Bác A Viện trưởng

Thứ ba - 07/07/2015 14:38 5.222 0
Tên thật của ông là Trần Văn A, nhưng mọi người thường gọi ông là bác A Viện trưởng. Hiện nay, ông đã nghỉ hưu, nhưng mọi người vẫn gọi ông với cái tên thân thương như vậy.
Đồng chí Nguyễn Văn A (người đứng giữa) nhận cờ thi đua của Viện KSND tối cao tặng tập thể dẫn đầu phong trào thi đua khối năm 2008. (một năm trước thời điểm nghỉ hưu)
Đồng chí Nguyễn Văn A (người đứng giữa) nhận cờ thi đua của Viện KSND tối cao tặng tập thể dẫn đầu phong trào thi đua khối năm 2008. (một năm trước thời điểm nghỉ hưu)
Là người làm cùng ngành Kiểm sát với ông, nhiều lúc tôi suy nghĩ: "Tại sao lại gọi bác A Viện trưởng, mà không gọi "ông" hay "anh"? Ý nghĩa của nó khác nhau ở chỗ nào?

Để tìm hiểu thêm về ông, nhân một hôm về công tác tại Viện kiểm sát huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi đề nghị anh Quỳnh Viện trưởng hẹn trưa đó sẽ về nhà thăm ông. Sở dĩ chúng tôi phải báo trước, là vì sợ ông bận công việc ở địa phương, nên hay đi làm bất thường.

Nhà ông cách Viện kiểm sát huyện khoảng 4 cây số. Đúng 11 giờ, anh Quỳnh cùng chúng tôi lên  xe  về nhà ông. Xe chạy trên đường Quốc lộ 1A một đoạn rồi rẽ phải, chạy thêm vài cây số nữa thì dừng lại. Anh Quỳnh bảo chúng tôi xuống xe rồi chỉ tay qua một cánh đồng nói: "Nhà bác A bên kia kìa, nhưng do đường từ đây vào là ruộng, hẹp không đi xe ô tô được nên chúng ta phải đi bộ thôi".

- Đi bộ càng tốt. Vừa có điều kiện rèn luyện đôi chân, lại được ngắm cảnh làng quê xinh đẹp - Tôi đùa lại. Mọi người cười rồi đi theo anh Quỳnh.

Chúng tôi tập tễnh bước trên con đường rộng khoảng hai mét, chỗ cao chỗ thấp, chỗ đất, chỗ đá...hai bên là ruộng. Bỗng có người chỉ tay về phía trái và kêu lên: "Ôi cò nhiều ơi là nhiều kìa". Ai đó nói chen vào: "Đất lành cò đậu mà". Nghe vậy, mọi người cười nức nở.

Tôi hỏi anh Quỳnh: "Bác A là cán bộ lâu năm, tại sao không xin huyện cấp cho lô đất gần đường Quốc lộ 1A như một số người khác mà ở, lại về dưới này?". Anh Quỳnh đưa mắt về phía tôi cười bảo: "Huyện có chủ trương cấp cho bác, nhưng bác ấy lại muốn ở dưới đây, nên không xin".

Vừa đi vừa nói chuyện cảm thấy đường như ngắn lại. Trong lúc tôi đang mãi nhìn về những mái nhà xa xa bên phải, thì anh Quỳnh chỉ tay về bên trái nói: "Nhà bác A kia rồi".

Theo chỉ dẫn của anh, cách khoảng 50 mét, tôi nhìn thấy xen lẫn dưới những cây xanh có một căn nhà, tôi đoán đó là nhà của ông. Khi rẽ vào nhà ông, ai cũng khen ngõ nhà ông dài và ao cá, cau, chuối, tre nhiều thật. Đúng vậy, ngõ vào nhà ông dài như đường xóm, đi mỏi cả chân. Vào đến cổng, chúng tôi đã thấy hai ông bà đang đứng ở sân. Vừa thấy chúng tôi, ông chạy ra đón và bảo: "Nghe các anh trên tỉnh về nên chờ từ sớm đến giờ".

- Ông ấy đi lui đi tới lúc giờ chờ các anh đó - Vợ ông tiếp lời.

- Tỉnh, huyện chi bác, lâu ngày bọn em ghé thăm hai bác và gia đình thôi- Tôi bối rối đáp lại.

