Ngành Kiểm sát nhân dân với phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"

Thứ ba - 15/11/2011 19:43 4.325 0
Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, ngày 20/6/2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Công văn số 1854/VKSTC-VP phát động đợt thi đua với tiêu đề:" Thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và hưởng ứng phong trào thi đua " Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" trong toàn ngành.
Các  tặng cờ thi đua cho các tập thể dẫn đầu phong trào thi đua năm 2010
Các tặng cờ thi đua cho các tập thể dẫn đầu phong trào thi đua năm 2010

Phát dộng đợt thi đua này là nhằm mục tiêu phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của ngành mà Đảng và Nhà nước giao cho, góp phần cùng với cả nước đảm bảo tốt việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển về kinh tế, xã hội, xây dựng đất nước tiến tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng yêu cầu các tập thể, cá nhân trong toàn ngành Kiểm sát ra sức phấn đấu thực hiện tốt những chỉ tiêu sau đây:
      - Bám sát những yêu cầu trong Chỉ thị về công tác Kiểm sát và Chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng hàng năm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp làm việc, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác nghiệp vụ đã được nêu trong chương trình, kế hoạch công tác của từng đơn vị; toàn ngành phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi những mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm đã được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra.
      - Cùng với việc triển khai đồng bộ các phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của toàn ngành, các đơn vị tùy theo điều kiện thực tế để đề ra các nội dung thi đua sát hợp, cụ thể, thiết thực nhằm góp phần có hiệu quả cùng với toàn hệ thống chính trị thực hiện tốt phong trào thi đua " Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".
      - Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua, các đơn vị phải tiếp tục quán triệt và gắn phong trào thi đua với thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trong đó phát động sâu rộng phong trào "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí"; chủ động và tham gia tích cực đối với các phong trào thi đua do các cấp ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… và của Hội đồng thi đua, khen thưởng các địa phương phát động để phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, góp phần nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thi đua, Khen thưởng Trung ương tại Công văn số 1668/BTĐKT ngày 26/9/2011 về việc triển khai tổ chức phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; do các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới rất rộng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tùy theo điều kiện thực tế về địa bàn hoạt động và lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, hướng trọng tâm của phong trào thi đua vào tiêu chí phục vụ việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường ổn định cho chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, một quyết sách lớn lớn của Đảng và Nhà nước thành công rực rỡ.
Trên cơ sở định hướng nêu trên, mỗi đơn vị phải xây dựng kế hoạch với các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải phấp cụ thể, thiết thực để thực hiện tốt phong trào thi đua với các nội dung sau:
      - Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để nắm chắc tin báo, tố giác tội phạm xảy ra ở các vùng nông thôn trên địa bàn, đặc biệt là các xã được chọn để xây dựng nông thôn mới để có biện pháp cùng với cơ quan điều tra phân loại, xử lý kịp thời.
      - Khi có tội phạm xảy ra tại các xã điểm được chọn để xây dựng nông thôn mới, tùy theo tính chất từng vụ án, Viện kiểm sát các địa phương phải chủ động cùng với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp xác định án điểm và đưa về xét xử lưu động tại địa phương để góp phần vào công tác giáo dục, phòng ngừa tội phạm tại địa phương.
      - Viện kiểm sát các cấp cần chủ động nắm bắt tình hình các vụ, việc về tranh chấp dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và hôn nhân gia đình tại các địa bàn trên để có biện pháp đôn đốc Tòa án giải quyết nhanh, đồng thời kiểm sát chặt chẽ quá trình thực hiện tố tụng cũng như kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án nhằm bảo đảm việc giải quyết đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng đắn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không để việc giải quyết kéo dài tạo ra những bức xúc của đương sự, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương.
      - Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, các đơn vị cần tiến hành giải quyết ngay những việc thuộc thẩm quyền, đồng thời hướng dẫn hoặc chuyển đơn đế các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết phải thực hiện nhanh để tạo niềm tin của nhân dân đối với Viện kiểm sát nói riêng và với các cơ quan tư pháp nói chung.
      - Để góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trên địa bàn, các đơn vị cần chủ động phối hợp với hệ thống thông tin, đài truyền thanh của địa phương để cung cấp thông tin hoặc viết bài đưa tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xảy ra trên địa bàn nói chung và từng vụ án cụ thể nói riêng; việc đưa tin, bài phải đảm bảo kịp thời để đạt hiệu quả và tác dụng cao.

Tin, ảnh: Bùi Luận

Nguồn tin: www.vksndtc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây