Đầu tiên Bác viết báo bằng tiếng Pháp cho những tờ “Đời sống thợ thuyền”, “Nhân loại” và những tờ báo cánh tả khác ở Pháp. Trong khi cộng tác với các báo cánh tả, Bác nhận thấy là người Pháp biết quá ít, cũng có thể nói là nhiều người chẳng biết gì về Việt Nam. Bác muốn viết nhiều những bài báo nói về tình hình của xứ Đông Dương thuộc địa, về bọn thực dân tàn ác đã mang đến cho người dân Đông Dương nhiều đau khổ. Mỗi bài báo của Bác như mũi tên, hòn đạn làm náo động dư luận Pháp và có ảnh hưởng lớn trong các nước thuộc địa.
Đối với các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là một người bạn lớn. Những nhà báo quốc tế khi đến Việt Nam đều mong muốn được gặp Người.
Trong chiến khu Việt Bắc, trước ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà báo Ô-xtrây-li-a Uyn-phrết Bớc-sét đã gặp Bác Hồ. Ông viết: “Dường như không thể tin được, nhưng thực sự chẳng có gì đáng nghi ngờ. Con người mảnh khảnh với chòm râu dài từ trong cánh rừng bước ra, gậy cầm tay, áo vắt vai, không phải ai khác mà chính là Cụ Hồ Chí Minh truyền thuyết. Được người Pháp đưa tin đã chết đến vài chục lần. Cụ vẫn ở đó tay dang rộng, mảnh dẻ, nhưng không thể nào nhầm được. Không thể nào quên được buổi gặp gỡ đầu tiên đó, với vẻ ấm cúng và thông minh trong đôi mắt nâu thẫm của Người. Đầu tiên, Cụ Hồ Chí Minh ân cần hỏi thăm về sức khoẻ của tôi.
Trên đường đến Việt Nam, tôi nghe đài sóng ngắn và thấy rằng phần nhiều tin từ Hà Nội bị Pháp chiếm đóng, đều nói về một địa điểm gọi là Điện Biên Phủ. Người Pháp đã chiếm được địa điểm này, làm một căn cứ để tấn công Việt Minh từ phía sau và để quét sạch các sở chỉ huy của họ. Câu hỏi đầu tiên của tôi là điều gì đang xảy ra ở Điện Biên Phủ?
Cụ Hồ lật ngửa chiếc mũ lưỡi trai che nắng của Người xuống bàn, đưa mấy ngón tay mảnh khảnh vòng quanh vành mũ và nói: “Đây là rừng núi, nơi có các lực lượng của chúng tôi. Dưới kia là thung lũng Điện Biên Phủ, ở đó là người Pháp với những đội quân tinh nhuệ nhất. Họ sẽ không bao giờ ra được - tuy có thể mất một ít thời gian”.
- Một Xta-lin-grát ở Đông Dương?
- Trên một phạm vi khiêm tốn, vâng, hơi giống Xta-lin-grát!”(1).
Và sau vài lần gặp gỡ, Bớc-sét viết: “Như tôi đã phát hiện trong nhiều cuộc gặp về sau, nét điển hình ở Cụ Hồ Chí Minh là chỉ với một vài từ, hoặc một vài hình ảnh, Cụ có thể trình bày được những vấn đề rất phức tạp! Hình ảnh những quân tinh nhuệ nhất của đội quân viễn chinh Pháp bị nhốt vào đáy mũ lưỡi trai của Cụ, sẽ là một cuộc chiến đấu lịch sử Điện Biên Phủ khi lên đến đỉnh cao”(2).
Chúng ta biết, Uyn-phrết Bớc-sét là một nhà báo nổi tiếng. Ông đã đem hết nhiệt tình của một nhà báo để ủng hộ những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Bớc-sét là nhà báo nước ngoài đã có mặt ở Hà Nội trong những ngày giải phóng Thủ đô 1954. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “Phía bắc vĩ tuyến 17” được xuất bản ở nhiều nước. Trên bìa cuốn sách được in bằng tiếng Anh này, Bớc-sét đã ghi: “Tác giả bày tỏ niềm tin rằng không có sức mạnh nào có thể ngăn cản được nhân dân Việt Nam bắt tay với nhau qua hàng rào giả tạo đó để quét sạch nó!”.
Trong cuốn Hồi ký của mình, Bớc-sét viết: “Tôi đến Hải Phòng để theo dõi việc lá cờ Pháp bị hạ xuống lần đầu tiên ở phía Bắc vĩ tuyến 17 và việc các quan chức quân sự và hành chính cuối cùng xuống tầu chiến đi Sài Gòn. Vét-xa đánh dấu sự kiện lịch sử này, bằng việc cho Gioóc-giơ chào đời ở một bệnh viện Hà Nội”(3) (Vét-xa là vợ của Bớc-sét, cùng đến Việt Nam trong thời gian đó và sinh con trai ở Hà Nội).
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh cùng vợ chồng nhà báo Wilfred Burchett, Hà Nội năm 1966.
Năm 1957, Bác Hồ sang thăm Mát-xcơ-va. Lúc đó Bớc-sét và Vét-xa cũng có mặt ở đó và cả hai cùng ra đón Bác. Sau này Bớc-sét đã kể lại một kỷ niệm lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho vợ chồng ông: “Một phần thưởng mà chúng tôi sớm nhận được để bù lại nỗi nhớ nhung Việt Nam là chỉ sau vài tuần chúng tôi đến Mát-xcơ-va, Cụ Hồ Chí Minh đã đến thăm chính thức Liên Xô. Nghi lễ đón tiếp có 21 phát súng đại bác, quốc ca hai nước, diễu hành của đội danh dự, giới thiệu với đoàn ngoại giao, rồi đến đoàn báo chí. Cụ Hồ đã trông thấy chúng tôi đứng ở hàng thứ ba trong giới báo chí. Trước sự lo sợ của nhân viên an ninh, lễ tân và trước cả sự ngạc nhiên của đoàn ngoại giao, Cụ Hồ đã rời hàng danh dự của những người đứng đón chào Cụ và bước đến chỗ chúng tôi, đặt bó hoa lớn mà Cụ vừa nhận được khi bước xuống máy bay vào tay của Vét-xa. Những thành viên khác của phái đoàn cũng làm giống như vậy, chuyển các bó hoa của họ cho chúng tôi và ôm hôn chúng tôi trước sự ngạc nhiên của các nhân viên an ninh và lễ tân.
Tính giản dị và quan hệ trước sau như một với bạn cũ của Cụ Hồ Chí Minh luôn luôn đứng trên mọi thứ nghi lễ ngoại giao. Một vài ngày sau, sau vài lần gọi giây nói, một xe hòm đen lớn chở chúng tôi đến một biệt thự đã từng là nơi ở của Xtalin trong khu rừng ngoại ô Mát-xcơ-va. Và ở đó, chúng tôi ăn cơm sáng với Cụ Hồ Chí Minh. Đó là một toà nhà gạch khá đơn giản, một số tường của nó có thể dễ dàng ngã xuống khi người ta bấm vào một cái nút để cho những người bảo vệ có thể chạy ra ngoài, đối phó với những kẻ xâm nhập. Bác Hồ kể cho chúng tôi nghe về những phát triển ở Việt Nam kể từ lúc chúng tôi ra đi. Bữa cơm sáng chỉ là sự nối lại của một tình bạn thân thiết và nói lên tình cảm thân ái của Cụ Hồ Chí Minh”. Và Bớc-sét đã ghi lại một sự kiện nữa: “Những biểu hiện chú ý đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh hầu như chắc chắn đã giúp chúng tôi giải quyết được một trong những khó khăn lớn. Việc cung cấp nhà ở cho những nhà ngoại giao và nhà báo là do cơ quan phục vụ ngoại giao đoàn phụ trách và cho đến trước khi có cuộc đi thăm của Bác Hồ, mỗi lần tôi hỏi về nhà cửa thì chỉ được đáp bằng những cái nhìn lạnh lẽo. Nhưng sau đó, thình lình tôi được cấp chỗ ở tại khu Vi-xốt-ni Đôm, một khu nhà đẹp nhìn xuống sông Mát-xcơ-va, cách nửa dặm về phía Crem-li. Cùng ở với chúng tôi trong ngôi nhà đó là những nhân vật nổi tiếng như nữ diễn viên ba-lê Ga-li-na U-la-nô-va và nhà viết xã luận A-lếch-xăng-đrơ Tva-đốp-xki. Người ta nói rằng trước kia chính Xtalin trực tiếp duyệt danh sách những người được ở ngôi nhà này”(4).