Thực tình mà nói, nhà ông sạch và mát thật. Phía trước là ruộng, xung quanh ao cá, cây cối xanh tốt, nhìn quanh một lát tôi hỏi vợ ông:

- Ở đây hàng năm có lụt bão gì không bác?

- Lụt bão năm nào chẳng có chú. Đợt nào lụt lớn, nước ngập mênh mông cả, không có đường vào nhà nữa chú ạ!

Ông bà mời chúng tôi ở lại chơi và dùng cơm với gia đình, nhưng chúng tôi xin phép bà cho ông đi ăn trưa cùng chúng  tôi, để anh em lâu ngày có cơ hội "hàn huyên" với nhau. Lúc đầu ông từ chối. Anh Quỳnh phải đưa ra nhiều lý do thuyết phục, sau đó ông mới nhận lời. Đưa chúng tôi ra ngõ, vợ ông đùa: "Các anh nhớ đưa ông đi, phải đem ông về đấy nhé".

- Không ai bắt mất lão già này của bà đâu - Ông cười nhìn về phía bà trêu lại.

Hôm đó, anh Quỳnh mời chúng tôi lên thác Thủy Điện ăn trưa. Tôi ngồi cạnh ông, qua những lời đề nghị của tôi, sau khi cười sảng khoái, ông tâm sự:
Ông sinh năm 1950, tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Một trong những xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" sớm nhất của tỉnh. Hồi còn nhỏ, chứng kiến cảnh Mỹ - Ngụy đàn áp, chém, giết đồng bào ta, ông vô cùng căm thù và mong muốn được tham gia đánh giặc. Năm 1968, ông xung phong vào bộ đội, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên. Do lòng yêu nước, căm thù giặc sâu dắc, gan dạ, mưu trí, dũng cảm nên ông đã cùng đơn vị đánh nhiều trận lập công lớn, tiêu diệt hàng trăm tên địch, làm cho bọn Mỹ - Ngụy lúc đó nghe đến tên đơn vị ông là khiếp sợ. Do có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, nên đúng vào dịp ngày sinh lần thứ 81 của Bác Hồ (19/05/1971), ông vinh dự được kết nạp vào Đảng  Cộng sản Việt Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/04/1975), ông chuyển ngành về làm việc tại huyện Ủy huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian này ông đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện Ủy. Năm 1986, ông được tổ chức điều qua làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc cho đến ngày nghỉ hưu năm 2009.

Hiện tại, ông vẫn đảm nhiệm một số công việc do chính quyền địa phương giao như: Công tác Đảng của chi bộ, tổ dân phố...ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và được bà con quí trọng. Tổ dân phố và gia đình ông nhiều năm liền được công nhận là Tổ dân phố và gia đình văn hóa tiêu biểu.

Tôi được biết, trong thời gian ông làm việc tại Viện kiểm sát huyện, ngoài lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, nhiệm vụ chính trị của địa phương, ông còn chú trọng xây dựng cơ quan ngày càng trong sạch, vững mạnh và giúp đỡ, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ mới vào Ngành trưởng thành. Bởi thế, cơ quan ông nhiều năm được Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khen thưởng. Bản thân ông được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba.

Qua lời kể của ông, nhìn ông với nước da đen, vóc dáng, thái độ cởi mở, chân chất như một người nông dân, người lính và sự thận trọng, khiêm tốn của người cán bộ Kiểm sát'; tôi liên tưởng đến thời ông còn là Viện trưởng, có lẽ trong công việc ông luôn thận trọng, khiêm tốn; trong sinh hoạt ông luôn chân thành, cởi mở,  gần gủi với mọi người. Vì thế, mà họ hay gọi ông với cái tên thân thương là bác A. Và cũng vì ông làm Viện trưởng lâu năm, nên mọi người gọi luôn là bác A Viện trưởng.

Lúc chia tay, tôi hỏi ông: "Sắp tới kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, bác có tâm sự gì với mọi người không". Ông cười đáp lại: "Tôi chỉ mong sao mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành ta, luôn thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tôi cười, gật đầu thầm hứa với ông rằng: Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ luôn noi gương các thế hệ cha anh đi trước, không những thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy, mà còn xây dựng ngành Kiểm sát ngày càng “Vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, tinh thông về pháp luật; công tâm và bản lĩnh” để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa!
 

Tin, ảnh: Lê Đức Khanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây