Gắn tự phê bình và phê bình với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Thứ năm - 13/09/2012 10:24 2.416 0

Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh
Từ nay đến hết năm 2012, các tổ chức, cấp ủy các cấp và toàn thể cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Ngoài 3 nội dung chính mà Nghị quyết đã chỉ ra, để công tác tự phê bình và phê bình thật sự sâu sắc, thiết thực, cụ thể cần gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bởi vì, trong nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng, Nghị quyết đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2012 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực hiệu quả”.

Tự phê bình và phê bình gắn với học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh như thế nào cho thiết thực, hiệu quả là vấn đề cần bàn. Trong tự phê bình có nhiều nội dung chung chung, định tính, không dễ chỉ ra một cách cụ thể, nếu người tự phê bình không tự giác, cầu thị. Chẳng hạn: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm; thực hiện cần, kiệm, liêm chính chí công, vô tư; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ; việc kê khai tài sản cá nhân cán bộ và gia đình họ v.v. Bởi những nội dung này rất phức tạp, đa dạng, có những vấn đề chưa có một chuẩn quy định thống nhất, phải có sự kiểm tra, thanh tra, xác minh. Đó là chưa kể nhiều khi do cơ chế, cá nhân cán bộ cũng khó có quyền quyết định ngay cả những vấn đề trong phạm vi quyền hạn của mình. Do đó, trong kiểm điểm, tự phê bình không thể kết luận ngay được đúng, sai. Do vậy, khi đối chiếu việc tự phê bình và phê bình của cá nhân, tập thể với tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết cần đi vào những biểu hiện hoạt động cụ thể hàng ngày của người cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn: việc ăn ở, đi lại, sinh hoạt hằng ngày có tiết kiệm không, có gần gũi, gắn bó với nhân dân không, có cậy quyền cậy thế vinh thân phì gia không, có lợi dụng chức vụ, quyền hạn theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ không” v.v. Chính từ những biểu hiện rất cụ thể, nhân dân có thể nhìn nhận, đánh giá người cán bộ, đảng viên đó có học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không mà có thể tin tưởng, gửi gắm tâm tư nguyện vọng của mình. Dưới đây xin nêu một số biểu hiện cụ thể về tấm gương đạo đức, tác phong của Bác mà bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể học tập, làm theo.    
Trong suốt cuộc đời mình, Bác luôn sống một cuộc sống bình dị, yêu thiên nhiên, môi trường, gắn bó, hòa đồng với  thiên nhiên. Người tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn lúc thảnh thơi hay trong những giờ phút căng thẳng. Vì thế, thiên nhiên (sông, núi, trăng, sao, chim, hoa ...) thường xuất hiện trong thơ của Người ngay cả khi thân thể ở trong lao, hay giữa núi rừng Việt Bắc, khi “chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà...”. Người luôn căn dặn cán bộ phải chọn những nơi ở “gần dân không gần đường". Khi trở về Hà Nội, Người không ở nhà cao cửa rộng của Phủ toàn quyền Đông Dương cũ mà ở trong khu nhà đơn sơ, hòa đồng với thiên nhiên, trồng nhiều cây trong vườn, chăm sóc ao cá và không cho phép ai xua đuổi hoặc bắn chim trong vườn. Đồng thời, Người luôn luôn quan tâm đến việc xây dựng môi trường sống trong lành từ những việc làm nhỏ hàng ngày đến những kế hoạch lớn của đất nước. Trong sinh hoạt hàng ngày, thông qua những việc làm nhỏ của mình, Bác thể hiện rõ mong muốn xây dựng một môi trường sống trong lành, bền vững cho các thế hệ tương lai.
Học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ ở khía cạnh này, người cán bộ lãnh đạo quản lý khi tự phê bình và phê bình cần liên hệ xem ý thức bảo vệ môi trường sống của mình ra sao, cách ăn ở thế nào, có vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm có những quyết định ảnh hưởng xấu đến môi trường hay không. Đối với những người có chức, quyền, cần tự kiểm điểm xem mình có trực tiếp hay gián tiếp làm cho môi trường, sinh thái bị hủy hoại hay không, có đưa ra những quyết định mà vô tình hay hữu ý tàn phá, hoang phí tài nguyên thiên nhiên hay không, có hy sinh lợi ích môi trường lâu dài vì lợi ích kinh tế trước mắt hay không...? Hiện nay, không ít quan chức lãnh đạo có nhiều nhà cửa, đất đai, trang trại do tham nhũng mà có, khi liên hệ, tự kiểm điểm có tự giác thừa nhận điều này hay không? Một trong những vấn đề nhức nhối trong bảo vệ môi trường là rừng của chúng ta đã và đang bị tàn phá một cách nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân quản lý lỏng lẻo, vô trách nhiệm của những cán bộ lãnh đạo, quản lý địa phương, cơ sở, nơi có rừng, thậm chí thông đồng, bảo kê của kiểm lâm cho “lâm tặc”. Trách nhiệm của họ ở đó sẽ được kiểm điểm tự phê bình và phê bình ra sao?