Một nhà báo Chi-lê viết: Trong cách đối xử với chúng tôi, Người thân ái một cách đặc biệt, nhất là khi Người nói với chúng tôi bằng tiếng Tây-ban-nha. Người đã từng đến châu Mỹ La-tinh, làm phụ bếp trên những chiếc tàu buôn. Con người từng bôn ba ở nước ngoài, từng kiếm sống bằng nghề nấu bếp bình thường ấy đứng trước chúng tôi giản dị thế, mặc dù Người có sức hút khổng lồ trên thế giới. Hình như nhà báo nào đã có vinh dự gặp Bác, đều ghi lại những ấn tượng đặc biệt!
Một trong những niềm yêu thích của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đọc sách báo. Trong phòng làm việc của Người luôn có các tờ báo xuất bản ở trong nước và cả báo chí nước ngoài nữa. Người đọc kỹ, ghi những nhận xét vào bên cạnh những bài báo mà Người quan tâm. Nhiều đêm khuya, công việc xong. Người ngả lưng trên giường, mở chiếc đài nhỏ nghe những buổi phát thanh trong và ngoài nước và Người nói: Tôi muốn nghe tiếng nói của nhân loại!
Trong Phủ Chủ tịch, phía sau có một khoảng đất rộng chừng 100 mét vuông, trải sỏi. Bao quanh phía ngoài là một giàn hoa hình bán nguyệt. Giàn hoa rực rỡ màu đỏ tím của hoa, màu xanh của lá, hoà nhập với cảnh quan của khu vườn nổi tiếng. Chính ở nơi đây, với bộ bàn ghế giản dị, Bác Hồ đã tiếp và trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo nước ngoài. Sau này, nhiều người trở lại Việt Nam đứng dưới giàn hoa này đã xúc động nói: Chúng tôi rất nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người rất hiểu chúng tôi. Người là người anh, người bạn và cũng là Bác Hồ của chúng tôi! Năm 1946, trong dịp Bác Hồ sang thăm Pháp, bà Ăng-đrê Vi-ô-lit, tác giả cuốn Đông Dương kêu cứu đã giới thiệu với Người, một cô gái trẻ 18 tuổi, một nhà báo mới vào nghề, đang tập sự ở toà soạn báo Se Soir (Chiều Nay). Hồ Chủ tịch vui vẻ đến gần, Người nói một cách trìu mến bằng tiếng Pháp: Con gái của tôi! Đó chính là Ma-đơ-len Ri-phô! Tuy còn trẻ nhưng cô gái xinh đẹp và dũng cảm này đã từng là một chiến sĩ chống phát-xít. Bác Hồ ân cần nói với cô: Làm báo là một nghề chân chính!
Sau này, Ri-phô đã nhiều lần sang Việt Nam. Nhiều bài báo của chị nói về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã được in trên báo Nhân đạo, giúp nhân dân Pháp hiểu rõ cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong một cuộc tiếp xúc với các nhà báo ở Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, Bác Hồ đã chủ động đến bên cạnh Ma-đơ-len Ri-phô, Người nói một cách vui vẻ:
- Ô kìa các vị hãy nhìn cô gái nhỏ nhắn này! Cô ấy không còn nhận ra tôi nữa chắc?
- Ma-đơ-len Ri-phô xúc động, nói:
- Thưa Bác, không, con gái của Người vẫn nhận ra Người đấy chứ! Nhưng con thật không ngờ Người vẫn nhớ đến con!
Khi nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ma-đơ-len Ri-phô lại sang Việt Nam. Chị đã cùng nhà báo Bớc-sét vượt Trường Sơn vào vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Ri-phô cũng mặc quần áo bà ba đen, đội mũ tai bèo, đi dép lốp cao su và khăn rằn trên vai như những cô gái du kích miền Nam.
Chị đã viết những cuốn phóng sự nổi tiếng: Trong căn cứ Việt Cộng và ở miền Bắc Việt Nam viết dưới bom đạn và chị đã gửi tặng Bác Hồ cả hai cuốn sách đó, với lời đề tặng:
Kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự biết ơn sâu sắc và tất cả tấm lòng yêu mến của con đối với Người, với Đảng, với Nhân dân của Người, đang chiến đấu và chiến thắng những tên phát-xít mới!