiệu; đương sự không kháng cáo. Nhưng sau đó, bị đơn khiếu nại, yêu cầu người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm xem xét áp dụng thời hiệu. Kết quả cấp giám đốc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm vì lý do đã hết thời hiệu khởi kiện.

2. Về phạm vi áp dụng Điều 149
 Việc quy định thời hiệu tại Điều 149 Bộ luật dân sự 2015 được dẫn chiếu tại Điều 184, Điều 185 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
 Điều 184: “1.Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự. 2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng về thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết ...”.
Điều 185: “Các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự”.
Cách dẫn chiếu này đã tạo sự tương thích, thống nhất về các loại thời hiệu và cách tính thời hiệu giữa hai bộ luật DS và TTDS. Khắc phục sự mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất giữa Điều 159 điểm b khoản 3 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 và Điều 159 khoản 1 Bộ luật dân sự 2005.
Đối với Luật tố tụng hành chính 2015 chế định thời hiệu được quy định đối với từng trường hợp được liệt kê cụ thể tại khoản 2,3,4 Điều 116. Tuy nhiên tại khoản 5 cũng dẫn chiếu Bộ luật dân sự: “Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính”.
Khác với Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính chỉ áp dụng về cách xác định thời hiệu của Bộ luật dân sự, không dẫn chiếu tất cả các quy định về thời hiệu của Bộ luật dân sự.

Như vậy so với hai Bộ luật dân sự được ban hành 1995, 2005; BLDS 2015 đã sửa đổi bổ sung điều luật đầu tiên của chế định về thời hiệu. Cụ thể là quy định mới về điều kiện áp dụng thời hiệu đối với “ Tòa án” là cơ quan tiến hành tố tụng và “một bên hoặc các bên” là người tham gia tố tụng.

Vấn đề đặt ra ở đây là trong quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, VKSND có được thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm đối với những bản án có vi phạm về việc không áp dụng thời hiệu hay không ? Vì Điều 149 chỉ quy định đối với cơ quan Tòa án. Thực tiễn sẽ phát sinh vướng mắc khi thực hiện Điều luật này khi thi hành Bộ luật dân sự 2015.

 

Tin, ảnh: Lê Phước Ngưỡng - VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây