Theo đó, ngành Kiểm sát nhân dân cần tập trung vào tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 về Viện kiểm sát nhân dân mà trọng tâm là các Điều 137, 138, 139, 140 và các quy định khác của Hiến pháp có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Nội dung tổng kết phải gắn với việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, việc thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cũng như các Luật, Pháp lệnh khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát, đồng thời phải gắn với thực tiễn cải cách tư pháp trong thời gian qua; đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, bám sát các định hướng, yêu cầu, tiến độ được xác định tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 12/7/2011 của Hội nghị Trung ương 2 khóa XI về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết số 06/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐHP ngày 23/8/2011 về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Thứ hai, phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần phải được ưu tiên và tập trung chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, mục đích, yêu cầu đặt ra.
Thứ ba, phải làm rõ những kết quả đạt được, chưa đạt được so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân; phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế trong việc thực hiện Hiến pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp.
Việc tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong ngành Kiểm sát nhân dân nhằm tổng kết, đánh giá một cách khách quan, toàn diện trên cả phương diện lý luận và thực tiễn việc thi hành các quy định của Hiến pháp năùwm992 và việc cụ thể hóa trong các Luật, Pháp lệnh các quy định của Hiến pháp năm 1992 về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và các quy định khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; vì vậy, để triển khai thực hiện tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong ngành Kiểm sát nhân dân đạt chất lượng, hiệu quả, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong Ngành theo chức trách, nhiệm vụ như sau:
1. Viện khoa học kiểm sát là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, giúp Ban chỉ đạo triển khai Kế hoạch tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong ngành Kiểm sát nhân dân; thực hiện tổng kết việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân bằng các Luật, Pháp lệnh; tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong mối quan hệ phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
2. Các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình.
3. Viện kiểm sát quân sự Trung ương tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của toàn bộ hệ thống Viện kiểm sát quân sự.
4. Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Viện khoa học kiểm sát giúp Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trong toàn Ngành; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong toàn Ngành trong quá trình triển khai tổng kết việc thi hành Hiến pháp...
5. Vụ Kế hoạch - tài chính Viện kiểm sát nhân dân tối cao lập dự toán kinh phí bảo đảm phục vụ việc tổng kết, báo cáo Lãnh đạo Viện gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền.
6. Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân địa phương và mối quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân địa phương với các cơ quan nhà nước ở địa phương được quy định trong Hiến pháp.
7. Tạp chí kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Trang thông tin điện tử của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao mở Chuyên mục tổng kết thi hành và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 nhằm tiếp nhận các ý kiến, thông tin, phản ánh kịp thời các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành Kiểm sát về việc tổng kết thi hành Hiến pháp và sáng kiến, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp liên quan đến tổ chức và hoạt động của
Viện kiểm sát nhân dân; giải đáp thắc mắc của các đơn vị trong toàn Ngành trong việc thực hiện tổng kết thi hành Hiến pháp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về việc tổng kết thi hành và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 của các đơn vị trong toàn Ngành.
Các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương và các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh tiến hành tổng kết, xây dựng báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của đơn vị mình và gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao trước ngày 20/11/2011. Ban chỉ đạo việc tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong ngành Kiểm sát nhân dân phải hoàn thành Dự thảo Báo cáo tổng kết trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trước ngày 20/01/2012 để trình Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước ngày 25/01/2012.
Nguồn tin: Kiểm sát Online