Dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc VKSNDTC; đại diện Lãnh đạo Viện cấp cao 1, 2, 3 và các đơn vị trực thuộc; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, VKSND cấp huyện thuộc tỉnh; các Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ phối hợp với Cơ quan điều tra VKSNDTC cùng dự. Hội nghị được truyền hình trực tuyến tới hơn 800 điểm cầu trên cả nước.
Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hải, Cục trưởng Cục Điều tra VKSNDTC trình bày Báo cáo đánh giá khái quát tình hình, kết quả thực hiện công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp trong thời gian qua. Theo đó, kể từ khi Quy chế tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐT VKSNDTC ban hành kèm heo Quyết định số 116/2011/QĐ-VKSTC-C6 ngày 14/4/20111 của Viện trưởng VKSNDTC ( sau đây viết tắt là Quy chế số 116) được ban hành đến nay, công tác phối hợp đã có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nề nếp, giúp cho CQĐT quản lý sát hơn về tình hình vi phạm, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết. Đã phát hiện và khởi tố điều tra được một số vụ án xâm phạm nghiêm trọng hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp, được dư luận quần chúng đồng tình, ủng hộ, như: Vụ Thẩm phán Nguyễn Duy Hiệp, Phó Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam phạm tội “Nhận hối lộ”; vụ Thẩm phán Nguyễn Thành Đoàn, Phó Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình phạm tội “Ra bản án trái pháp luật”; vụ án Đinh Thiên Tường, Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”… Bên cạnh đó, nhờ sự phối hợp của VKSND các địa phương trong kiểm tra thông tin vi phạm, tội phạm theo đơn tố cáo của công dân đã giúp CQĐT sàng lọc bớt những thông tin không phải là tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại mà vẫn đảm bảo mọi đơn thư của công dân gửi đến CQĐT đều được xem xét, giải quyết, trả lời. Qua công tác phối hợp, VKSND địa phương cũng nắm được nội dung các vụ án để khi kết thúc điều tra, chuyển vụ án địa phương truy tố có sự đồng thuận cao giữa VKSNDTC và VKSND địa phương trong việc đánh giá chứng cứ, quan điểm xử lý, buộc tội bị cáo trước Tòa. Ngoài ra, công tác phối hợp vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra của CQĐT vừa góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nâng cao vị thế của các VKSND địa phương trong hoạt động tư pháp và nâng cao trách nhiệm của VKSND địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Cục trưởng Cục Điều tra VKSNDTC trình bày báo cáo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh: Quán triệt thực hiện Quy chế số 116, các đơn vị thuộc VKSNDTC và VKSND các địa phương đã có nhiều cố gắng, phối hợp tốt với CQĐT VKSNDTC trong việc tiếp nhận, quản lý, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền; góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành KSND, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Để nâng cao trách nhiệm phối hợp trong công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐT VKSNDTC, đồng thời thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Lãnh đạo các đơn vị trong toàn Ngành chỉ đạo, yêu cầu công chức do mình phụ trách tiếp tục quán triệt, thực hiện đúng các quy định mới trong Luật tổ chức VKSND năm 2014 về công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSNDTC; các quy định trong Thông tư liên tịch số 06, Quy chế số 116, Công văn số 3322 để nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐT. Đồng thời, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ điều tra; tổng kết, sửa đổi, bổ sung Quy chế số 116 trong thời gian tới để phù hợp với các Luật có liên quan… Đề cập đến một số nội dung cần lưu ý, theo đồng chí Viện trưởng VKSNDTC thì điều quan trọng là cần làm sao để không để xảy ra tiêu cực và không làm oan người vô tội trong quá trình thực thi nhiệm vụ, có như thế thì niềm tin của nhân dân đối với ngành KSND và CQĐT VKSNDTC mới ngày càng được củng cố.
Một số hình ảnh tại điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
Hội nghị cũng đã nghe các địa phương, đơn vị thảo luận, đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện Quy chế số 116 tại đơn vị, địa phương; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện Quy chế; các biện pháp tổ chức thực hiện yêu cầu của Viện trưởng VKSNDTC tại Công văn số 3322 và Quy chế số 116. Cũng tại Hội nghị, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Quy chế số 116; đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm chung và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để toàn Ngành triển khai thực hiện.