I. Tên đợt thi đua
Đợt thi đua này được lấy tên là: “Thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI” và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
II. Nội dung thi đua
Các tập thể, cá nhân trong toàn ngành Kiểm sát ra sức phấn đấu thực hiện tốt những chỉ tiêu sau đây:
- Bám sát những yêu cầu trong Chỉ thị về công tác kiểm sát và Chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng hàng năm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp làm việc, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác nghiệp vụ đã được nêu trong Chương trình, Kế hoạch công tác của từng đơn vị; toàn Ngành phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi những mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm đã được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra.
- Cùng với việc triển khai đồng bộ các phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị toàn Ngành, các đơn vị tuỳ theo điều kiện thực tế để đề ra các nội dung thi đua sát hợp, cụ thể, thiết thực nhằm góp phần có hiệu quả cùng với toàn hệ thống chính trị thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
- Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua, các đơn vị phải tiếp tục quán triệt và gắn phong trào thi đua với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó phát động sâu rộng phong trào “Thực hành tiết kiệm chống lãng phí”, chủ động và tham gia tích cực đối với các phong trào thi đua do các cấp uỷ Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… và của Hội đồng thi đua, khen thưởng các địa phương phát động để phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, góp phần nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân.
III. Thời gian thi đua
- Đợt thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015) và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” kéo dài từ năm 2011 đến hết 2015. Mỗi năm bình xét một lần để khen thưởng vào dịp kỉ niệm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7) hằng năm.
- Các đơn vị gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng về Phòng thi đua, khen thưởng (Văn phòng VKSND tối cao) trước ngày 30/5 hằng năm để kịp tập hợp, trình Hội đồng Thi đua, khen thưởng Ngành xét duyệt khen thưởng.
IV. Hình thức khen thưởng
Hình thức khen thưởng cao nhất trong phong trào thi đua là Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao.
V. Đối tượng khen thưởng
- Tập thể: Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; Phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; cấp phòng, khoa thuộc các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao.
- Cá nhân: Tất cả các bộ, công chức, viên chức trong ngành Kiếm sát nhân dân (kể cả cán bộ trong diện hợp đồng).
Để bảo đảm việc khen thưởng chính xác, có chất lượng, động viên và thúc đẩy được phong trào thi đua, các đơn vị cần lưu ý:
- Đối với tập thể: Đề nghị khen thưởng không quá 1/3 trong tổng số tập thể của đơn vị mình.
- Đối với cá nhân: các đơn vị đề nghị khen thưởng không quá 20% tổng số người hiện đang công tác tại đơn vị (kể cả hợp đồng). Không đề nghị khen thưởng đối với các trường hợp mới tuyển dụng dưới 10 tháng; nghỉ việc từ 40 ngày trở lên; bị xử phạt hành chính, bị kỷ luật từ khiển trách trở lên.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành phát động thi đua, đăng kí thi đua và các chỉ tiêu thi đua, triển khai thực hiện phong trào; kiểm tra, chỉ đạo phong trào thi đua của đơn vị mình để phong đi đúng hướng, đạt hiệu quả thiết thực; tiến hành bình xét, đề nghị khen thưởng đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, đúng số lượng và kịp thời gian.
Phòng thi đua, khen thưởng thuộc Văn phòng VKSND tối cao giúp Hội đồng thi đua, khen thưởng Ngành chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt phong trào thi đua.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, các đơn vị thông tin kịp thời về Phòng Thi đua, khen thưởng (Văn phòng VKSND tối cao) để được giải đáp.