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ xây dựng, tạo cho mình môi trường sống trong lành, hòa hợp thiên nhiên mà còn là người khởi đầu muốn tạo nên truyền thống mới trong nhân dân Việt Nam: Tết trồng cây vì lợi ích hằng mười năm của đất nước. Người đã phát động phong trào Tết trồng cây rộng lớn trong toàn thể nhân dân, từ các em thiếu nhi, thanh niên cho đến các cụ phụ lão. Người cho rằng: Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều. Và Người chỉ rõ: Trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Mùa xuân năm 1960, phong trào Tết trồng cây bắt đầu được phát động trong nhân dân. Từ đó, Bác luôn cố gắng đưa Tết trồng cây trở thành một phong tục tốt đẹp của nhân dân ta mỗi khi xuân về, tết đến. Đi đâu Bác cũng trồng cây và vận động tất cả các tầng lớp xã hội làm theo.
Một số cán lãnh đạo khi xuống địa phương, cơ sở cũng làm theo Bác: Trồng cây lưu niệm. Thế nhưng ở những nơi đắc địa, ai cũng muốn ghi danh mình bằng việc trồng các cây ở vị trí nhiều người biết nhất, thành thử có khi chỉ một khoảng đất hẹp mà có đến cả chục thứ cây khác nhau chen chúc, chật chội, thậm chí có những loại cây “kỵ” nhau lại được trồng cạnh nhau. Hơn nữa, trồng rồi, việc chăm sóc không được giao trách nhiệm cụ thể, thiếu sự quan tâm, cho nên, được một thời gian, nhiều cây bị còi cọc, úa vàng. Bác nhiều lần thẳng thắn phê bình việc “trồng cây gây rừng nhưng không coi trọng, chú ý chăm sóc để cây chết”; phải "trồng cây nào sống cây đó, tốt cây đó", tránh tiến hành hình thức, chạy theo diện tích, số lượng.  Phải chăng, việc cán bộ lãnh đạo trồng cây kiểu như vậy là vì “cái oai” của  mình chứ đâu “vì lợi ích mười năm”? Do vậy, nên chăng, các vị lãnh đạo khi có dịp trồng cây lưu niệm thì nên học tập Bác là trồng cây chỗ đất rộng rãi, trồng những cây phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu ở nơi đó, tốt nhất là trồng cây trên đồi, để mọi người làm theo?
Xuất phát từ mong muốn và tầm nhìn về sự phát triển bền vững của nước nhà, trong bản Di chúc viết ngày 15-5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" dần dần sẽ được phổ biến vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ có nhiều điện, thì "điện táng" càng tốt hơn... Trên mộ, nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh lại lợi cho nông nghiệp". Những lời nhắn nhủ này không những khiến chúng ta bùi ngùi xúc động trước sự giản dị, khiêm nhường của một vị Chủ tịch nước, mà ngày nay mỗi khi đọc lại, chúng ta càng thấy được mong ước lớn lao của Người về một nước Việt Nam tươi đẹp, vững bền.
Từ đó đến nay, có được bao nhiêu cán bộ lãnh đạo, quản lý làm theo lời dặn của Bác là “hỏa táng”. Ngược lại, hiện nay ở nhiều nơi, phong trào xây “mồ to mả đẹp” của những người lắm tiền, nhiều của, trong đó có cán bộ, đảng viên đang phát triển rất mạnh mẽ, tốn kém tiền của, đất đai. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và nhiều địa phương đang cố tình “khoe của”, khuyếch trương họ hàng, dòng tộc bằng cách mua đất, xây trang trại, lập từ đường đồ sộ, tốn kém, có công trình đầu tư đến vài chục tỷ. Trong đợt tự phê bình và phê bình lần này có nêu những vấn đề đó ra?
Cho đến nay, ở nước ta, chưa có cơ quan nào thống kê bao nhiêu con cán bộ lãnh đạo, quản lý đi học nước ngoài bằng tiền của tổ chức hay của người khác; có bao nhiêu trường hợp cha - con, anh - em, vợ - chồng cùng làm việc trong một cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước một cách trái pháp luật, sai quy định. Không ít người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị bố trí vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, tài vụ, kế toán, thủ quỹ, mua bán vật tư, giao dịch, ký kết hợp đồng... cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó... Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê phán hiện tượng nhận người thân quen vào cơ quan nhà nước làm việc, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Có thể nói còn rất nhiều việc cụ thể hằng ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương mẫu mực cho cán bộ, đảng viên chúng ta làm theo.

Tin, ảnh: Vũ Ngọc Lân

Nguồn tin: Theo tapchixaydungdang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây