Khác với các bị cáo phạm tội “Trộm cắp tài sản” ở những phiên tòa khác, những bị cáo ở 02 phiên tòa này đều là những người có trình độ văn hóa, có nhân thân tốt, có nghề nghiệp, có thu nhập tương đối ổn định đủ nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội là do nhìn thấy sự lơi lỏng của những người bị hại mà nhất thời nảy sinh ý thức chiếm đoạt. Đó cũng là điều đáng lưu tâm khi kẻ phạm tội chỉ vì ham muốn vật chất nhất thời mà bất chấp pháp luật, xem nhẹ sự nguy hiểm có xảy ra ngay tức khắc đối với người khác. Kết thúc phiên tòa, với bản án mà các bị cáo nhận, bên cạnh những giọt nước mắt, những sự day dứt, đau xót của người thân còn có cả sự tiếc nuối của những người theo dõi dành cho các bị cáo.
Sau khi kết thúc hai phiên tòa, tập thể lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Huế và Tổ tư vấn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức họp rút kinh nghiệm. Tại phiên họp, các Kiểm sát viên tham dự phiên tòa đã chân tình, thẳng thắn góp ý đối với hai Kiểm sát viên Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự về cả những điểm tốt cần phát huy và những điểm còn hạn chế, thiếu sót cần khắc phục, hoàn thiện. Sau đó, các thành viên trong Tổ tư vấn đã tổng hợp, phân tích, hướng dẫn các vấn đề còn có nhận thức khác nhau để thực hiện thống nhất.
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế chú trọng, quan tâm chỉ đạo về mặt nội dung lẫn hình thức. Chính vì vậy, tại Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Huế với lực lượng Kiểm sát viên đông, số lượng phiên tòa được tổ chức nhiều và thường xuyên nhưng không gây tâm lý nhàm chán. Ngược lại, mỗi phiên tòa có một nét riêng biệt, phiên tòa nào cũng có điểm cần quan tâm, mổ xẻ nên hiệu quả mang lại là rất thiết thực, giúp cho mỗi một Kiểm sát viên và cán bộ làm công tác nghiệp vụ không ngừng rèn luyện kỷ năng, học hỏi lẫn nhau, tích lũy kinh nghiệm để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.