Đánh giá về tình hình thực hiện công tác phối hợp, báo cáo sơ kết đã nêu rõ từ sau khi ban hành quy định, Lãnh đạo các cơ quan tư pháp đã quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì thế tình hình khiếu nại, tố cáo về tư pháp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua không có vấn đề nổi cộm, không có khiếu nại bức xúc, khiếu kiện đông người, hình thành điểm nóng. Tất cả các khiếu nại, tố cáo đều được giải quyết kịp thời, đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền, chất lượng giải quyết ngày càng nâng cao, không còn tình trạng đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp tồn đọng, bức xúc không được giải quyết dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số tồn tại như có cơ quan tư pháp vẫn đang lúng túng trong việc phân loại xử lý đơn khiếu nại; giải quyết đơn nhưng chỉ ra văn bản thông báo, trả lời mà chưa ra quyết định giải quyết; chưa thông báo kết quả xử lý đơn cho Viện kiểm sát theo như qui định để thực hiện công tác phối hợp.
Theo báo cáo sơ kết thì tỉ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh đạt tỉ lệ 89 % (trong đó các cơ quan như Viện kiểm sát, Tòa án, Cục thi hành án đạt 100%); số khiếu nại, tố cáo còn lại đang trong thời hạn giải quyết. Tuy nhiên trong số khiếu nại, tố cáo đã nhận được thì có đến 65 % số khiếu nại, tố cáo sai và chỉ có 17% số khiếu nại tố cáo có nội dung đúng đã được các cơ quan tư pháp giải quyết. Sở dĩ như vậy một phần là do sự hạn chế về nhận thức của công dân đối với các qui định của pháp luật, bên cạnh đó cũng có một số đối tượng cố tình khiếu nại nhằm gây áp lực đối với cơ quan thi hành pháp luật. Vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thụ lý giải quyết các vụ việc dân sự, quá trình tiến hành Thi hành án dân sự...các cơ quan tư pháp cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đúng theo qui định của pháp luật, đồng thời kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật, nhằm hạn chế việc phát sinh khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.